Chấm dứt dạy thêm, học thêm
Sáng nay 7/6, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong cùng các sở, ban ngành TP đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phùng Xuân Nhạ về công tác phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của TP.
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) Lê Hồng Sơn đã trình bày những thuận lợi cũng như khó khăn của ngành GD-ĐT TP HCM trong thời điểm hiện tại; mục tiêu phấn đấu sắp tới.
Người đứng đầu ngành GD-ĐT TP kiến nghị cho phép ngành có cơ chế đặc thù trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhằm triển khai những giải pháp mang tính đột phá, đổi mới.
Tự xây dựng khung chương trình giáo dục và bộ sách giáo khoa phù hợp thực tiễn phát triển của thành phố dựa trên khung chương trình chung của Bộ GD-ĐT.
Bộ cần ủy quyền cho Sở tổ chức khảo thí trình độ tiếng Anh của học sinh theo 4 kỹ năng nghe – Đọc – nói – viết chứ không xét việc hoàn thành môn học theo cơ cấu điểm số như hiện nay.
Giao quyền tự chủ 100% cho các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp công lập tự quyết định chương trình, được nhập khẩu trực tiếp các chương trình đào tạo tiên tiến từ nước ngoài, tự quyết định mức học phí, chỉ tiêu tuyển sinh...
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng nhận định, TP HCM là TP đặc biệt của cả nước về văn hóa kinh tế, giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật nên cần cơ chế đặc thù cho TP phát triển.
Theo đó, GD-ĐT là một trong những trọng tâm đào tào nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP và cả nước.
Bí thư cho rằng, bản sắc của TP HCM với đặc trưng của vùng đất con người Nam Bộ là tính khí trọng nghĩa và hào sảng nên khi xây dựng đề án, chương trình đào tạo phải duy trì được tinh thần văn hóa này.
Người đứng đầu Thành ủy TP HCM đề nghị tuyệt đối cấm tình trạng dạy thêm học thêm như hiện nay.
Ông đặt câu hỏi: "Tại sao các nước người ta có học thêm dạy thêm đâu mà họ vẫn phát triển mạnh, vẫn có nguồn nhân lực cao?".
"Chúng ta cũng có thể dạy thêm học thêm nhưng phải là ở các trung tâm, mở thêm danh mục đào tạo tại đây, nếu ai có nhu cầu thì đăng ký vào học nâng cao kiến thức. Hội nhập thì sao phải còn chạy trường, chạy lớp? Hội nhập mà còn dạy, học thêm là không được", Bí thư Thăng quyết liệt.
Ông nêu thực trạng, nhiều người dân xin đi học ở trường học gần nhà không được vì chuyện trái tuyến nên xảy ra tình trạng phải chạy trường chạy lớp.
"Người ta có căn nhà trung tâm nhưng cho thuê rồi ra ngoại thành ở, xin đi học ở đây thì không được, bắt phải về trung tâm học, tốn chi phí thời gian đi lại rất nhiều. Cái này phải xử lý ngay, cái gì giải quyết được thì giải quyết ngay chứ không chờ nữa", ông nói.
Ông Thăng đề nghị Bộ GD-ĐT cần phải xã hội hóa giáo dục để đáp ứng được nhu cầu giáo dục: "Với chính sách này thì người nghèo sẽ được hỗ trợ, thậm chí là bao cấp cho họ đi học, còn người khá giả hơn có thể học theo nhu cầu của mình và có nghĩa vụ chung tay với ngành giáo dục của TP".
Đừng chỉ học để xin vào Nhà nước
Một bất công khác mà Bí thư Thăng chỉ ra là tại sao chỉ có trường công lập mới được công nhận là trường trọng điểm, trong khi nhiều trường tư khác cũng không thua kém, thậm chí là vượt trường công lập, đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng không được xem là trường trọng điểm.
"Tôi thấy Bộ GD-ĐT cứ đưa ra tiêu chuẩn, ai làm được thì được công nhân là trường trọng điểm chứ sao lại chỉ có trường công. Trường trọng điểm không phải chỉ để lấy tiền Nhà nước mà là để có được cơ chế phát triển chất lượng", ông Thăng đề nghị.
Bí thư băng khoăn, hiện nay nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là ngành công nghệ thông tin, phần mềm còn thiếu trầm trọng trong khi nhiều sinh viên các ngành này ra trường không tìm được việc làm.
Ông chỉ ra nguyên nhân: "Tôi đi khu công nghệ cao, quanh đó có nhiều trường đại học mà vẫn than rằng thiếu nhân lực.
Lý do vì các trường ấy không dạy được về các phần mềm mà khu công nghệ cao cần, trong khi chỉ các doanh nghiệp mới đào tạo được chương trình đó nên sinh viên ra trường rồi thất nghiệp".
Bí thư Thăng đề nghị: "Đã hội nhập phải chấp nhận kinh tế thị trường nên giáo dục đào tạo cũng phải theo cơ chế của thị trường. Làm phần mềm mà lương 8-10 triệu đồng thì sao hút được, phải lương phải 20 – 30 triệu đồng, thậm chí là cao hơn nữa mới làm được".
Ông yêu cầu Bộ GD-ĐT phải đưa tinh thần khởi nghiệp vào giảng dạy, phát triển toàn diện giáo dục thể chất.
"Sinh viên phải nung nấu cho mình tinh thần tự lực. Trên thế giới có nhiều em học sinh dù học chưa vào đại học nhưng vẫn khởi nghiệp được. Phải nuôi ý chí khát vọng từ trong trường, ra trường làm giàu chính đáng chứ không phải tạo ra tư duy học xong là xin vào nhà nước", ông Thăng nhấn mạnh.
Cuối cùng, Bí thư Thăng đề nghị Bộ GD-ĐT phân cấp, ủy quyền cho TP, đừng sợ mất quyền hay TP làm sai: "Từ khi tôi còn làm Bộ trưởng GTVT, tôi đều ủy quyền cho TP, không cần phải xin gì cả.
Nếu TP có cơ chế đột phá thì với tiềm năng của mình sẽ tăng trường không dưới 2 con số. Anh cứ mạnh dạn cho phân cấp, ủy quyền, thí điểm. Tôi tin TP sẽ làm được và làm tốt".