Kết quả được đưa ra trong một nghiên cứu thực hiện ở Chicago (Mỹ).
Theo nghiên cứu, sự dịch chuyển đất dưới các khu vực đô thị này có thể gây ra vấn đề cho các tòa nhà và cơ sở hạ tầng. Từ đó, đe dọa đến hiệu suất và độ bền lâu dài. Biến đổi khí hậu ngầm là sự nóng lên của mặt đất dưới chân chúng ta do nhiệt tỏa ra từ các tòa nhà và phương tiện giao thông ngầm như hệ thống tàu điện ngầm.
Alessandro Rotta Loria - Giáo sư trợ lý về kỹ thuật dân dụng và môi trường tại Trường Đại học Tây Bắc ở Evanston, Illinois - cho biết: “Thành phố càng đông đúc thì biến đổi khí hậu dưới lòng đất càng dữ dội”. Cụ thể, đất, đá và vật liệu xây dựng biến dạng khi chịu sự thay đổi nhiệt độ. Ví dụ, mặt đất bên dưới các tòa nhà có thể co lại khi nóng lên, gây ra hiện tượng lún không mong muốn.
Theo chuyên gia này, các biến dạng do biến đổi khí hậu dưới lòng đất gây ra có cường độ tương đối nhỏ, nhưng liên tục phát triển. Theo thời gian, chúng có thể trở nên nghiêm trọng đối với hoạt động vận hành của cơ sở hạ tầng dân dụng như nền móng tòa nhà, tường chắn nước, đường hầm…
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Communications Engineering, được thực hiện bằng cách lắp đặt 150 cảm biến nhiệt độ khắp quận Chicago Loop, cả trên và dưới mặt đất, cũng như ở nhiều nơi gồm tầng hầm, đường hầm và nhà để xe. Các cảm biến cũng được đặt ở Công viên Grant dọc theo Hồ Michigan. Từ đó, nhằm so sánh nhiệt độ từ một khu vực không có nhiệt độ dư thừa do xây dựng hoặc vận chuyển.
Dữ liệu được thu thập trong ba năm và kết quả cho thấy, mặt đất bên dưới Vòng lặp ấm hơn tới 18 độ F (10 độ C) so với mặt đất bên dưới công viên. Nhà nghiên cứu Rotta Loria cho biết: “Chúng tôi tìm thấy các cấu trúc dưới lòng đất, như tầng hầm, nơi có nhiệt độ không khí rất cao. Hậu quả của điều đó là ít nhất một phần nhiệt sẽ khuếch tán xuống mặt đất theo thời gian. Đó là nguồn gốc của hiện tượng này”.
Sau đó, nhóm sử dụng dữ liệu để xây dựng mô hình máy tính của Vòng lặp Chicago. Đồng thời, mô phỏng tác động của nhiệt độ tăng lên trên mặt đất, từ những năm 1950 - 2050. Họ phát hiện, tùy vào thành phần của đất, mặt đất phản ứng không đồng đều với sự nóng lên. Đồng thời, có thể vừa mở rộng vừa co lại theo số lượng - trong khi con người không thể nhận thấy. Tình trạng đó có thể gây sự cố cho các tòa nhà.
“Điều quan trọng cần nhấn mạnh là biến đổi khí hậu ngầm không đe dọa đến sự an toàn của con người và không đe dọa làm sụp đổ các công trình và tòa nhà. Nó đặt ra một thách thức tiềm tàng đối với chức năng và độ bền của các cấu trúc. Bởi, biến dạng mặt đất quá mức có thể dẫn đến tình trạng nghiêng và có khả năng bị nứt”, nhà nghiên cứu Rotta Loria cho biết.
Theo CNN