Cụ thể, chuyến bay BA -35 khởi hành từ sân bay Heathrow (Anh) tới Chennai, thành phố thủ phủ của bang Tamil Nadu (Ấn Độ) đã gặp phải sự cố sét đánh nghiêm trọng với 46 lỗ thủng. Tuy nhiên, phi hành đoàn vẫn quyết tâm thực hiện 9 giờ bay tới Ấn Độ an toàn.
Máy bay Boeing của Anh bị sét đánh khi thực hiện chuyến bay tới thành phố Chennai (Ấn Độ). Ảnh: Sundiata Post
Theo các báo cáo ban đầu, khi đáp xuống thành phố Chennai, chiếc máy bay đã bị tới 46 lỗ thủng từ sự cố sét đánh.
Chiếc máy bay Boeing 787-8 Dreamliner của Anh phải chờ đợi các hoạt động tiến hành kiểm tra sửa chữa và tạm thời không thể trở về London vào ngày hôm sau.
Trong khi đó, các hành khách phải chuyển sang một chuyến bay khác để tiếp tục hành trình. Đến ngày 29/7/2017, chiếc máy bay Boeing này đã quay trở lại London trong tình trạng không chở hành khách để tiếp tục các hoạt động kiểm tra tại sân bay Heathrow.
Sét đánh khiến máy bey bị thủng tới 46 lỗ. Ảnh: Thermofisher.com
Phát ngôn viên, đại diện hãng hàng không British Airways cho biết: "Chúng tôi đã xin lỗi khách hàng và đặt dịch vụ khác thay thế ngay khi chuyến bay từ Chennai về London bị hủy bỏ sau khi gặp sự cố về kỹ thuật.
Những kỹ sư có trình độ cao của chúng tôi đã tiến hành kiểm tra và sửa chữa một số thiệt hại nhỏ do sét đánh gây ra trước khi máy bay trở lại phục vụ khách hàng. Sự an toàn và an ninh của khách hàng và phi hành đoàn luôn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi".
Chiếc Boeing này sẽ sớm được sữa chữa và kiểm tra kỹ càng trước khi quay trở lại hoạt động.
Sét đánh máy bay có hiếm gặp?
Trên thực tế, có không ít lần máy bay bị sét đánh và có nguy cơ gặp phải hiện tượng nguy hiểm này thường xuyên hơn chúng ta vẫn nghĩ.
Patrick Smith, một phi công đồng thời là tác giả của cuốn Cockpit confidential (tạm dịch là "Những điều cơ mật trong buồng lái") cho biết, máy bay có thể bị sét đánh nhiều hơn so với chúng ta tưởng tượng.
Mỗi máy bay trung bình có thể bị sét đánh một lần trong khoảng thời gian hai hoặc ba năm. Tuy nhiên, chúng được thiết kế để thích nghi với điều đó.
Máy bay được thiết kế và cấu tạo để "ứng phó" với sấm sét. Ảnh: Viaggi.corriere.it
Cụ thể, nhờ cấu tạo và lớp vỏ ngoài bằng nhôm nên luồng điện từ sấm sét không gây ảnh hưởng đến hành khách trong cabin mà có hay chăng chỉ gây hư hỏng nhẹ ở bên ngoài máy bay.
Tuy nhiên, không phải vì vậy mà sét đánh không đáng ngại với máy bay. Vụ thảm họa hàng không "kinh hoàng" duy nhất liên quan đến sét đánh được ghi nhận đó là chuyến bay 214 của Hãng hàng không Pan American World Airways (Mỹ) vào ngày 8/12/1963.
Chuyến bay xấu số bị sét đánh trúng khiến cho toàn bộ 73 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng khi máy bay rơi xuống ở bang Maryland (Mỹ).
Theo các nhà nghiên cứu, những trường hợp máy bay bị sét đánh trúng xảy ra khi bay qua các đám mây vũ tích ở độ cao từ 2.000 đến 5.000 m.
Nguồn: Telegraph, IBtimes