"Sự trả thù người tố cáo tinh vi đến mức văn minh"
Tranh luận tại phiên thảo luận về dự án Luật tố cáo (sửa đổi) trước Quốc hội vào chiều 16/6, đại biểu Nguyễn Văn Thể (Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng) đã nêu ý kiến về việc cần chấp nhận việc tố cáo bằng thư điện tử.
"Nếu không chấp nhận tố cáo bằng thư điện tử sẽ là một sai lầm nghiêm trọng. Sử dụng thư điện tử là biện pháp văn minh nhất và khả thi nhất. Người tố cáo sẽ tự bảo vệ được mình, tránh bị trả thù.
Do đó, tôi thiết tha đề nghị phải nghiên cứu, đưa hình thức này vào để người dân gửi đơn tố cáo", ông Thể nhấn mạnh.
Trong khi đó đại biểu, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu (Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An) cũng tranh luận về đề nghị công an tham gia bảo vệ người tố cáo.
"Nếu công an bảo vệ người tố cáo nữa thì không đủ nguồn lực. Công ty vệ sỹ nhiều, dùng ngân sách thuê bảo vệ cũng được, chứ không phải chỉ có công an. Còn nếu để công an bảo vệ thì Quốc hội phải cho thêm biên chế.
Tôi làm rất nhiều vụ việc, hiện người ta không tố cáo nặc danh đâu, họ mạo danh để chúng ta phải xác minh thôi còn quan điểm của tôi cho rằng, nên đưa các hình thức tố cáo khác vào như qua email, điện thoại", ông Cầu nêu.
ĐB Nguyễn Hữu Cầu. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) kể câu chuyện có thật mà ông cho rằng chỉ có người trong cuộc mới biết bị trả thù. Nhưng người bị trả thù nhưng vẫn phải tươi cười.
Theo ông, sau khi không bằng lòng với lãnh đạo, anh này được lãnh đạo gọi lên phòng và nhận xét, cậu là người có tính chiến đấu rất tốt, còn trẻ, có năng lực, tới đây cậu phải cần được đưa đi đào tạo, học hành một cách chính quy, bài bản, chứ không học tại chức, để sau này lãnh đạo nghỉ sẽ là người kế cận.
Người đó khăn gói lên đường đi học và trong suy nghĩ đã có sự nghi ngờ. Sau khi đi học về, lãnh đạo cho rằng cậu này được đào tạo lý luận, chuyên môn đầy đủ, giờ cần phải đi thực tiễn để tiếp tục rèn luyện.
Và anh này được đưa xuống một đơn vị khó khăn, sau đó bị bỏ mặc cho tự "bơi", thậm chí lãnh đạo còn tạo "sóng" để "dìm" cho anh cán bộ trẻ "uống nhiều nước".
Khi thấy anh cán bộ ngấp ngoái vì "uống nhiều nước" lãnh đạo bắt đầu "kéo lên" bố trí công việc, coi như cứu giúp. Từ đó trở đi người cán bộ trẻ này coi như thui chột, mặc dù trong lòng đắng ngắt nhưng miệng vẫn phải mỉm cười nói cảm ơn anh đã cứu giúp.
"Tôi nói câu chuyện này là chuyện thực tế, mà sự trả thù người tố cáo tinh vi đến mức văn minh. Từ đó lý giải tại sao người tố cáo không dám đứng đơn khi tố cáo.
Cần quy định để người dân tham gia các hình thức tố cáo thực hiện quyền của mình. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật cũng chính là để góp phần vào xây dựng nhà nước trong sạch, vững mạnh. Chúng ta vin vào lý do nặc danh không xem xét thì không nên", ông Phương nêu.
Chủ tịch tỉnh cũng phải kêu cứu lên Chính phủ
Cũng tranh luận về vấn đề đơn tố cáo nặc danh, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng, ngoài việc cơ chế bảo vệ người tố cáo của chúng ta chưa đầy đủ, dẫn đến người đứng ra tố cáo bị khủng bố, đe dọa bằng nhiều hình thức khác nhau.
""Ngay cả Chủ tịch UBND tỉnh còn kêu cứu lên Chính phủ về việc các cá nhân tố cáo uy hiếp nặc danh do cơ chế bảo vệ chưa đầy đủ.
Thứ hai, tâm lý của người Việt ngại va chạm, ngay trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng có những vấn đề liên quan đến đồng chí, đồng đội", ông Hồng nói.
Tổng Thanh tra CP Phan Văn Sáu. Ảnh: Quochoi.vn.
Phát biểu sau đó, Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu xin tiếp thu ý kiến và sẽ phối hợp với Ủy ban pháp luật của Quốc hội để cân nhắc, chọn lọc, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật trình xem xét thông qua trong kỳ họp tới.
Về hình thức tố cáo, theo ông Sáu, qua ý kiến thảo luận hôm nay, để tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền tố cáo, cung cấp thông tin để giải quyết xử lý theo thẩm quyền, có thể mở rộng thêm 2 hình thức là thư điện tử có ký tên và chữ ký điện tử thì được xem xét theo quy trình giải quyết.
Các hình thức tố cáo qua điện tử khác và công nghệ thông tin truyền thông phải xác định rõ họ tên, địa chỉ, nội dung thông tin rõ ràng thì cũng được giải quyết theo quy trình giải quyết tố cáo.