Phát biểu, trao đổi tại Hội nghị đối thoại, tiếp xúc với MTTQ các cấp Thành phố năm 2023 vào ngày 9/8, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, vừa qua, có một số ý kiến phản ánh liên quan đến chủ trương cho thuê lòng đường, vỉa hè của thành phố.
Liên quan đến vấn đề trên, Bí thư Thành ủy khẳng định, chủ trương cho thuê vỉa hè lòng đường là việc sẽ làm và các quận cũng đang rà soát nghiên cứu nhưng giờ chưa phải thời điểm phù hợp để thực hiện.
Theo đó, muốn cho thuê lòng đường, vỉa hè thì phải có đủ căn cứ pháp lý. Về việc này, Thành phố Hà Nội đang yêu cầu các quận tổ chức thiết kế đô thị, lấy ý kiến Nhân dân. Theo quy trình, khi lấy ý kiến Nhân dân, có sự đồng thuận mới triển khai.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị.
Một số quận, chẳng hạn như quận Hoàn Kiếm đang rà soát, nghiên cứu các tuyến phố để có thể thí điểm sau khi lấy ý kiến nhân dân. Thứ hai, việc đưa ra chính sách cho thuê lòng đường, vỉa hè một cách vội vã lúc này là chưa hợp lý.
Lòng đường, vỉa hè gắn bó mật thiết với đời sống Nhân dân Thủ đô, do đó, việc ra dẹp vỉa hè không đạt được hiệu quả cao và vững chắc. Việc quản lý lòng đường, vỉa hè cần thiết phải tổ chức lại trên cơ sở phải làm rất kỹ lưỡng, có sự đồng thuận cao của Nhân dân và phải chọn thời điểm phù hợp…
Sau gần 5 tháng Hà Nội triển khai chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ, nhiều tuyến phố có vỉa hè rộng rãi đã thông thoáng hơn. Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội, 6 tháng đầu năm đã lập biên bản hơn 32.000 trường hợp vi phạm trật tự đô thị, phạt tiền hơn 17,7 tỉ đồng. Vi phạm chủ yếu là sử dụng trái phép lòng đường, vỉa hè để kinh doanh ăn uống, buôn bán.