Hình ảnh rất phản cảm
Hình ảnh con trâu bị treo lên cho đến chết rồi giết thịt và đem vào tế thần ở lễ hội đền Đông Cuông (Văn Yên, Yên Bái) được chia sẻ trên mạng xã hội gây phẫn nộ, bức xúc dư luận.
Liên quan đến việc này, trao đổi với chúng tôi vào sáng ngày 6/2, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà cho biết:
"Hủ tục treo trâu đến chết này đã được bỏ trong lễ hội đền Đông Cuông từ năm nay".
Ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hay, hình ảnh treo trâu đến chết ở lễ hội đền Đông Cuông rất phản cảm.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, trong chiều 5/2, Thanh tra Bộ đã gọi điện trực tiếp cho lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Yên Bái để chỉ đạo.
Theo đó, Thanh tra Bộ đề nghị lãnh đạo Sở chỉ đạo huyện Văn Yên có hình thức xử lý việc này theo đúng tinh thần của Thông tư 15/2015 mà Bộ VHTTDL đã ban hành về việc không tái diễn những tập tục mang tính bạo lực, man rợ trong lễ hội.
Trao đổi với PV, ông Lê Xuân Định, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái cũng cho biết, những hình ảnh treo trâu được lan truyền trên mạng xã hội là từ các năm trước còn năm nay, lễ hội Đông Cuông chưa diễn ra.
Đại diện lãnh đạo Sở cho hay, thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như lãnh đạo tỉnh, năm nay, lễ hội đền Đông Cuông sẽ không còn cảnh treo trâu, mổ trâu như mọi năm.
Thay vào đó, trâu sẽ được mổ ở nơi kín đáo không để du khách chứng kiến, theo dõi, sau đó, thịt đưa vào để tế thần.
Trước đó, Chủ tịch UBND huyện Văn Yên Vũ Quang Hải khẳng định, dù là phong tục truyền thống nhưng khi Bộ, tỉnh yêu cầu phải thực hiện theo đúng quy định mới thì huyện sẽ tuân thủ nghiêm túc.
Không phù hợp với xã hội văn minh
Ông Nguyễn Tam Thanh, cán bộ phúc lợi Tổ chức Động vật châu Á cho rằng:
"Lễ hội treo trâu có điểm chung với các lễ hội như đập đầu trâu, đâm trâu, hay chém lợn là đều sử dụng động vật sống để hiến tế, trong đó những con vật "được lựa chọn" phải chịu đựng những cái chết từ từ, trong đau đớn, căng thẳng hoàn toàn không cần thiết.
Bên cạnh đó, chúng phải chịu cái chết giữa những tiếng hò reo, phấn khích của hàng trăm con người. Chúng tôi cho rằng văn hóa, truyền thống cũng cần thay đổi theo thời gian cho phù hợp với xu thế và lối sống hiện tại.
Những hành vi không phù hợp với xã hội văn minh đang và sẽ dần bị thải loại, và đó là những gì đang diễn ra trên phạm vi toàn thế giới".
Đại diện Tổ chức này cũng ghi nhận rằng, thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan thông tin, truyền thông đã mạnh mẽ lên án những hoạt động lễ hội mang tính tàn bạo, không phù hợp với xã hội văn minh.
"Chúng tôi hi vọng các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục phản ánh những hoạt động, nghi lễ có sử dụng động vật không phù hợp này.
Chúng tôi cam kết hợp tác, hỗ trợ các cơ quan này trong thời gian tới để không còn động vật nào phải chịu đựng đau đớn hay bị ngược đãi qua các hoạt động lễ hội", ông Thanh nhấn mạnh.
Đền Đông Cuông đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia năm 2009. Cách thành phố Yên Bái khoảng 50 km, đền Đông Cuông thuộc địa phận thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên.
Đền Đông Cuông thờ Mẫu Đệ nhị Thượng Ngàn và các vị anh hùng người dân tộc thiểu số trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thời Trần.
Hàng năm tục lệ tế trâu ở đền Đông Cuông được tổ chức vào ngày Mão đầu tiên của tháng Giêng và ngày Mão bất kỳ của tháng 9 âm lịch.
Lễ hội năm nay sẽ được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng âm lịch tới đây.