Một ngày nọ, Phật Thích Ca và đệ tử A-nan-đà cùng ra ngoài khất thực. Nơi họ ở cách khu dân cư một đoạn.
Khi đi đến nơi giao giữa rừng cây và thôn làng, trên mặt đất có rất nhiều cành cây gãy và dằm tre nằm ngổn ngang, Phật Thích Ca không cẩn thận nên chân giẫm phải cành cây gãy, đau đến thấu tim gan.
Các đệ tử sau khi biết tin đã nhanh chóng đến và dìu Ngài quay về tịnh xá, nhưng lúc đó, Đức Phật đã đau đến ngất đi.
Y học ngày xưa không phát triển được như bây giờ, không có bệnh viện nên mọi người dùng phương thức dân gian để băng bó vết thương cho Đức Phật.
Nhưng chân Phật Thích Ca vừa đau vừa sưng tấy, người vẫn hôn mê bất tỉnh. Rất nhiều đệ tử đều lo lắng, các cư sĩ cũng rất hoang mang, lo sợ Phật Thích Ca vì sự cố này mà rời khỏi thế gian.
Một vị đại thần vội vội vàng vàng chạy vào cung báo với đức vua rằng: "Đại vương, nguy rồi, chân của Phật Thích Ca bị cành cây đâm phải, hiện tình thế vô cùng nguy cấp".
Vua nghe được tin này vô cùng sốt ruột, nói: "Bây giờ chúng ta lập tức đến thăm Đức Phật".
Xe đến cửa tịnh xá, đức vua liền nhanh chóng xuống xe, tháo vương miện xuống, vuốt lại quần áo chỉnh tề để bày tỏ lòng kính trọng với Đức Phật.
Đức vua kính cẩn đến trước giường Phật Thích Ca, thấy Đức Phật vẫn chưa tỉnh, ngài liền quỳ gối trước giường, nắm tay Đức Phật và nói: "Đức Phật, ta là vua Ajatashatru, nghe tin Ngài bị thương nặng nên ta đến thăm.
Phật Thích Ca, Ngài nhất định phải thương xót chúng sinh, ngài không thể đi được, thần dân đất nước đều cần Ngài".
Phật Thích Ca lúc này mở mắt, nắm tay đức vua nói: "Đại vương ngồi dậy đi".
Đức vua bèn ngồi bên giường, Phật Thích Ca cũng được đệ tử dìu ngồi dậy, các đệ tử đều vây quanh Ngài.
Đức Phật nhìn đệ tử xung quanh rồi nói: "Người trên thế gian luôn mang theo nghiệp chướng, họ đem nghiệp đi nhưng cũng để nghiệp lại.
Trong thời gian qua, mặc dù ta sống theo con đường hành thiện, nhưng cũng khó tránh khỏi có vài quan niệm sai lầm. Một ý nghĩ sai, ngàn nạn khó thoát.
Cho nên mỗi kiếp ta đều muốn tiêu giải nghiệp chướng, mặc dù nghiệp nên giải đã giải được rồi nhưng những nghiệp chưa giải vẫn còn đó, nên ta vẫn phải tiếp tục làm việc cần phải làm".
Tất nhiên sau đó Phật Thích ca không rời khỏi nhân thế vì sự cố này.
Lời bình
Qua câu chuyện nhỏ này, có thể thấy được, Phật Thích Ca tuy đã thành Phật, nhưng thân thể Ngài vẫn là xác thịt do cha me sinh ra.
Vì thế, một cành cây cũng có thể làm thương chân Đức Phật và nhiễm khuẩn khiến vết thương của Ngài sưng tấy, đau đớn khôn cùng, thậm chí đau đến nỗi ngất đi, huống chi là người phàm chúng ta?
Cũng chính vì chúng ta là người phàm thường, nên càng phải hiểu nỗi đau đớn thể xác là chuyện thường tình, nói vậy để chúng ta biết rằng những tai nạn đau khổ sẽ không có điềm báo trước, từ đó mà càng phải cảnh giác hơn với cuộc đời vô thường của mình, không lúc nào được phép buông lơi.
Mỗi người cũng cần phải biết nắm chắc lấy vận mệnh của mình, tích cực hành thiện tích đức để tiêu giải nghiệp báo. Bởi nếu hiện tại không làm, hôm nay không làm, năm nay cũng không làm, không biết liệu còn có ngày mai, năm sau để làm hay không?
Cho nên nếu chỉ có một phần sức lực thì cũng đừng ngại cho đi, vì cho đi chính là bổn phận và trách nhiệm của chúng ta, giúp người cũng là gốc rễ của niềm vui.
Nếu mỗi người chúng ta đều có thể suy nghĩ được như vậy, thì khi chúng ta giúp đỡ người khác một phần, biết đâu sau này sẽ nhận lại được một phần tương tự hoặc có khi là nhiều hơn thế.
Thử tưởng tượng mà xem, khi bạn cống hiến sức lực nhỏ bé đi giúp đỡ người khác, người nhận được sự giúp đỡ, trong lòng sẽ mang theo thiện ý, lần sau khi gặp người có hoàn cảnh tương tự họ cũng sẽ đi giúp người khác.
Bức tranh hài hòa đẹp đẽ ấy mới chính là thiên đường nhân gian, như vậy thì cớ sao lại không làm?
Nếu chỉ mới bắt đầu làm được vài việc giúp đỡ người khác đã nghĩ: Tôi đã cho đi rồi tại sao tôi vẫn sinh bệnh? Vậy thì không chỉ thể xác bạn sinh bệnh vì chưa buông bỏ được lòng ham muốn công danh lợi lộc, mà tâm hồn bạn cũng mắc bệnh tật triền miên.