Biến đổi khí hậu gây thiên tai nặng nề hơn?

Anh Thư |

Theo hãng tin AP, các nhà khoa học môi trường tại Mỹ đang lo ngại nguy cơ khủng hoảng nước sạch, một hệ quả từ những trận mưa kỷ lục xuất hiện ngày một thường xuyên hơn.

Ước tính khoảng 17% dân số Mỹ đang sử dụng nước từ các giếng tư nhân và sau mỗi trận lũ, chúng sẽ bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi phân động vật và người, chất bẩn và nhiều loại chất hữu cơ, chất gây ô nhiễm khác.

Các chuyên gia cho rằng khí hậu ấm lên dẫn đến nhiều trận mưa bão hơn, các cơn bão cũng mạnh và gây mưa nhiều hơn.

"Chúng tôi biết môi trường đang thay đổi và chúng tôi đang cố nâng cao nhận thức" - giáo sư kỹ thuật môi trường Kelsey Pieper từ Trường ĐH Northeastern (Mỹ) cho biết.

Trong một nghiên cứu mà bà tham gia sau bão Harvey năm 2017, lấy mẫu hơn 8.800 giếng ở 44 hạt dọc theo bờ biển bang Texas cho thấy mức độ E.coli trung bình cao hơn mức bình thường gần 3 lần.

Biến đổi khí hậu gây thiên tai nặng nề hơn? - Ảnh 1.

Cháy rừng dữ dội ở vùng núi phía Nam Tây Ban Nha Ảnh: REUTERS

Đủ dạng thiên tai đang bủa vây thế giới. Mới đây, AP đăng tải hình ảnh Phượng Hoàng cổ trấn nổi tiếng ở tỉnh Hồ Nam - Trung Quốc chìm trong mưa lũ. Đây là một trong những nơi bị ảnh hưởng bởi đợt mưa xối xả kéo dài nhiều tuần kèm theo lũ quét, lở đất, đã khiến ít nhất 25 người thiệt mạng, hàng triệu người bị ảnh hưởng.

Riêng tại tỉnh Hồ Nam đã có 2.700 ngôi nhà bị sập hoặc hư hại nghiêm trọng, 96.160 ha hoa màu bị phá hủy, thiệt hại trực tiếp ước tính hơn 4 tỉ nhân dân tệ (600 triệu USD), theo báo cáo ngày 8-6.

Trong khi đó, một vụ cháy rừng bùng phát hôm 8-6 ở sườn núi Pujerra ở Siera Bermeja, phía trên vùng Costa del Sol thuộc tỉnh Malaga, miền Nam Tây Ban Nha, đã buộc 2.000 người phải sơ tán khỏi trung tâm thị trấn Benahavis.

Theo Reuters, thời tiết mùa hè nóng nực và những cơn gió bất lợi đang gây ra hỏa hoạn. Hơn 250 lính cứu hỏa và 100 binh sĩ đã được điều động để dập tắt đám cháy.

Tại Mỹ, một đợt nắng nóng gay gắt dự kiến bao trùm vùng Tây Nam nước này từ ngày 8-6 và đẩy nhiệt độ lên trên 38 độ C ít nhất đến hết tuần, khiến Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) phải khuyên người dân ở trong nhà và tránh hoạt động quá sức.

Nhiều thành phố tại Ấn Độ đã ghi nhận nhiệt độ trung bình phá vỡ kỷ lục hàng thế kỷ trong mùa hè này. Tổ chức Năng lượng bền vững cho mọi người (SEforALL) do Liên Hiệp Quốc tài trợ thống kê có đến 323 triệu người Ấn Độ đang đối mặt nguy cơ cao do nắng nóng khắc nghiệt và thiếu thiết bị làm mát.

Với nhiệt độ dao động trên 40 độ C trong tháng 5, công nhân tại trung tâm công nghiệp Ahmedabad nói với Reuters họ như đang trong "lò luyện", liên tục có người đổ bệnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại