Rắc rối về giấy tờ khiến Sally phải ở lại Hàn Quốc
Bà Chum Ku Yi kết hôn với ông Steve Inman Cha, người Mỹ khi ông tới đóng quân tại Hàn Quốc. Khi bà Chum trở dạ, họ đã không thể tới bệnh viện đúng giờ nên cô bé Sally sinh ra ở một ngôi làng ở Chang-mal.
Cô bé Sally cùng mẹ và người vú em.
Họ đã nuôi cô bé với sự giúp đỡ của một vú em - một người phụ nữ lớn tuổi họ quen biết.
Nhưng vì không có giấy chứng sinh nên khi sang Mỹ định cư, chính phủ Mỹ và Hàn Quốc không chứng thực cho việc ông Steve là cha của Sally.
Cô bé Sally 8 tháng tuổi buộc phải ở lại Hàn Quốc cùng bà ngoại để bố mẹ cô quay về quê nhà của ông Steve, thành phố Salt Lake để giải quyết vấn đề giấy tờ.
Nhận được tin dữ từ quê nhà
Một thời gian sau, bố mẹ của Sally nhận được cuộc gọi từ người bà cho biết vú em của Sally tới chơi và nói nhớ cô bé nên đã đưa cô bé về nhà ở vài ngày. Thế nhưng, người đàn bà này đã vĩnh viễn không bao giờ quay lại.
Tại Mỹ, cuộc sống của ông Steve và bà Chum gặp nhiều khó khăn, khiến cho việc trở về Hàn Quốc để tìm Sally ngày càng trở nên nan giải. Bà Chum cũng sinh thêm được một con gái tên là Connie và con trai tên là Steve. Tuy nhiên vài tháng sau thì họ bị ông Steve bỏ rơi.
Bà Chum đã tái hôn và cùng hai con là Connie, hiện 36 tuổi và Steve, hiện 33 tuổi, định cư ở Fullerton, California. Bà cũng đã quay về Hàn Quốc tìm con gái Sally vài lần nhưng đều không thành công. Sự biến mất của cô con gái xinh xắn luôn là nỗi đau lớn nhất của cả gia đình họ.
Không từ bỏ cơ hội tìm lại Sally
Những bức ảnh Sally hồi còn nhỏ luôn được gia đình đóng khung và treo trang trọng trong nhà như một lời nhắc nhở cô bé luôn ở trong trái tim họ, và họ sẽ không ngừng tìm kiếm cô.
Trong album ảnh gia đình, có một bức ảnh về người vú em và lần đầu tiên, Steve và Connie đã nhìn thấy sự độc ác trên khuôn mặt người phụ nữ này. Họ lo sợ cho số phận của chị gái. Liệu Sally còn sống không, và nếu còn thì cô có phải trẻ mồ côi hay người vô gia cư không?
Steve đã gửi thư tới tất cả các đài truyền hình, thậm chí viết thư cho cả Oprah, người dẫn truyền hình của Mỹ, nhưng vẫn không có kết quả. Anh được biết là phí tìm thám tử sẽ tốn tới 30.000 USD và anh không có số tiền ấy, nhưng anh tự hứa sẽ không bỏ cuộc.
Steve lập một tài khoản tên là "Sally Inman (đứa trẻ mất tích)" và đăng tất cả 12 tấm ảnh còn lại của chị gái với hy vọng mong manh sẽ tìm được Sally.
Nhờ lập tài khoản với ảnh chị gái Sally trên Facebook, Steve đã tìm được cô.
Một ngày nọ, có một số điện thoại lạ gọi tới nên Steve không nhấc máy. Khi nghe hộp thư thoại, có một giọng nữ cho biết mình là con gái của người phụ nữ anh đang tìm và yêu cầu Steve gọi lại. Steve nghi ngờ rằng đây chỉ là một trò chơi khăm song vẫn làm theo lời cô gái.
Steve gọi lại và nói chuyện với mẹ của cô gái. Trống ngực anh đập mạnh khi đầu dây bên kia nói: "Steve à? Tôi là Sally. Tôi cũng có những bức ảnh như thế".
Cuộc đoàn tụ trong mơ
Steve đề nghị làm xét nghiệm ADN, nhưng người phụ nữ cảm thấy như mình bị sỉ nhục và trả lời: "Tôi biết mình là ai, tôi không cần xét nghiệm ấy. Mẹ tôi sẽ nhận ra tôi, vì tôi có một vết bớt trên môi". Đến lúc đó, Steve đã đánh rơi ống nghe.
Steve, em trai của Sally, người có công lớn nhất trong việc tìm lại chị gái.
Sau khi gọi cho mẹ mình và gọi lại cho Sally, Steve xác nhận đây đúng là chị gái của mình. Họ đã nói chuyện qua Skype và nhìn thấy nhau qua webcam. Những nụ cười và giọt nước mắt hạnh phúc sau 37 năm xa cách khiến họ không muốn rời màn hình.
Sally cùng mẹ và em gái Connie đoàn tụ sau gần 40 năm.
Sally cảm thấy như mình đã bị đánh cắp 37 năm trong cuộc đời. Cô đã bỏ lỡ những buổi lễ tốt nghiệp, rồi đám cưới của em trai, em gái cũng như sự ra đời của các con họ. Thế nhưng, họ đã tìm thấy nhau, và đây là điều tuyệt vời nhất mà trong mơ họ cũng không tưởng tượng được.
Ngay tuần sau, Steve cùng chị gái Connie và mẹ đã bay khỏi bang California để đoàn tụ cùng Sally.
Theo Life Daily