Bí thư Thăng: "Với cơ chế này chỉ có đột tử, không thể đột phá"

Trường Nguyên |

“Đừng sợ ủy quyền thì mất quyền, thì dưới người ta làm sai. Người leo lên cây không sợ mà người ở dưới la ngã đấy, thế là ngã thật”, ông Thăng phát biểu.

Trong buổi làm việc giữa lãnh đạo TP HCM với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chiều 20/5, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng khẳng định:

Chính phủ, Thủ tướng và thủ trưởng các bộ ngành phải coi sự phát triển của TP.HCM là sự phát triển của cả nước, là đầu tàu cả nước. Phải coi cơ chế đột phá của TP là nhu cầu của lãnh đạo Chính phủ vì nếu không sẽ quay lại cơ chế xin cho.

Phải cần một cơ chế giống như cơ chế cầu Ghềnh

"Xa thế này mỗi lần xin rất lâu mà rất mất thời gian. Có chuyện thế này, TP.HCM muốn nạo vét luồng Soài Rạp nhưng không có tiền nên xin cơ chế làm thu phí để nạo vét mà từ ngày tôi còn làm Bộ trưởng đã ký văn bản đồng ý với đề nghị của TP nhưng đến bây giờ vẫn chưa xong.

Chuyện bé bằng cái móng tay mà chưa xong thì làm sao đột phá được. Như thế thì chỉ có đột tử thôi chứ không thể đột phá được" - ông Thăng nói.

Bí thư Thăng: Với cơ chế này chỉ có đột tử, không thể đột phá - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng tại buổi làm việc.

Bí thư Thăng nhấn mạnh, hiện TP có 474 chung cư cũ xuống cấp cần xử lý nhưng với cơ chế như hiện nay không làm được.

Trong 10 năm qua, TP chỉ cải tạo được 22 chung cư cũ và với cơ chế hiện nay không biết bao giờ xong. Cứ như Sở Xây dựng trình bày thì trong 5 năm chỉ xử lý 24 chung cư thì trong khi người dân luôn luôn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ.

Ông Thăng lấy dẫn chứng về cầu Ghềnh sập tại Biên Hòa để minh chứng cho nhu cầu cần cơ chế cho TP HCM:

"Phải cần một cơ chế giống như cơ chế cầu Ghềnh, phải có một cái xà lan làm "uỳnh, uỳnh" một phát thì "ầm ầm" thì các bộ ngành đến thăm ngay.

Ý tôi không phải đập phá để làm được điều đó nhưng phải có một cơ chế như vậy thì mới làm nhanh được. Không để xảy ra sự cố rồi mới làm".

"Hà Nội được lo đủ thứ, TP HCM không có gì cả"

Về giao thông, ông Thăng so sánh, Hà Nội được trung ương đầu tư tất cả các cửa ngõ ra vào như các cao tốc, Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Ninh Bình, Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Thái Nguyên… "nhưng mà trong này thì chả có gì cả".

Thế nên cần quan tâm nguồn vốn ODA, trung ương để đầu tư các dự án kết nối cửa ngõ, đẩy nhanh các dự án metro để TP phát triển được.

"Nếu không giải quyết được vấn đề đường sắt đô thị thì TP không bao giờ giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông vì xe buýt có tăng bao nhiêu cũng chỉ đáp ứng được 32% là hết.

Giờ có xếp hết tất cả xe buýt ra kín hết các con đường cũng không lo được một nửa nhu cầu. Do vậy, với tốc độ của đường sắt trên cao như hiện nay thì càng chết", ông Thăng phát biểu.

Ông Thăng nhận định, với tiềm năng của TP để phát triển không phải chỉ 8% như hiện nay mà hoàn toàn có đủ điều kiện để phát triển ở mức 2 con số. Vấn đề hiện nay là TP đang bị trói buộc trong một cơ chế không thể vượt qua nổi.

Trong khi đó Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị thể hiện rõ những vấn đề gì chưa phù hợp với quy định hiện hành hoặc quy định hiện hành lỗi thời thì cho phép TP thí điểm.

"TP hiện đang rất tích cực để xây dựng cơ chế đột phá, cơ chế này phải có tư duy đột phá và ra ngoài những cái đang trói buộc hiện nay.

Bộ Chính trị, Trung ương luôn coi TP là đầu tàu nhưng hiện nay đầu tàu đang phải chịu cơ chế vận hành của toa tàu. Vậy thì làm sao mà kéo được?"-ông Thăng yêu cầu.

Ba đề xuất của TP HCM với Chính phủ:

Chính phủ tăng cường phân cấp, ủy quyền cho TP trên tất cả các lĩnh vực cả về tài chính công, quyết định ngân sách, thu chi, quy hoạch, kế hoạch đầu tư, nhân sự…

Chính phủ cần giúp đỡ TP về cơ chế vùng và vai trò hạt nhân của TP trong vùng. Vì TP .HCM gắn liền sự phát triển chung của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ưu tiên vốn cho các công trình giao thông trọng điểm tại các cửa ngõ, đường sắt trên cao để giải quyết ùn tắc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại