Biến bom "ngu" thành vũ khí dẫn đường giá rẻ, Mỹ quyết đấu Trung Quốc với chiến lược chống hạm mới

Hữu Hiển |

Theo Reuters, Mỹ đang tích lũy kho vũ khí chống hạm dồi dào và dễ chế tạo như một phần trong nỗ lực đối phó Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Số đông với giá cả phải chăng

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã thúc đẩy tư duy của Mỹ hướng tới một triết lý mới: "số đông với giá cả phải chăng" - Reuters trích lời một giám đốc điều hành giấu tên trong ngành công nghiệp tên lửa, ám chỉ đến việc có nhiều vũ khí tương đối rẻ tiền trong tầm tay.

"Đó là một phản ứng tự nhiên đối với những gì Trung Quốc đã làm", nhà phân tích cấp cao Euan Graham từ Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) cho biết, ngụ ý về kho vũ khí tàu chiến và tên lửa đạn đạo thông thường của Trung Quốc bao gồm cả những tên lửa được thiết kế để tấn công tàu thuyền.

QUICKSINK có thể được sử dụng bằng cách gắn vào đuôi hàng trăm nghìn quả Bom tấn công trực tiếp đồng loạt (JDAM) có thể được thả từ máy bay chiến đấu của Mỹ hoặc đồng minh. Ảnh: Không quân Mỹ

Mỹ đã tăng cường thử nghiệm vũ khí QUICKSINK của mình - một loại bom giá rẻ và có nhiều khả năng được trang bị bộ dẫn đường GPS rẻ tiền và một đầu dò có thể theo dõi các vật thể chuyển động. Không quân Mỹ đã sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 trong một cuộc thử nghiệm hồi tháng trước tại Vịnh Mexico để tấn công một tàu mục tiêu bằng QUICKSINK.

Reuters dẫn lời các chuyên gia cho biết, Trung Quốc vẫn sẽ có lợi thế về số lượng lớn tên lửa chống hạm và có thể đặt chúng trên lãnh thổ của mình. Nhưng việc Mỹ tăng cường sản xuất QUICKSINK sẽ thu hẹp khoảng cách đó bằng cách khiến khoảng 370 tàu chiến của Trung Quốc gặp nhiều rủi ro hơn trong bất kỳ cuộc xung đột nào trong tương lai so với trước khi Bắc Kinh chuyển sang hiện đại hóa quân đội vào những năm 1990.

QUICKSINK vẫn đang trong quá trình phát triển, được sản xuất bởi Boeing, với đầu dò từ BAE Systems. QUICKSINK có thể được sử dụng bằng cách gắn vào đuôi hàng trăm nghìn quả Bom tấn công trực tiếp đồng loạt (JDAM) có thể được thả từ máy bay chiến đấu của Mỹ hoặc đồng minh, và biến những quả bom "ngu" nặng 900 kg thành vũ khí dẫn đường giá rẻ.

Theo một giám đốc điều hành giấu tên trong ngành công nghiệp tên lửa, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của quân đội Mỹ muốn có hàng nghìn vũ khí QUICKSINK, và đã có trong nhiều năm.

Theo vị này, với đủ số lượng vũ khí "giá cả phải chăng" của Mỹ nhắm vào, khả năng phòng thủ của tàu Trung Quốc sẽ bị đe dọa.

Trong trường hợp như vậy, quân đội Mỹ sẽ sử dụng Tên lửa chống hạm tầm xa (LRASM) hoặc tên lửa SM-6 để phá hủy tàu chiến Trung Quốc và radar của tàu, sau đó bắn phá tàu bằng các loại vũ khí giá rẻ hơn như QUICKSINK.

Cân bằng sân chơi

Theo Reuters, Mỹ đã tích lũy nhiều loại vũ khí chống hạm ở châu Á. Vào tháng 4 năm nay, quân đội Mỹ đã triển khai các dàn tên lửa di động Typhoon mới đến Philippines trong một cuộc tập trận. Đây là loại vũ khí được phát triển với giá rẻ từ các thành phần hiện có và có thể bắn tên lửa SM-6 và Tomahawk vào các mục tiêu trên biển.

Những vũ khí như vậy tương đối dễ sản xuất dựa trên số lượng dự trữ lớn và các thiết kế đã có từ một thập kỷ trở lên, có thể giúp Mỹ và các đồng minh nhanh chóng bắt kịp trong cuộc đua tên lửa tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Trung Quốc đang dẫn đầu.

Mặc dù quân đội Mỹ đã từ chối tiết lộ số lượng tên lửa sẽ được triển khai ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhưng theo các tài liệu về giao dịch mua sắm quân sự của chính phủ Mỹ, hơn 800 tên lửa SM-6 dự kiến sẽ được mua trong 5 năm tới. Các tài liệu cho thấy, hàng nghìn tên lửa Tomahawk và hàng trăm nghìn tên lửa JDAM đã có trong kho vũ khí của Mỹ.

"Mục đích của Trung Quốc là hạn chế sự di chuyển của các khí tài Hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương và Chuỗi đảo thứ nhất", nhà phân tích Graham cho biết, ý nói đến các quần đảo lớn gần nhất từ bờ biển Đông Á.

"Đây [động thái của Mỹ] là một dạng phản ứng có cùng mục đích nhằm gây khó khăn cho Hải quân Trung Quốc”, Graham nói.

Việc Mỹ tăng cường sản xuất QUICKSINK sẽ khiến khoảng 370 tàu chiến của Trung Quốc gặp nhiều rủi ro hơn trong bất kỳ cuộc xung đột nào trong tương lai. Ảnh: Global News

Collin Koh - học giả tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore - cho biết, "Theo một cách nào đó, điều này giống như việc cân bằng sân chơi."

Ông Koh dẫn ví dụ về lực lượng Houthi ở Yemen sử dụng vũ khí chống hạm công nghệ thấp nhằm vào các hoạt động giao thông dân sự ở Biển Đỏ, buộc Mỹ và các nước khác phải triển khai vũ khí tốn kém để phòng thủ.

"Ngay cả khi bạn có một kho vũ khí nhỏ hơn gồm các hệ thống tên lửa tấn công như vậy, bạn vẫn có thể tạo ra sự răn đe", Koh nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại