Ảnh minh họa.
Ông N.H.T (ngụ xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) là người làm nghề phun thuốc diệt cỏ thuê cho các ruộng mía, vườn cây…
Cách đây hơn nửa tháng, ông đã pha trộn 3 loại thuốc diệt cỏ, diệt mầm lại với nhau để phun, trong đó có một loại có tên khoa học là 2,4 D. Do bất cẩn trong lúc phun thuốc tại một ruộng mía, ông T. đã bị thuốc đổ vào quần áo, thấm vào da. Lúc đó trời đang mưa nên quần áo ông T. bị ướt hoàn toàn, do vậy thuốc diệt cỏ thấm qua da càng nhiều hơn.
Một ngày sau khi bị thuốc diệt cỏ đổ vào người, ông T. phát hiện một vùng da ở đầu gối của mình bị đỏ lên. Nhưng sau đó, ông vẫn tiếp tục đi làm công việc của mình, phun thuốc 8 giờ/ngày trong suốt 2 tuần.
Do bị nhiễm độc nhưng vẫn tiếp tục tiếp xúc với thuốc diệt cỏ trong một thời gian dài nên tình trạng nhiễm độc trên da của ông T. ngày càng diễn tiến nặng hơn. Da của ông bị nổi đỏ, sau đó bong da toàn thân và ông T. phải đến Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị.
ThS.BS Doãn Uyên Vy, Phụ trách Phòng khám Chống độc, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết đây là tình trạng tiếp xúc trong thời gian dài với thuốc diệt cỏ 2,4 D – một loại thuốc có tính axit nên da của bệnh nhân có hiện tượng rộp phỏng, dị ứng. Do tình trạng nhiễm độc của ông T. khá nặng và lan ra toàn thân nên theo ThS. Vy, bệnh nhân sẽ phải điều trị khoảng hơn 1 tháng để da dần trở lại bình thường.
"Khi phun thuốc diệt cỏ mọi người cần mặc đồ bảo hộ thật kỹ. Cần để ý hướng gió khi phun để tránh bị thuốc bay vào người. Đặc biệt, nếu chẳng may bị thuốc đổ vào quần áo, phải đi tắm rửa, thay quần áo ngay. Và một khi đã tiếp xúc với hóa chất từ thuốc diệt cỏ, diệt mầm…, nếu sau đó có xuất hiện các tình trạng bệnh lý bất thường trên da, mọi người nên đến bệnh viện để thăm khám, sớm tìm ra nguyên nhân và điều trị sớm", BS Vy khuyến cáo.