Theo truyền thông Trung Quốc, cô Lưu là nhân viên của một công ty trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ở Trùng Khánh, Trung Quốc. Vào ngày nghỉ của mình, cô Lưu bất ngờ nhận được cuộc gọi từ người giám sát công ty, yêu cầu cô đến gặp khách hàng ngay lập tức.
Tuy nhiên, không hài lòng với cách làm việc của giám sát viên, cô Lưu từ chối và cho biết, cô vốn đã đàm phán xong xuôi với khách hàng, không cần phải tốn thời gian, làm việc trong ngày nghỉ.
Sau đó, cảm thấy không vui, cô Lưu đăng tải lên mạng xã hội dòng trạng thái: "Mọi người thân mến, nếu sắp xếp lịch làm việc vào thứ Bảy và Chủ Nhật thì đừng gọi điện cho tôi, tôi cần nghỉ ngơi, cảm ơn nhiều!".
Thật bất ngờ, hai ngày sau cô Lưu nhận được cuộc gọi từ người giám sát công ty, yêu cầu cô không cần đến làm việc nữa vì dòng trạng thái của cô đăng tải lên mạng xã hội đã vi phạm nghiêm trọng quy định của công ty, ảnh hưởng đến bầu không khí tập thể, làm hỏng hình ảnh của công ty đồng thời gây ra hậu quả tiêu cực nghiêm trọng cho công ty, buộc phải chấm dứt hợp đồng.
Không ngờ lại bị sa thải chỉ vì một dòng trạng thái bất mãn, cô Lưu cảm thấy không công bằng. Sau khi trao đổi với công ty, cô đồng ý chấm dứt hợp đồng làm việc và yêu cầu bồi thường theo hợp đồng nhưng công ty từ chối. Cô Lưu lập tức kiện ra tòa yêu cầu công ty bồi thường. Tòa án cho rằng hành vi của cô Lưu tuy không phù hợp nhưng không thể coi là có ảnh hưởng nghiêm trọng đến công ty và không đến mức không hoạt động, lơ là nhiệm vụ hoặc không tuân thủ quản lý và sắp xếp công việc. Hơn nữa, đó là ngày nghỉ chính đáng của cô Lưu.
Theo các điều khoản liên quan trong hợp đồng, cuối cùng tòa án đã ra phán quyết công ty phải bồi thường cho cô Lưu tổng cộng hơn 49.000 nhân dân tệ (172 triệu đồng).