Hai ứng cử viên Tổng thống đã có cuộc tranh luận đầu tiên trước khi nước Mỹ chính thức bỏ phiếu vào ngày 3 tháng 11. Tổng thống Donald Trump đã biến nó thành một sự kiện hỗn loạn khi vi phạm tính hợp lệ của chính quy trình bầu cử.
Joe Biden đã dành cả buổi tối để chế giễu ông Trump vì đã đưa đất nước đến bờ vực sụp đổ. Và Tổng thống đã ra một đòn mà ông tin rằng sẽ hạ gục được đối thủ, bằng cách cáo buộc đối thủ của ông là một kẻ yếu ớt - người sẽ không chống cự nổi kế hoạch phát triển của chính phủ và kế hoạch làm tê liệt hoạt động kinh doanh của phe cánh tả.
Một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ lo sợ về một sự biến động ngang trái như vậy dưới thời ông Biden. Tuy nhiên, thực tế có thể sẽ không như vậy. Ông Biden đã bác bỏ những ý tưởng không tưởng của cánh tả. Các đề xuất về thuế và chi tiêu của ông rất hợp lý.
Chính sách đó hướng đến một đất nước tiết kiệm hơn và nỗ lực giải quyết các vấn đề thực sự mà Mỹ đang phải đối mặt, bao gồm cơ sở hạ tầng kém chất lượng, biến đổi khí hậu và sự khó khăn của các doanh nghiệp nhỏ. Trên thực tế, sai sót trong các kế hoạch của Biden là việc cải cách trên một số lĩnh vực không đủ độ sâu và rộng.
Những thiếu sót trong chính sách của ông Trump
Khi ông Trump lên nắm quyền vào năm 2017, ông hy vọng sẽ giải phóng tinh thần kinh doanh bằng cách cung cấp cho các doanh nhân một đường dây nóng tới Văn phòng Bầu dục và cắt giảm các khoản thuế cũng như thủ tục quan liêu. Trước Covid-19, một phần của kế hoạch này đã hoạt động, nhờ vào chính sách nới lỏng của Fed.
Niềm tin của các doanh nghiệp nhỏ gần ở mức cao nhất trong 30 năm; cổ phiếu tăng giá mạnh và lương của nhóm một phần tư lao động nghèo nhất tăng 4,7% một năm, nhanh nhất kể từ năm 2008. Các cử tri luôn đề cao các vấn đề liên quan đến nền kinh tế, và nếu không phải vì virus, thì như vậy là đủ để ông Trump tái đắc cử.
Tuy nhiên, một phần do đại dịch, những thiếu sót của ông Trump cũng đã trở nên rõ ràng. Các vấn đề lâu dài đã trở nên phức tạp, bao gồm cơ sở hạ tầng đổ nát và mạng lưới an ninh xã hội nhiều khiếm khuyết. Động lực cơ bản của hoạt động kinh doanh vẫn còn yếu. Đầu tư giảm, và ít công ty được thành lập ngay cả khi những công ty lớn vẫn có tầm ảnh hưởng.
Phong cách không thống nhất của ông Trump, liên quan đến việc làm xấu mặt các công ty trước mặt công chúng và những lần vi phạm pháp quyền, đã kìm hãm sự tăng trưởng. Việc bãi bỏ quy định đã dần trở thành sự bất cẩn trong sử dụng quy tắc. Cuộc đối đầu không nhượng bộ với Trung Quốc cũng gây bất ổn cho hệ thống thương mại toàn cầu.
Lợi thế mà Bidenomics mang lại
Khi là Tổng thống thứ 46, ông Biden có thể sẽ giảm bớt một số vấn đề này chỉ bằng cách trở thành một nhà quản trị có năng lực, người tin tưởng vào các thể chế, để tâm hơn đến những lời khuyên và quan tâm đến hệ quả. Những phẩm chất đó sẽ cần thiết vào năm 2021, vì gần 5 triệu người đang phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp kéo dài và nhiều công ty nhỏ đối mặt với phá sản.
Giải pháp kinh tế ưu tiên của ông Biden sẽ là thông qua một dự luật khôi phục khổng lồ trị giá khoảng 2 - 3 triệu USD, tùy thuộc vào việc liệu một kế hoạch kích thích có thông qua Quốc hội trước cuộc bầu cử hay không. Điều này sẽ bao gồm tăng vốn vay ngắn hạn, thúc đẩy bảo hiểm thất nghiệp và trợ giúp cho các chính quyền tiểu bang và địa phương - những nơi đang đối mặt với khoản lỗ ngân sách.
Ông Biden cũng sẽ nới rộng các khoản tài trợ hoặc cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ mà không nhận được nhiều hỗ trợ như các doanh nghiệp lớn. Ông sẽ xoa dịu căng thẳng với Trung Quốc, xoa dịu thị trường. Và nếu có vaccine, cách tiếp cận hợp tác thay vì mang tính giao dịch trong quan hệ ngoại giao của ông Biden sẽ giúp hoạt động phân phối toàn cầu dễ dàng hơn, và cho phép biên giới mở cửa trở lại và thương mại phục hồi nhanh hơn.
Dự luật phục hồi cũng sẽ nhằm mục đích khôi phục nước Mỹ bằng cách tập trung vào một số vấn đề lâu dài đối với Mỹ - vốn cũng là ưu tiên của ông Biden trong nhiều năm. Ông quan tâm đến sự bùng nổ cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường nhằm khắc phục tình trạng thiếu đầu tư trong nhiều thập kỷ. Hoạt động R&D của chính phủ đã giảm từ hơn 1,5% GDP năm 1960 xuống 0,7% ngày nay, cùng với việc Trung Quốc đang đặt ra một thách thức lớn đối với khoa học Mỹ. Ông Biden cũng sẽ giải quyết điều đó, bằng cách đầu tư vào R&D nhiều hơn trong lĩnh vực công nghệ và năng lượng tái tạo.
Ông Biden dự kiến sẽ loại bỏ các hạn chế khắc nghiệt của ông Trump đối với vấn đề nhập cư, vốn là mối đe dọa đối với sức cạnh tranh của Mỹ. Và ông muốn nâng cao mức sống của tầng lớp trung lưu và sự vận động xã hội. Điều đó đồng nghĩa với chi tiêu nhiều hơn cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe và nhà ở và áp dụng mức lương tối thiểu 15 USD, giúp đỡ 17 triệu người lao động đang kiếm được ít hơn con số này hiện nay.
Bidenomics có những điểm yếu nào?
Ông Biden đã bỏ qua những tưởng tượng của cánh tả Panglossian, bao gồm cả Medicare For All, lệnh cấm năng lượng hạt nhân và đảm bảo việc làm. Các kế hoạch của ông có quy mô cũng như phạm vi vừa phải, làm tăng chi tiêu công hàng năm lên 3% GDP, giả định rằng tất cả đều được Thượng viện thông qua. Con số này khó có thể so với con số 16-23% của Elizabeth Warren và Bernie Sanders.
Ông sẽ tăng thuế để trả cho khoảng một nửa chi tiêu được chấp thuận, với mức thuế cao hơn đối với các công ty và người giàu. Ngay cả khi tất cả kế hoạch thuế của ông được ban hành, điều này rất khó xảy ra, bởi các nghiên cứu cho thấy lợi nhuận sau thuế của công ty có thể giảm tới 12%, và thu nhập của top 1% những người có thu nhập cao nhất có thể giảm tới 14%.
Rủi ro thực sự của Bidenomics là tính thực dụng sẽ khiến các quyết định của ông không đủ táo bạo. Đôi khi ông không thể giải quyết được các vấn đề mang tính cạnh tranh. Ví dụ, ông ủng hộ đúng mức các bước đẩy mạnh vận động xã hội cũng như một mạng lưới an toàn tốt hơn cho những người lao động bị mất việc làm; kế hoạch của ông bao gồm từ nhà ở giá cả phải chăng hơn đến các trường đại học công lập miễn phí. Nhưng được trang bị những "bộ đệm an toàn" này, ông nên sẵn sàng đón nhận sự thay đổi lớn trong hiện tại để nâng cao mức sống lâu dài.
Mặc dù ông Biden có ý định bảo vệ các công ty, nhưng ông không bàn luận nhiều về việc thúc đẩy cạnh tranh, bao gồm cả việc tăng cường độc quyền công nghệ mở. Kế hoạch của ông được gói gọn trong 2 chữ "quan liêu".
Hồi sinh các liên minh thương mại
Chính sách khí hậu của ông Biden thể hiện sự tiến bộ thực sự. Việc xây dựng lưới điện xanh và mạng lưới sạc thực sự có ý nghĩa vì khu vực tư nhân có thể kìm hãm điều này. Tuy nhiên, một lần nữa, tác dụng của nó sẽ bị giảm bớt bởi quy tắc rằng 40% chi tiêu phải ưu tiên cho các cộng đồng khó khăn và đặc quyền cho các nhà cung cấp trong nước: một công thức cho sự kém hiệu quả.
Kế hoạch cắt giảm khí thải của ông liên quan đến các mục tiêu, nhưng né tránh thuế carbon sẽ khai thác sức mạnh của thị trường vốn để phân bổ lại các nguồn lực. Đó là một cơ hội bị bỏ lỡ. Mới tháng trước, Hội nghị Bàn tròn Kinh doanh (Business Roundtable) - đại diện cho công ty Mỹ, cho biết họ hỗ trợ giá của carbon.
Sự thiếu táo bạo này cũng phản ánh qua việc thiếu một chiến lược được phát triển đầy đủ. Ông Biden được biết đến với quan điểm tự do kinh doanh, nhưng ông sẽ không nhanh chóng dỡ bỏ thuế quan và kế hoạch của ông áp dụng chủ nghĩa bảo hộ bằng cách nhấn mạnh rằng hàng hóa được vận chuyển trên các tàu của Mỹ. Điều đó sẽ làm phức tạp thêm nhiệm vụ khó khăn trước mắt là tạo ra một khuôn khổ mới để điều chỉnh mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, bao gồm việc thuyết phục các đồng minh của Mỹ cùng tham gia, dù cho chính họ cũng đang áp dụng chủ nghĩa bảo hộ.
Chính sách tài khóa của ông cũng vậy. Hiện tại, có rất ít lý do để lo lắng khi lãi suất gần bằng 0 và Fed đang mua trái phiếu chính phủ. Nhưng Mỹ sẽ được lợi nếu Tổng thống tiếp theo đối mặt với thách thức lâu dài này. Điều đó có nghĩa là bắt đầu xây dựng một sự đồng thuận chặt chẽ hơn về chi tiêu được hưởng và cơ sở thuế bền vững.
Ông Biden vẫn phải giành chiến thắng vào tháng 11 để sự mơ hồ hiện tại của ông trở nên dễ hiểu. Nhưng có một rủi ro khi mà ông cho rằng chiến thắng và sự tăng trưởng trở lại cũng như năng lực của ông sẽ đủ để đưa nước Mỹ đi đúng hướng. Nếu ông muốn đổi mới nền kinh tế của Mỹ và đảm bảo vị thế dẫn đầu trong nhiều thập kỷ tới, ông sẽ cần phải táo bạo hơn thế. Trước ngưỡng cửa của quyền lực, ông buộc phải quyết đoán hơn với các ưu tiên của mình và nhìn xa trông rộng hơn.