Bị “vạch mặt” chiêu lừa cũ, kẻ gian nghĩ ra nhiều trò mới để “hút” tiền của người nhẹ dạ

Phương Anh |

Ngoài chiêu giả danh lãnh đạo nhà nước lừa chạy án hay bắt chuyển khoản nộp phạt, kẻ xấu còn tận dụng triệt để mạng xã hội để lôi kéo cộng tác viên, các “nhà đầu tư”, nhà từ thiện.

Thủ đoạn cũ, phương thức mới 

Đầu tháng 4, một số nhà báo đang công tác tại TP Hải Phòng bất ngờ nhận được tin nhắn vay tiền từ một số điện thoại lạ với nội dung "Tôi là Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, đây là số điện thoại riêng của tôi, hãy lưu nó lại và hồi âm lại cho tôi". Đáng chú ý trong tin nhắn từ số điện thoại này có nêu đích danh họ tên người nhận.

Bị “vạch mặt” chiêu lừa cũ, kẻ gian nghĩ ra nhiều trò mới để “hút” tiền của người nhẹ dạ - Ảnh 1.

Tin nhắn mạo danh lãnh đạo, lừa chuyển tiền.

Khi một số phóng viên tò mò hồi âm thì lại nhận tin nhắn lại với nội dung "Lãnh đạo của tôi nhờ tôi làm chút việc, bạn giúp tôi chuyển một ít tiền cho lãnh đạo, tôi họp xong sẽ chuyển lại cho bạn". Người này đề nghị nhà báo chuyển tiền vào số tài khoản 19038307972016 - Ngân hàng Techcombank Chi nhánh Hải Phòng, tên chủ tài khoản là Vu Kim Hong.

Trong tin nhắn, kẻ giả mạo "Bí thư Thành ủy" này còn nhắc nhà báo "Chuyển xong gửi ảnh chụp màn hình cho tôi. Việc rất gấp, bạn lập tức xử lý đi rồi trả lời tôi".

Các phóng viên đã tìm hiểu và làm rõ tin nhắn trên là lừa đảo. Kẻ xấu đã mạo danh Bí thư Thành ủy Hải Phòng hòng chiếm đoạt tài sản.

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an, cho biết các đối tượng lừa đảo hiện vẫn sử dụng thủ đoạn truyền thống phổ biến như: Giả danh cán bộ cơ quan Nhà nước, người lãnh đạo cấp cao để lừa đảo như: xin việc làm, “chạy chức”, “chạy án”, xin dự án, vay vốn tổ chức, cá nhân nước ngoài. 

Ngoài ra, họ có thể kêu gọi đầu tư, tài trợ vào các công ty, dự án, chương trình hay làm giả cổ vật, đá quý, kim loại, sử dụng các loại giấy tờ, tài liệu giả liên quan đến quyền sở hữu tài sản để cầm cố, thế chấp, mua bán nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bị “vạch mặt” chiêu lừa cũ, kẻ gian nghĩ ra nhiều trò mới để “hút” tiền của người nhẹ dạ - Ảnh 2.

Trung tướng Tô Ân Xô. Ảnh: Q.V.

Khi mạng xã hội ngày càng phổ biến, kẻ xấu lại lợi dụng không gian này với phương thức tinh vi, đa dạng hơn để tiếp cận nạn nhân. Một trong những thủ đoạn thường gặp là sử dụng mạng xã hội để kết bạn, thông báo gửi quà, sau đó giả danh nhân viên sân bay, hải quan, thuế... yêu cầu bị hại nộp tiền cước vận chuyển, thuế phí, tiền phạt... vào các tài khoản ngân hàng lạ rồi chiếm đoạt.

Họ có thể giả danh cán bộ cơ quan Nhà nước, Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện thông báo nạn nhân có liên quan đến các vụ án, vụ việc đang giải quyết, đe dọa, yêu cầu bị hại chuyển tiền. Ngoài ra, chúng có thể khai thác thông tin tài khoản ngân hàng của bị hại, đăng nhập vào tài khoản của bị hại để chuyển tiền nhằm chiếm đoạt.

Đánh vào tâm lý ham “lợi nhuận cao” của người dân

Mới đây, chị H. (21 tuổi, ở Gia Lâm, Hà Nội) tìm việc làm online trên mạng xã hội và kết bạn Zalo với một người. Sau đó, chị H. được hướng dẫn làm cộng tác viên cho các sàn thương mại điện tử.

Chị H. bị yêu cầu thanh toán các đơn hàng để được hưởng tiền hoa hồng. Với mỗi đơn hàng, chị H. sẽ được hưởng chênh lệch 10 đến 20%. Thấy hấp dẫn, chị H. đã thanh toán 10 đơn hàng với số tiền hơn 230 triệu đồng trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, chị không nhận lại được tiền gốc và phần chiết khấu như ban đầu. Biết mình bị lừa, chị H. đến cơ quan công an trình báo sự việc. Ngoài chị H., có không ít người bị lừa bởi chiêu thức này, mặc dù đã có nhiều cảnh báo. 

Bị “vạch mặt” chiêu lừa cũ, kẻ gian nghĩ ra nhiều trò mới để “hút” tiền của người nhẹ dạ - Ảnh 3.

Tin nhắn giả mạo Shopee, mời chào làm cộng tác viên thanh toán đơn hàng online.

Trung tướng Tô Ân Xô cho rằng, do ảnh hưởng của việc giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19, tội phạm càng triệt để lợi dụng không gian mạng để phạm tội. Nổi lên trong số đó là các thủ đoạn: tạo lập các website giả mạo, lập các sàn giao dịch, ứng dụng kiếm tiền, sử dụng “mồi nhử” là các khoản lợi nhuận cao để kêu gọi, lôi kéo đầu tư kinh doanh tiền ảo, ngoại hối (Forex), sàn giao dịch quyền chọn nhị phân... theo mô hình đa cấp.

Khi lừa được nhiều người, kẻ xấu sẽ can thiệp vào hệ thống kỹ thuật, làm cho nhà đầu tư thua lỗ hoặc đánh sập để chiếm đoạt tài sản.

Đặc biệt, các tội phạm lừa đảo lợi dụng sơ hở của cơ chế, chính sách, pháp luật để phạm tội trong lĩnh vực kinh tế như tài chính, chứng khoán, đầu tư, phát hành trái phiếu doanh nghiệp..., gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đầu tư, kinh doanh và kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế của Chính phủ.

Bên cạnh các chiêu thức tinh vi, kẻ gian thường đánh vào lòng thương cảm của con người. Họ đăng thông tin giả mạo về các hoàn cảnh khó khăn để vận động quyên góp từ thiện rồi chiếm đoạt. 

Để tránh bị lừa đảo, người dân cần làm gì?

Theo người phát ngôn Bộ Công an, người dân cần tăng cường trau dồi kiến thức về pháp luật, chính sách, thường xuyên theo dõi thông báo phương thức thủ đoạn phạm tội của cơ quan chức năng trên phương tiện thông tin đại chúng. 

Với các hoạt động lừa đảo trên không gian mạng, người dân cần đề cao cảnh giác trước cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng Công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại.

Bị “vạch mặt” chiêu lừa cũ, kẻ gian nghĩ ra nhiều trò mới để “hút” tiền của người nhẹ dạ - Ảnh 4.

Người dân tuyệt đối không chuyển khoản cho người lạ để "giải quyết vụ án". Ảnh minh họa.

Người dân không được cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở... cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa biết rõ nhân thân và lai lịch của người đó, đặc biệt không nghe lời chuyển tiền vào các tài khoản do họ chỉ định.

Khi mua hàng qua mạng, người dân cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, rao bán hàng hóa, danh tính người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, hình thức thanh toán minh bạch. Thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội và thay đổi để đảm bảo tính an toàn của mật khẩu.

Người dân không nên chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội, không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân như: CCCD/CMND, sổ hộ khẩu, thẻ ngân hàng. Không nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho người không quen biết.

Khi đầu tư, cần nghiên cứu, kiểm tra kỹ trước khi thực hiện các giao dịch về tài chính, đề phòng những khoản đầu tư mang lại “lợi nhuận cao”.

Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

Năm 2021, Công an Hà Tĩnh triệt phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng bằng hình thức tuyển cộng tác viên bán hàng online; bắt giữ, triệu tập 83 người, khởi tố 41 bị can... Đây chỉ là một trong số 1.691 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà lực lượng Cảnh sát hình sự xử lý (tỷ lệ 74,46%).

Quý I năm 2022, lực lượng Cảnh sát hình sự đã bắt giữ, xử lý 372 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản (tỷ lệ 79,15%), xử lý 491 đối tượng. Điển hình: Công an Nghệ An bắt Phan Văn Tài, người sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội để đăng bài trong các hội nhóm từ thiện, kêu gọi mọi người chuyển tiền vào tài khoản riêng để ủng hộ người có hoàn cảnh khó khăn, lừa 1.617 bị hại với số tiền hơn 200 triệu đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại