Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell. Ảnh: The National.
Hai nhân vật này được cho là “cặp đôi quyền lực mới của nước Mỹ”. Họ đã có một lịch sử đàm phán các thỏa thuận, trải qua nhiều thăng trầm trong quan hệ và từng có lúc coi nhau là bạn. Với một Thượng viện đang bị chia rẽ, các thỏa thuận cá nhân giữa họ sẽ là chìa khóa để đánh giá mức độ hoàn thành các chương trình nghị sự của chính phủ mới.
“Cặp đôi quyền lực mới” Joe Biden và McConnell
Những người biết rõ hai nhân vật này nhận xét rằng, họ luôn tôn trọng lẫn nhau và đã xây dựng được sự tin tưởng trong nhiều năm qua. Đây có thể là mặt thuận lợi để thúc đẩy các thỏa thuận. Nhưng một số ý kiến khác cho rằng, với tình trạng chính trị siêu đảng phái như hiện nay, sự đồng thuận sẽ là điều xa vời.
Cựu Thượng nghị sĩ Chuck Hagel – từng giữ vai trò Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Tổng thống Obama nhận xét trục quyền lực Biden-McConnell có thể “hợp tác vì lợi ích của đất nước”.
“Cả hai đều biết cách thỏa hiệp”, ông Hagel nói. “Họ đều biết làm thế nào để hoàn thành công việc. Tôi thấy rằng trên thực tế, họ luôn tin tưởng và có thiện cảm với nhau, điều đó rất quan trọng. Đây là tiền đề giúp họ có thể làm việc cùng nhau. Tất nhiên, họ không có chung quan điểm về mọi vấn đề, nhưng họ vẫn có khả năng khiến các công việc được thực hiện và đưa đất nước tiến lên phía trước”.
Ông Mitch McConnell là nghị sỹ Cộng hòa duy nhất tham dự tang lễ của Beau Biden – con trai ông Joe Biden năm 2015, gọi ông Biden là “một người bạn thực sự” và “một đối tác đáng tin cậy” trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ của chính quyền ông Obama.
Dưới thời Tổng thống Obama khi các cuộc đàm phán giữa phe Cộng hòa tại Thượng viện và Nhà Trắng bị đình trệ, ông Biden – người từng làm việc trong Thượng viện hơn 30 năm, thường là nhân vật khép lại ván bài. Don Graves – người phụ trách mảng chính sách kinh tế và đối nội của ông Biden khi ông còn là Phó Tổng thống từ năm 2014 đến 2017 nhận xét: “Với sự thân thiện và tôn trọng lẫn nhau, các bên có thể tìm cách đạt được sự thấu hiểu và đi đến một thỏa thuận. Chưa bao giờ tôi nghĩ họ sẽ bỏ cuộc khi đàm phán”.
NBC dẫn một số nguồn thạo tin cho biết, trước đây, ông Biden và ông McConnell từng đạt được các thỏa thuận về gia hạn cắt giảm thuế, nâng trần nợ và thông qua Đạo luật chữa bệnh thế kỷ 21, tuy nhiên rất hiếm khi hai bên đàm phán mặt đối mặt với nhau, các cuộc thương lượng thường diễn ra qua điện thoại và có sự chứng kiến của một số ít nhân viên.
Một cựu trợ lý của ông McConnell nói rằng, sự khác biệt về tính cách của hai nhân vật này thực sự giúp ích nhiều trong việc đưa họ đi đến thỏa thuận chung.
“Thượng nghị sỹ McConnell không phải là một người dài dòng. Ông ấy rất giỏi lắng nghe và hiếm khi bày tỏ các ý nghĩ. Vì thế ông ấy khá im lặng trong các cuộc trò chuyện. Không ngừng lắng nghe và chỉ nói khi ông cảm thấy cần. Nhưng ông Biden thì toàn toàn trái ngược. Thời gian còn làm Phó Tổng thống, ông ấy rất hay nói. Ông ấy là một người hòa đồng. Và đây là một sự bù trừ rất hữu ích. Xu hướng nói chuyện của ông ấy tiềm ẩn cách thức đạt được một sự đồng thuận”.
Trong một thời gian dài, ông McConnell và nhiều thành viên đảng Cộng hòa khác đã dành thiện cảm cho ông Biden nhiều hơn cả ông Obama. Năm 2016, ông McConnell từng nói rằng: “Người cần phải đàm phán trong chính quyền là phó tổng thống chứ không phải tổng thống”.
Cựu Tổng thống Barack Obama, khi hồi tưởng về các thỏa thuận của ông với đảng Cộng hòa, đã bày tỏ sự hứng thú đối với những thông tin mô tả về mối quan hệ giữa ông Biden và ông McConnell: “Tôi rất thích thú khi đọc được những thông tin nói về cách thức hai người đã dựng quan hệ bạn bè. Họ biết nhau từ lâu. Joe Biden có nói với tôi về sự tương tác của ông ấy với McConnell”.
Một nguồn tin cho biết, việc đàm phán trực tiếp với ông Biden dường như tạo cho ông McConnell tâm trạng tốt hơn so với những người khác. Theo nguồn tin này, có sự tương phản rõ ràng về thái độ của ông McConnell sau khi trở về từ các cuộc đàm phán với ông Biden và với Tổng thống Trump. Một phần là bởi Joe Biden biết rõ ranh giới giữa những việc ông McConnell có thể và không thể thực hiện.
Rào cản lớn đối với chính quyền của ông Biden
Tuy vậy, nhiều thành viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa vẫn tỏ ra hoài nghi về khả năng hai bên sẽ đạt được bất cứ thỏa thuận nào trong tương lai.
Một số nhân vật của đảng Dân chủ cho rằng, ông McConnell luôn có khả năng chiến thắng ông Biden trong các cuộc tranh luận – một định kiến mà Joe Biden đã tìm cách bác bỏ trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ.
Phát biểu với NBC News, ông Waleed Shahid – thuộc nhóm cấp tiến của đảng Dân chủ cảnh báo ông Biden không nên “thực hiện bất cứ thỏa thuận độc hại nào với McConnell”. Một số thành viên của phe Dân chủ tại Thượng viện đang kêu gọi ông Biden tích cực sử dụng sắc lệnh hành pháp để hoàn thành các mục tiêu trong chương trình nghị sự mà không cần đến sự phê chuẩn của Thượng nghị sỹ McConnell vì cho rằng nhân vật này có thể tạo ra các rào cản.
Quan hệ cá nhân giữa hai người đàn ông quyền lực bậc nhất nước Mỹ không phải lúc nào cũng suôn sẻ, giữa họ luôn có những bất đồng. Hồi tháng 9 vừa qua, ông Biden đã chỉ trích ông McConnell khi Quốc hội Mỹ không thể thông qua dự luật cứu trợ Covid-19 mới, đồng thời cảnh báo rằng các bang đang rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn. Trước đó đầu năm này, McConnell tuyên bố ông Biden sẽ phải cung cấp thêm tài liệu để đối phó với cáo buộc lạm dụng tình dục mà Tara Reade - cựu trợ lý của ông đưa ra.
Mặt khác, các cuộc họp kín của ông McConnell nhiều khả năng có sự tham gia của những thượng nghị sỹ muốn tranh cử tổng thống vào năm 2024 và họ có thể không muốn thực hiện bất cứ thỏa thuận nào với ông Biden hoặc không chấp nhận nhượng bộ đảng Dân chủ. Trong bối cảnh đó, ông McConnell sẽ phải cân nhắc nhu cầu của họ với những người muốn tìm kiếm cơ hội tái đắc cử tại thượng viện vào năm 2022 hoặc những người muốn đạt được sự đồng thuận lưỡng đảng.
Thượng nghị sỹ Dân chủ Chris Murphy cho rằng, ông Mitch McConnell sẽ buộc ông Joe Biden đàm phán về mọi vị trí trong nội các hay các thẩm phán tại tòa án của mỗi hạt mà ông Biden muốn bổ nhiệm. Tôi đoán là chúng ta sẽ có một cuộc khủng hoảng hiến pháp ngay trước mắt”, ông Chris Murphy nói.
Một số thành viên đảng Cộng hòa đã nói về sự chậm trễ của phe Dân chủ khi phê chuẩn các đề cử nội các của ông Trump ở giai đoạn đầu nhiệm kỳ và điều này làm dấy lên nguy cơ về một cuộc chiến kéo dài trong quá trình thành lập chính quyền mới của ông Biden.
Tuy vậy, cuộc chơi vẫn còn nhiều ẩn số. Vẫn chưa rõ đảng nào sẽ kiểm soát Thượng viện sau cuộc bầu cử tại bang Georgia ngày 5/1/2021 và ông Trump sẽ nắm vai trò gì trong nền chính trị của đảng Cộng hòa sau khi ông mãn nhiệm. Quay trở lại thời kỳ Obama, mục tiêu của đảng Cộng hòa là cản trở chương trình nghị sự của tổng thống nhiều nhất có thể. Một số người cho rằng mục tiêu này sẽ không thay đổi ngay cả khi ông Biden trở thành Tổng thống.
Cựu Thượng nghị sĩ Dân chủ Claire McCaskill nhận xét: “Thượng viện đã thay đổi đáng kể từ khi ông Biden còn là thượng nghĩ sỹ và tôi nghĩ ông ấy luôn được nhắc nhở về điều đó”.
Với việc ông Trump từ chối công nhận kết quả bầu cử, ông McConnell vẫn chưa chính thức công bố Joe Biden là người chiến thắng. Tình hình hiện tại khiến giới quan sát nghi ngờ về khả năng tiến trình chuyển giao quyền lực sẽ được thông qua, song họ cho rằng quan hệ cá nhân của ông Biden và ông McConnell có thể giúp các bên đạt được sự đồng thuận trong vấn đề khác chẳng hạn như dự luật giúp chính phủ tránh nguy cơ đóng cửa, dự luật về cứu trợ Covid-19, xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghệ.
Khi nói về các cuộc đàm phán tương lai giữa ông Biden và ông McConnell, một cựu trợ lý của ban lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện cho biết: “Sẽ có những màn khẩu chiến gay gắt trong các cuộc đàm phán. Nhưng tôi nghĩ cả hai bên đều được trang bị rất tốt để vượt qua và tiến lên phía trước. Tôi cho rằng cả hai đều nắm rõ luật chơi”./.