Theo báo cáo của Phó giám đốc sở Xây dựng Nguyễn Văn Danh, hiện TP.HCM có 474 chung cư cũ cần kiểm định.
Riêng quận 5 có hơn 200 chung cư, trong số này lại có đến 106 chung cư nhà tập thể đã xuống cấp nặng, có thể gây nguy hiểm hoặc đã hết niên hạn sử dụng.
Nghe báo cáo, Bí thư Đinh La Thăng lo lắng: Nói theo kiểu dân Nam bộ là “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”. Chung cư cũ chưa sập nên mấy ông chưa sợ đúng không?”
Liên hệ bài học còn nóng hổi về vụ sập cầu Ghềnh ở Đồng Nai, bí thư Thăng nói: “Trong lúc cứ bàn nhau hết hội thảo này đến hội thảo nọ để tìm ra phương án xây cầu mới thì cầu Ghềnh sập chỉ vì một cái sà lan đụng vào. Mọi thứ đảo lộn hết”.
Theo Bí thư Thành ủy, các chung cư cũ ở TP.HCM không khác gì tình trạng của cầu Ghềnh khi chưa sập: tuổi thọ đã rất cao, độ an toàn không còn nhiều, dân lo lắng nhưng các nơi có trách nhiệm bàn mãi không ra phương án.
Bài học cầu Ghềnh được ông Đinh La Thăng tiếp tục nêu khi ông cho rằng chính việc sà lan đụng va chạm làm cầu sập đã làm “thức tỉnh” cả bộ máy. “Cái xà lan đã tạo ra cơ chế, chạy ầm ầm” - Ông Thăng ví von.
Nhưng Bí thư Thành ủy nói ông không muốn thấy “cơ chế” đó phải xuất hiện ở TP.HCM trong vấn đề cải tạo chung cư cũ. Không muốn phải hoảng hốt trước một sự cố rồi mới bộ máy mới chạy.
Bí thư Thành ủy đã lấy đưa ra một số bài báo viết chung cư 727 Trần Hưng Đạo, một chung cư xuống cấp trầm trọng nhưng chính quyền không đạt được thỏa thuận với dân để di dời.
Ông nói đọc trên báo chí thấy ví von đây là “chung cư hoang tàn nhất Sài Gòn”, “lãnh địa của thần chết”. “Chẳng lẽ lại chọn điều này làm thương hiệu của quận 5 hay sao?’.
Ông Thăng khẳng định: “Bất luận thế nào, dân phải được sống trong ngôi nhà an toàn chứ không thể sống ở nơi có thể đổ sập bất cứ lúc nào”.
Ông cho rằng quận 5 phải tính toán, trình cơ chế để giải quyết di dời nhất 50% chung cư cũ xuống cấp trong thời gian tới.
Về cơ chế giải quyết, ông Đinh La Thăng yêu cầu phải triệt để phân cấp, ủy quyền cho quận, huyện quyết định trong vấn đề cải tạo chung cư cũ.
Đồng thời ban hành quy chế chuẩn để kiểm tra giám sát, giao cho quận huyện tổ chức giải phóng mặt bằng, chỉ định thầu. Có điều gì vướng thì báo cáo Chính phủ, báo cáo thành phố.