Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân Trần Báu Hà cho biết, từ ngày 03 - 11/12, người dân, doanh nghiệp, cán bộ tập trung xe ô tô treo băng rôn tập trung tại cầu Bến Thủy 1 với nội dung: "Chúng tôi sẽ đấu tranh đến cùng việc thu BOT cầu Bến Thủy I để trả lại sự công bằng cho dân"; "Chúng tôi không đi đường BOT tại sao lại phải trả phí", … để phản đối việc thu phí.
Nguyên nhân do 2 trạm thu phí Bến Thủy là thu phí cho 5 công trình gồm: Đường tránh Vinh, cầu vượt QL48, Cầu Yên Xuân, Cầu vượt Bến Thủy 2 và Đường nối Cầu BT2 đến đường tránh TP Hà Tĩnh. Trong đó có 3 công trình hoàn toàn nằm trên đất Nghệ An.
"Người dân hai bên cầu Bến Thủy 1 không đi qua bất cứ công trình BOT nào nhưng vẫn phải trả phí. Người dân bức xúc và có rất nhiều kiến nghị lên các cấp nhưng chưa được giải quyết", ông Trần Báu Hà bức xúc.
Theo Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân, việc thu phí ở trạm Bến Thủy vừa qua cũng đã được báo chí phản ánh nhiều, trong đó có nhiều chuyên gia trong lĩnh vực GTVT và cả ĐBQH đều cho rằng việc thu phí như vậy là không phù hợp, không đúng với pháp luật.
Chiều 10/12, lãnh đạo huyện Nghi Xuân có buổi làm việc, đối thoại với các công dân có khiếu nại.
Tại buổi đối thoại, người dân cho rằng, chính quyền biết việc thu phí BOT qua cầu Bến Thủy I là sai, mà không cùng nhân dân để kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền. Người dân kiến nghị, có thể dẫn đến vi phạm pháp luật.
"Lãnh đạo huyện giải thích cho người dân là huyện, tỉnh đã có kiến nghị lên Trung ương và đang chờ giải quyết nhưng họ vẫn chưa thỏa mãn.
Thậm chí, họ cho rằng, Chủ tịch UBND tỉnh có công văn kiến nghị nhưng không được giải quyết, còn chúng tôi khiếu kiện thì làm sao được giải quyết. Cho nên, chúng tôi phải gây áp lực", ông Trần Báu Hà cho biết.
Lãnh đạo huyện Nghi Xuân cũng lo lắng khi tình hình ngày một phức tạp khi người dân dựng lán sát cầu để tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự, ách tắc giao thông.
"Đây là việc rất khó khăn đối với huyện trong việc đảm bảo an ninh trật tự và ATGT vì người dân phản đối đúng. Họ yêu cầu về quyền lợi chính đáng mà cấp ủy, chính quyền có trách nhiệm phải bảo vệ.
Việc thu phí ở trạm Bến Thủy 1 là trái với pháp lệnh số 38 của UBTVQH ngày 28.8.2001 về Phí và Lệ phí", Bí thư huyện ủy Nghi Xuân nhấn mạnh.
Lãnh đạo huyện Nghi Xuân dẫn chứng người dân Nghi Xuân đi khám chữa bệnh ở Tp Vinh (Nghệ An), tiền taxi đến Bệnh viện Đa khoa Nghệ An mất khoảng 40 nghìn đồng nhưng phải trả thêm tiền phí cầu 80 nghìn đồng nữa.
"Người dân không sử dụng bất cứ mét đường BOT nào. Như vậy thì làm sao mà họ không bất bình và bức xúc được", Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân nêu.
Lãnh đạo huyện Nghi Xuân cho rằng, việc thu phí BOT tại trạm thu phí cầu Bến Thủy I rõ ràng là trái với Pháp lệnh Phí và Lệ phí. Cầu Bến Thủy I đã thu 26 năm (từ năm 1990 đến nay).
Việc sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng đã được mọi người dân đóng phí bảo trì đường bộ hàng năm, nên việc thu phí BOT là không hợp lý.
Ngoài việc ảnh hưởng trực tiếp đến những người dân sử dụng phương tiện qua cầu Bến Thủy I còn ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Nghi Xuân.
"Phải trả lời cho người dân đầy đủ, thấu đáo về các quy định của pháp luật trong việc thu phí BOT qua cầu Bến Thủy I.
Nghiên cứu, tính toán, di dời địa điểm thu phí cầu Bến Thủy I, đặt trên tuyến đường BOT để đảm bảo hợp lý và công bằng", ông Trần Báu Hà mong muốn.
Sau phần phát biểu của Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh, ông Lê Đình Sơn cho biết, liên quan đến sự việc này Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh đã có công văn gửi Bộ GTVT.
Hiện UBND tỉnh đang tiếp tục làm việc để có những đề xuất cụ thể với các Bộ, ngành Trung ương về việc thu phí tại cầu Bến Thủy I.