Biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều hệ lụy trên Trái đất. Đại dương nóng lên cùng nồng độ acid tăng cao, thời tiết cực đoan hơn, băng hai cực tan dần... tất cả khiến cho các sinh vật chết dần chết mòn.
Dãy Himalaya và ngọn núi Everest cũng chịu ảnh hưởng từ quá trình này, như việc lớp băng trên núi dần dần thu hẹp lại. Nhưng băng tan ra cũng đồng thời hé lộ một sự thật "rợn tóc gáy" ẩn trên ngọn núi cao nhất thế giới.
Đó là xác người, và có đến hàng trăm cái xác.
Những xác người trên núi Everest
Everest hiện tại vẫn là ngọn núi ở vị trí cao nhất, và chinh phục được nó cũng chẳng khác gì đứng trên đỉnh của thế giới này cả. Bởi vậy mà mỗi năm có rất nhiều người tìm cách leo lên chinh phục cho được nóc nhà của thế giới.
Nhưng leo núi lại là một bộ môn ẩn chứa nhiều rủi ro. Càng lên cao không khí càng loãng, nhiệt độ càng lạnh, khiến cơ thể dễ dàng rơi vào trạng thái hạ thân nhiệt, rối loạn tinh thần... Đó là chưa tính đến các hiện tượng như tuyết lở, đá rơi, trượt ngã... Vậy nên bên cạnh nhiều người chinh phục thành công, thì cũng có không ít trường hợp đã phải bỏ mạng tại đây.
Kể từ năm 1922, có khoảng 300 người đã chết trong quá trình leo núi, và hiện vẫn còn ít nhất 200 cái xác vẫn nằm đâu đó trên đỉnh núi. Còn bây giờ "nhờ" biến đổi khí hậu khiến băng tan, mà những cái xác đang dần lộ diện.
"Vì Trái đất nóng lên, các thềm băng đang tan ra nhanh hơn, và những cái xác bị chôn vùi hàng năm trời trên núi cũng dần lộ diện," - Ang Tshering Sherpa, cựu chủ tịch Hiệp hội leo núi Nepal chia sẻ với BBC.
"Những nạn nhân không may qua đời khi leo núi những năm gần đây đều được đưa xuống. Nhưng thi thể từ rất lâu rồi thì vẫn nằm lại đó."
Được biết từ năm 2017, thi thể của một số nhà leo núi xấu số đã bắt đầu lộ ra, với mật độ ngày càng nhiều hơn. Theo dự đoán, sẽ có nhiều thi thể được tìm ra hơn nữa khi mùa leo núi mới đang đến gần.
"Bản thân tôi đã hỗ trợ đưa xuống 10 thi thể ở nhiều nơi khác nhau trên Everest trong vài năm gần đây, và rõ ràng những cái xác đang xuất hiện nhiều hơn." - một sĩ quan làm việc tại ngọn núi cho biết.
Việc đưa một cái xác xuống núi cũng cần tính đến nhiều yếu tố. Như chi phí: có thể phải tốn đến $70.000 để mang một cái xác xuống núi; hay ý nguyện của gia đình nạn nhân, khi họ cho rằng có thể người đã khuất muốn linh hồn mình an nghỉ ở ngọn núi này.
Tuy nhiên, trước viễn cảnh sẽ có khoảng 200 cái xác nằm lộ thiên trong tương lai, có lẽ nhà chức trách Nepal không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc đưa họ xuống mặt đất.
Có một thực tế khá... rùng rợn, đó là những cái xác lộ ra thực chất lại đóng vai trò là cột mốc cho những người đang leo núi hiện tại. Họ dùng yếu tố này để định hướng, và để nhắc nhở bản thân trở nên cẩn thận hơn.
Đỉnh Everest thuộc dãy Himalaya có chiều cao 8848m trên mặt nước biển. Được biết, người đầu tiên chinh phục thành công Everest là Edmund Hillary và Tenzing Norgay Sherpa vào năm 1953, và kể từ đó có gần 5000 nhà leo núi đặt chân được lên nóc nhà của thế giới.
Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, ngọn núi đã thay đổi ít nhiều. Năm 2015, một trận động đất đã phá hủy Hillary Step - vách núi thách thức cuối cùng cho các nhà leo núi khi chinh phục Everest.
Ngoài ra, một nghiên cứu khác trong năm 2015 cũng chỉ ra rằng lượng băng giá trên Everest sẽ mất 70% - 90% vào cuối thế kỷ 21 nếu tình trạng băng tan vẫn diễn ra với tốc độ nhanh như hiện tại.
Năm 2018, các nhà khoa học đã lần đầu tiên nghiên cứu về sông băng Kumbu tại Nepal, để xác định nhiệt độ băng bên dưới. Kết quả, nhiệt độ băng khi đó chỉ ở khoảng -3.3°C, cao hơn 2 độ so với nhiệt độ không khí trung bình trong khu vực.
Tham khảo: IFL Science