Biến chứng nặng và tử vong do cúm A

Hà Minh |

Khác với cảm, cúm A có thể để lại nhiều biến chứng nặng nề nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Cúm có xu hướng thành dịch trong thời gian gần đây, bất cứ ai từ trẻ nhỏ đến người lớn đều không thể chủ quan. Đã có bệnh nhân biến chứng nặng và tử vong sau khi mắc cúm A.

Cuối tuần qua, bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết bệnh viện đang điều trị một ca bệnh cúm A nặng, nguy kịch. Đây là nữ bệnh nhân 39 tuổi (Thanh Hoá) có tiền sử suy tủy 2 năm nay, điều kiện gia đình rất khó khăn.

Mới đây, bệnh nhân mắc cúm A và được điều trị tại bệnh viện ở Thanh Hóa. Do chuyển biến nặng, biến chứng viêm phổi suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), bệnh nhân được chuyển lên khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương). Tại đây, bệnh nhân phải đặt ECMO ngày 3/8 rồi chuyển lên khoa Hồi sức tích cực.

Qua một ngày đặt ECMO, bệnh nhân vẫn tiên lượng nặng. “Nếu không đặt ECMO bệnh nhân sẽ tử vong, nếu đặt thì hy vọng sống là 50-50. Bệnh nhân có bệnh nền suy tủy nên suy giảm miễn dịch, khi mắc cúm A có nguy cơ chuyển nặng”, bác sĩ Phúc nói.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, số bệnh nhân chuyển nặng vì cúm không nhiều. Tuy nhiên, bệnh viện cũng tiếp nhận một số ca nặng, cần thở máy, thậm chí tử vong, đa phần đều có bệnh nền. Trước đó bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân 19 tuổi mắc cúm A, có bội nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng, sau đó không qua khỏi.

Biến chứng nặng và tử vong do cúm A  - Ảnh 1.

Bệnh nhân mắc cúm A chạy ECMO tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ghi nhận hàng trăm bệnh nhân đến khám liên quan đến cúm, trong đó nhiều trường hợp là trẻ em. Về cơ bản đều là những trường hợp mắc cúm thông thường, chưa ghi nhận chủng độc lực cao. TS Văn Đình Tráng, phụ trách khoa Vi sinh - Sinh học phân tử, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho hay trong số 100 mẫu bệnh phẩm được đưa tới khoa trong thời gian qua, có tới 60% dương tính với cúm A.

“Ở các bệnh nhân diễn biến nặng, chúng ta có thể gặp triệu chứng của viêm phổi. Với bệnh cảnh lâm sàng này, bệnh nhân cần được chẩn đoán phân biệt với COVID-19. Đây là việc đầu tiên chúng ta phải làm do triệu chứng lâm sàng của 2 bệnh rất giống nhau, chủ yếu là nhiễm trùng đường hô hấp”, bác sĩ Nguyễn Kim Thư, Trưởng Khoa Virus - Kí sinh trùng (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho biết.

Các bệnh nhân trẻ tuổi mắc cúm A thường có diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, với người cao tuổi, người có bệnh nền tim mạch, hô hấp, trẻ em dưới 5 tuổi, bệnh có tỉ lệ diễn biến nặng và tử vong cao hơn. Bác sĩ Phúc thông tin thêm khi bị mắc cúm, tỉ lệ bị viêm phổi do cúm ở người lớn có thể lên tới 4-8%. Tỉ lệ tử vong khoảng 5% số ca viêm phổi, chủ yếu là người cao tuổi.

Cần thiết tiêm phòng hằng năm

“Để phòng tránh cúm A, những người có yếu tố nguy cơ cần tiêm phòng cúm hằng năm. Đối với những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ trở nặng khi bị nhiễm cúm A thì không nên tự điều trị mà nên đến các cơ sở y tế khám”, bác sĩ Phúc khuyến cáo.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, ước tính hàng năm có khoảng 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em mắc bệnh cúm A hoặc B trên toàn cầu. Trong các đợt dịch cúm mùa, ước tính có khoảng 3 đến 5 triệu ca bệnh nặng và 290.000 – 650.000 ca tử vong liên quan đến hô hấp.

Bác sĩ Phạm Thị Kiều Loan, Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, cho biết bệnh cúm mùa đặc trưng bởi sự khởi phát đột ngột của các triệu chứng như: sốt, ho, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, đau họng và chảy nước mũi.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào mắc cúm đều có đầy đủ các triệu chứng của bệnh, ước tính có khoảng 75% các ca nhiễm cúm không có triệu chứng điển hình. Tuy nhiên, bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong đặc biệt ở những người có nguy cơ cao mắc bệnh như: người cao tuổi, người mắc các bệnh mạn tính (như bệnh mạn tính ở tim, phổi, thận, gan hoặc máu), phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi và người có tình trạng ức chế miễn dịch (như HIV/AIDS, đang điều trị hóa chất hoặc Corticosteroid).

Cúm A thường lưu hành quanh năm nhưng thường tập trung vào một thời điểm, có thể rơi vào tháng 3-4 hoặc 9-10 hằng năm và thường tạm lắng vào mùa hè. Với khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, thời tiết thay đổi thất thường kèm theo tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng chính là điều kiện thuận lợi để virus cúm theo mùa phát triển và lây lan.

Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết bất thường năm nay và sự di trú mầm bệnh giữa các vùng trên cả nước, hiện nay, thời điểm giữa những tháng hè từ tháng 4-8, cúm vẫn trở thành dịch với số lượng ca mắc tăng cao, đặc biệt ở các tỉnh phía Bắc.

Trước đó, ngày 3/8, Sở Y tế Hà Nội ra công văn về việc bảo đảm cung ứng, kiểm soát chặt chẽ giá thuốc điều trị cúm mùa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại