Hiện tại, tâm lý người tiêu dùng ở Moscow chưa có dấu hiệu đi xuống. Các nhà hàng và cửa hàng xa xỉ vẫn đông người đến mua. Nhưng lãi suất cao kỷ lục và lạm phát liên tục ở mức cao đang là rủi ro đối với đà tăng trưởng của nền kinh tế này.
Trong khi đó, Nga phải đối mặt với hàng vạn lệnh trừng phạt, đồng nội tệ bị suy yếu, triển vọng giá dầu vẫn bất ổn và rủi ro đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc cũng gặp những vấn đề lớn về kinh tế.
Ngân hàng trung ương Nga dự báo tăng trưởng GDP sẽ giảm mạnh vào năm 2025, thấp hơn tới 0,5% so với mức ước tính 3,5% đến 4% vào năm ngoái. Lạm phát có thể sẽ trở lại mức mục tiêu 4% vào năm 2026. Dù triển vọng của Bộ Kinh tế có phần lạc quan hơn là 2,5% trong năm nay, song Tổng thống Putin cho biết nền kinh tế đang hạ nhiệt là một phần của kế hoạch ổn định lạm phát của chính phủ.
Nền kinh tế Nga cho đến nay vẫn tăng trưởng mạnh bất chấp những nỗ lực cản trở đến từ bên ngoài, với mức lương cao. Theo một cuộc thăm dò tháng 12 của trung tâm nghiên cứu Levada tại Moscow, 2/3 người Nga vẫn rất lạc quan vào tương lai. Trong khi đó, tâm lý người tiêu dùng vẫn cao hơn năm 2022.
Mức lãi suất cao vẫn không thể kiềm chế tốc độ tăng giá đang gấp đôi mục tiêu. Tuy nhiên, vào tháng 12, ngân hàng trung ương Nga (BOR) đã giữ nguyên lãi suất chủ chốt ở mức 21%. Quyết định không tăng chi phí đi vay được đưa ra sau khi cộng đồng các doanh nghiệp phàn nàn về động thái hạ nhiệt lạm phát có thể gây ra làn sóng phá sản.
Nhóm nghiên cứu Autostat cho biết các đại lý bán ô tô của Nga đang đối mặt với rủi ro phá sản hàng loạt do chi phí đi vay cao. Ngành nông nghiệp cũng đang chịu sức ép tương tự.
Các doanh nghiệp lớn nhất cũng đang cân nhắc chiến lược. Hãng điều hành đường ống Transneft và Công ty cổ phần Đường sắt Nga cắt giảm mạnh các chương trình đầu tư một phần do lãi suất quá cao.
Ngoài ra, các doanh nghiệp tư nhân như nhà sản xuất thép Severstal và công ty khai thác MMC Norilsk Nickel cũng đang cắt giảm chi tiêu, còn United Co. Rusal International, một nhà sản xuất nhôm hàng đầu, đang cân nhắc cắt giảm sản lượng hơn 10%.
Dẫu vậy, 2 yếu tố gây khó nhất cho nền kinh tế - lạm phát và lãi suất, được dự báo sẽ giảm trong năm nay. Ngân hàng trung ương Nga dự báo lạm phát sẽ ở mức 4,5% đến 5% vào cuối năm nay và lãi suất chủ chốt ở mức trung bình 17% đến 20% cho năm 2025.
Theo giới chuyên gia, giá dầu thô giảm cũng là một trong những rủi ro lớn với kinh tế Nga vào năm 2025. Việc Ukraine không gia hạn thoả thuận trung chuyển khí đốt cũng tác động đến Nga, khiến GDP dự kiến mất khoảng 0,2% đến 0,3%.
Một ẩn số khác chính là xung đột với Ukraine. Các nhà phân tích cho biết, việc mâu thuẫn chấm dứt, như Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump cam kết thực hiện, có thể giúp đồng rúp mạnh lên và thu hút nhà đầu tư nước ngoài trở lại, đẩy mạnh doanh thu xuất khẩu của Nga. Nếu các cuộc đàm phán vẫn kéo dài, lạm phát và lãi suất tăng cao có khả năng sẽ tiếp diễn và kéo tụt đà tăng trưởng.
Việc đồng rúp suy yếu và những vấn đề cản trở về thanh toán xuyên biên giới do ảnh hưởng của lệnh trừng phạt cũng đang gây thiệt hại cho Nga. Sự chậm trễ trong thanh toán xuyên biên giới đã cản trở hoạt động vận chuyển hàng hoá như than và nhôm.
Việc thanh toán bị gián đoạn và thâm hụt ngoại tệ đã khiến các doanh nghiệp Nga khó tận dụng được lựa chọn đi vay tương đối rẻ, đó là trái phiếu định danh bằng đồng Nhân dân tệ.
Nikita Kulagin, trưởng bộ phận phân tích kinh tế vĩ mô tại Sovcombank, cho biết dù hoạt động đầu tư bị hạn chế nhưng Nga vẫn ghi nhận GDP tăng trưởng ở một số quý và không rơi vào suy thoái.
Dẫu vậy, không phải ai cũng có quan điểm lạc quan. Các chuyên gia cho biết, rủi ro suy thoái với kinh tế Nga đang ở mức cao nhất trong 3 năm qua. Năm tới, một số quý có thể tăng trưởng dương nhưng mức tăng trong cả năm tới dự kiến chỉ cao hơn 1% một chút.