Bà nổi tiếng với bản "Kê minh thập sách"- 10 kế sách trị nước dâng lên vua Trần Duệ Tông. Tiếc rằng nhà vua đã không làm theo những kế sách trị nước của người vợ tài năng để rồi nhận lấy cái kết bi thảm!
Nguồn gốc, lai lịch và tài ứng đối văn thơ
Quý phi Bích Châu tên thật Nguyễn Thị Bích Châu (1356 – 1377), quê ở xã Bảo Lộc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, là con của đại thần Nguyễn Tướng Công. Theo "Truyền kỳ tân phả" của Đoàn Thị Điểm thì Bích Châu không chỉ nổi tiếng xinh đẹp mà còn thông tuệ, hiểu biết văn chương, âm nhạc.
Năm 1372, khi ấy Bích Châu tròn 16 tuổi được tuyển vào cung. Nhờ xinh đẹp, giỏi đàn ca, thơ xướng nên Bích Châu rất được Duệ Tông yêu thương, phong làm quý phi, đặt tên hiệu là Phù Dung.
Tên hiệu Phù Dung được vua Duệ Tông đặt trong dịp tiết trung thu với nhiều đèn lồng, đủ màu sắc. Khi ấy vua Duệ Tông cao hứng ra vế đối "Trời thu gác tía treo đèn bạc, quế đỏ trong trăng".
Trong khi bá quan văn võ đang suy nghĩ thì Bích Châu đã ứng đối "Sắc xuân đài trang mở gương báu, phù dung đáy nước". Nhà vua khen hay và tặng cho đôi "ngọc long kim nhĩ" (hoa tài vàng cẩn ngọc hình rồng nổi) và đặt biệt hiệu cho bà là Phù Dung.
"Kê minh thập sách" – 10 kế trị nước của Qúy phi Bích Châu
Nhằm giúp vua Duệ Tông trị quốc, an dân, Bích Châu đã soạn thảo "Kê minh thập sách" – 10 kế sách trị nước dâng lên vua. Qúy phi Bích Châu dùng chữ "Kê minh" ngụ ý mượn tiếng gà gáy sáng để thức tỉnh nhà vua. "Kê minh thập sách" của Quý phi Nguyễn Thị Bích Châu ngắn gọn, súc tích nhưng bao quát hầu khắp các vấn đề quốc gia đại sự. Toàn bộ nội dung như sau:
"Trộm nghĩ, dời củi nâng mái bếp gây nền trị từ khi chưa loạn; dùng dâu ràng cửa tổ, được ở yên cần lo tính lúc nguy. Vì dân tình dễ đắm đuối sự yên vui; mà thế vận khó giữ luôn thời bình trị. Cho nên dâng lời răng chớ chơi bời lười nhác, Cao Dao trước hãy ngợi khen, ở vào thời không máu chảy gươm khua, Giả Nghị vẫn tâu lời than thở. Chỉ vì yêu vua mà ngăn trước, không phải khác chúng để khoe tài. Tiện thiếp tên gọi Bích Châu, lúc nhỏ vốn nhà nghèo khó, lớn lên được tuyển vào cung, ân sủng chứa chan, thương yêu đằm thắm. Vả xiêm áo vua Ngu, dám đâu sánh với người nam tử; rút trâm cài Khương hậu, tiến lời can đứng trước đình thần. Mạo muội tỏ bày mười điều vụng nghĩ:
Điều một: Bền gốc nước, trừ kẻ bạo thì dân chúng được yên.
Điều hai: Giữ nếp xưa, phiền nhiễu nên bỏ thì triều cương không rối.
Điều ba: Ngăn kẻ lạm quyền để trừ mọt nước.
Điều bốn: Loại bọn quan tham nhũng để bớt vơ vét của dân.
Điều năm: Mở lối nho phong để ngọn lửa đóm được soi cùng mặt trời mặt trăng.
Điều sáu: Tìm những lời trực gián để đường ngôn luận được rộng mở như cửa thành.
Điều bảy: Rèn luyện binh sĩ cần lất hạng có dũng lực hơn là hạng vóc vạc lớn.
Điều tám: Chọn tướng trước nên lựa người thao lược sau mới đến là bậc thế gia.
Điều chín: Khí giới cốt tinh nhuệ hơn là lòe loẹt.
Điều mười: Tập trận pháp cần chỉnh tề không cần múa nhảy.
Xét mấy điều ấy rất thiết thực. Dám dâng lên tấm lòng trung thực, mong nhận cho lời nói quê mùa. Bỏ diều dở mà làm điều hay, xin bệ hạ lượng nghĩ. Nước được trị, dân được yên, thiếp mong lắm vậy!".
Sau khi đọc bản tấu, Trần Duệ Tông đã phải thốt lên: "Không ngờ một người đàn bà lại thông tuệ đến thế! Thật là một Từ phi (vợ vua Đường Thái Tông) ở trong cung của Trẫm vậy!".
"Kê minh thập sách" cho thấy Qúy phi Bích Châu hiểu rõ thời cuộc, thấy được những hạn chế của vua Duệ Tông trong trị quốc cũng như nôn nóng trong việc xuất quân đi đánh Chiêm Thành.
Tiếc thay vua Duệ Tông không chỉnh sửa theo lời khuyên của Bích Châu mà vội vã mang quân chinh phạt Chiêm Thành!
Về vua Trần Duệ Tông vẫn cho quân tiến sâu vào động Y Mang, đất Chiêm rồi trúng mưu của Bà Ma, một tướng của Chế Bồng Nga, toàn quân tan rã, vua Duệ Tông tử trận tại Đồ Bàn (Quy Nhơn), mở ra một giai đoạn suy yếu, không vực dậy nổi của nhà Trần.