Lợi nhuận cao, cho vay tăng trưởng
Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã công bố báo cáo tài chính quý 4/2017.
Cụ thể, trong năm qua, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này khá tốt. Chỉ tiêu cho vay khách hàng đạt 866.000 tỷ đồng, tăng 142.303 tỷ đồng, tương ứng 19,7% so với năm 2016.
Tuy nhiên, đi kèm với tăng trưởng tín dụng là nợ xấu. Tổng nợ xấu tại ngân hàng này lên tới 13.951 tỷ đồng, chiếm 1,61% tổng dư nợ tín dụng trong toàn hệ thống BIDV và giảm nhẹ so với con số 14.420 tỷ đồng hồi cuối năm 2016.
Nếu xét về tỷ lệ, nợ xấu tại BIDV có diễn biến khá tốt. Tuy nhiên, nếu xét về con số tuyệt đối, 13.951 tỷ đồng vẫn là con số khổng lồ, cao hơn vốn điều lệ của ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Trong đó, nợ có khả năng mất vốn dù giảm so với con số 6.911 tỷ đồng hồi năm 2016 nhưng vẫn đạt 5.205 tỷ đồng. 5.205 tỷ đồng là con số rất cao, gần bằng vốn điều lệ của ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB).
Nợ xấu cao nên BIDV phải dành lượng vốn rất lớn cho trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Trong quý 4/2017, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tại BIDV đạt 3.208 tỷ đồng, tăng 981 tỷ đồng, tương ứng 44% so với quý 4/2016, lũy kế cả năm lên tới 14.915 tỷ đồng, tăng 5.716 tỷ đồng, tương ứng 62% so với năm 2016.
Dành quá nhiều vốn cho trích lập dự phòng nhưng trong năm 2017, BIDV vẫn ghi nhận lãi ròng tăng mạnh khi thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự tăng vọt từ 62.600 tỷ đồng năm 2016 lên 78.682 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế quý 4/2017 của BIDV đạt 2.750 tỷ đồng, tăng 1.205 tỷ đồng, tương đương 78% so với quý 4/2017, lũy kế cả năm đạt 7.060 tỷ đồng, tăng 831 tỷ đồng, tương ứng 13,3% so với năm 2016. Dù lợi nhuận tăng khá cao nhưng cũng chỉ bằng 50% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.
Lương yếu thế so với Vietcombank
Theo báo cáo tài chính riêng quý 4/2017 của BIDV, tại thời điểm cuối năm, ngân hàng này có 22.668 người lao động, giảm 936 người so với cuối năm 2016. Có thể thấy, trong khi đa số các ngân hàng khác đều tăng cường tuyển dụng, BIDV lại cắt giảm nhân sự.
Trong năm, BIDV đã chi 6.643 tỷ đồng cho lương và phụ cấp. Chỉ tiêu này tăng 597 tỷ đồng, tương đương 10% so với năm 2016. Như vậy, bình quân, mỗi người lao động của ngân hàng BIDV được trả 293 triệu đồng/người/năm, tương đương 24,4 triệu đồng/người/tháng.
Như vậy, trong năm 2017, cũng như nhiều ngân hàng khác, BIDV khá mạnh tay khi tăng lương. Mức tăng tại BIDV là 3 triệu đồng/người/tháng, tương ứng 36 triệu đồng/người/năm.
Dù vậy, so với các ngân hàng khác, mức tăng này vẫn khiêm tốn. Và mức thu nhập tại BIDV vẫn thua đối thủ Vietcombank 7,9 triệu đồng/người/tháng. Đây là mức chênh lệch rất cao.
Tại thời điểm cuối năm 2017, toàn hệ thống BIDV có 24.588 nhân sự. Chi lương và phụ cấp là 7.182 tỷ đồng, tăng đáng kể so với quỹ lương 6.412 tỷ đồng của năm 2016. Trung bình, mỗi nhân viên trong toàn hệ thống BIDV được trả 292 triệu đồng/người/năm, tương đương 24,3 triệu đồng/người/tháng.
BIDV chưa công bố thù lao thực lĩnh của dàn sếp trong Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát ngân hàng. Nhưng dựa vào các số liệu sẵn có, có thể hình dung ra “bức tranh thu nhập” của dàn lãnh đạo này trong năm 2017.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 của BIDV đã thông qua tờ trình về ngân sách và mức thù lao dành cho Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát năm 2017. Theo đó, ngân hàng sẽ trích 0,44% lợi nhuận sau thuế cho các lãnh đạo này.
Như vậy, theo kế hoạch, số tiền tối đa mà lãnh đạo BIDV được nhận là 31,1 tỷ đồng. Như vậy, bình quân mỗi sếp BIDV được trả 2,4 tỷ đồng/người/năm, tương đương 200 triệu đồng/người/tháng.