Sự việc này diễn ra từ năm 2021. Song cứ đến dịp cuối năm, câu chuyện này lại được chia sẻ trở lại và thu hút sự chú ý của nhiều người.
Lưu Đan (36 tuổi) là nhân viên tại một công ty chăm sóc sức khỏe tại Hàng Châu, Trung Quốc. Vào một ngày tháng 12/2021, sau khi làm việc liên tục 12 tiếng, từ 9h sáng đến 9h tối, cô đột nhiên được yêu cầu ở lại tập văn nghệ nhằm chuẩn bị cho bữa tiệc liên hoan cuối năm. Do đã quá mệt sau ngày dài làm việc, lại nhận được thông báo báo bất ngờ, cô Lưu trở về nhà luôn và không tham gia buổi tập cùng các đồng nghiệp khác.
Ngày hôm sau, Lưu Đan đến công ty làm việc thì được yêu cầu gặp quản lý để nói chuyện. Trong cuộc trò chuyện này, vị quản lý thông báo cô bị luân chuyển xuống vị trí cấp thấp hơn. Người này không quên nhắc nhở nữ nhân viên dù ở vị trí nào cũng cần tuân thủ các nội quy của công ty.
Cảm thấy không hài lòng với quyết định của công ty, Lưu Đan quyết định xin nghỉ việc. Không ngờ ngay khi cô nộp đơn xin nghỉ và chưa được chấp thuận, công ty đã gửi cô thông báo sa thải ngay sau đó. Nội dung trong đó đề cập lý do: Không tuân thủ sự sắp xếp của công ty. Đồng thời, người đại diện công ty cho biết sẽ không bồi thường bất kỳ khoản tiền nào. Bởi trong trường hợp này, cô Lưu là người vi phạm nội quy và yêu cầu của lãnh đạo.
Cho rằng công ty chấm dứt hợp đồng một cách vô lý mà không bồi thường là vi phạm pháp luật, nữ nhân viên này quyết định đưa vụ việc ra tòa án địa phương.
Thẩm phán giải quyết vụ việc này cho biết, theo Điều 25 của Luật Hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có thể chấm dứt hợp đồng lao động nếu người lao động thuộc một trong những trường hợp sau: Những người được chứng minh là không đáp ứng các điều kiện làm việc trong thời gian công tác; vi phạm nghiêm trọng kỷ luật lao động hoặc nội quy, quy định của người sử dụng lao động; lơ là nhiệm vụ quan trọng, vì lợi ích cá nhân mà gây thiệt hại đáng kể đến lợi ích của người sử dụng lao động.
Ở trường hợp này của Lưu Đan, việc không tham gia hoạt động văn nghệ không nằm trong quy định hợp đồng của công ty. Nên việc công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động là trái với luật lao động của Trung Quốc.
Chưa hết, theo điều 40 Luật Hợp đồng lao động Trung Quốc, người sử dụng lao động có thể chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động trong một số trường hợp nhất định nhưng phải thông báo cho người lao động bằng văn bản trước 30 ngày. Ngoài ra, người sử dụng lao động có thể lựa chọn chấm dứt ngay hợp đồng lao động sau khi trả thêm cho người lao động một tháng lương.
Tuy nhiên, công ty nơi Lưu Đan làm việc không thông báo sa thải trước 30 ngày, lại từ chối bồi thường là hành vi vi phạm pháp luật.
Sau cùng, tòa án phán quyết doanh nghiệp này thua kiện phải bồi thường cho Lưu Đan theo đúng quy định, bao gồm tiền đền bù hợp đồng và tiền lương chưa thanh toán, tổng là 20.000 NDT (gần 70 triệu đồng).
Công ty không hài lòng với phán quyết của tòa án địa phương nên đã kháng cáo lên tòa án cấp cao. Tuy nhiên, tòa án cấp cao sau khi xem xét kỹ vụ việc đã bác bỏ đơn kháng cáo và giữ nguyên bản án ban đầu.
Vụ việc này sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Đa số bình luận đều bày tỏ sự bức xúc với cách hành xử cứng nhắc và quá đáng của phía công ty trên.
(Theo Toutiao)