Đó là kết luận rút ra sau chuyến công tác mới đây tới Afghanistan và Iraq của Hạ nghị sỹ Donald John Bacon, nguyên Chuẩn tướng Không quân Mỹ và là cựu sỹ quan chuyên về tác chiến điện tử.
Theo Bacon, mặc dù đã tích lũy được kinh nghiệm và thực tế cũng đã đạt nhiều tiến bộ về hoạt động chế áp hệ thống thông tin trong các cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan và Iraq nhưng Quân đội Mỹ vẫn gặp nhiều khó khăn bởi trang thiết bị cũ kỹ và được tiến hành theo một học thuyết lỗi thời, thậm chí ngay cả với những đối thủ có công nghệ thấp như vậy.
"Chúng ta chuẩn bị tương đối tốt cho các cuộc chiến công nghệ thấp như từng thấy ở Iraq và Afghanistan. Đó là những gì chúng ta đã làm. Nhưng với chiến tranh công nghệ cao, chúng ta chưa sẵn sàng", Bacon nhận xét.
Không có đất "dụng võ" ở Afghanistan và Iraq
Tại sao sau 16 năm tham chiến ở Afghanistan và Iraq, Mỹ mới chỉ chuẩn bị "tương đối tốt" cho hoạt động chế áp các hệ thống thông tin của khủng bố và phiến quân, mà phần lớn là lực lượng không được đào tạo, sử dụng những thiết bị điện tử lỗi thời?
Thứ nhất, trên thực tế, Mỹ chưa thực hành nhiều chiến dịch tấn công điện tử trong phần lớn thời gian 16 năm đó. Sự tập trung chủ yếu của Quân đội Mỹ dành cho 1 nhiệm vụ duy nhất: chế áp các loại bom điều khiển vô tuyến đặt bên đường (RCIEDS).
Thứ hai, bộ thiết bị Compass Calls đặt trên các máy bay EC-130H của Không quân – ban đầu được thiết kế để chế áp mạng lưới thông tin của kẻ thù cũng như máy bay tác chiến điện tử Prowlers dùng cho Hải quân và Thủy quân Lục chiến - được chế tạo để gây nhiễu radar phòng không, thực tế đã phải thay đổi mục đích để bảo vệ các xe chiến đấu bộ binh Humvee.
Số binh sỹ Mỹ và đồng minh tử nạn từ các loại mìn bộ binh tự chế đã khiến tất cả các sứ mệnh tác chiến điện tử khác bị đặt sang một bên.
EA-6B Prowler của Thủy quân Lục chiến Mỹ tham chiến tại Iraq
Khi Bacon tham gia phái đoàn Quốc hội Mỹ trong chuyến khảo sát tới Iraq và Afghanistan cuối năm vừa qua, ông đã nhận thấy có sự thay đổi.
Ở cả hai quốc gia, "chúng tôi nhận thấy có sự chuyển đổi lớn theo hướng làm suy giảm hệ thống thông tin của kẻ thù". Thay vì bảo vệ các phái đoàn, các đơn vị tác chiến điện tử của Mỹ đã gia tăng hoạt động tấn công, chế áp hệ thống vô tuyến khiến khủng bố không thể điều phối chiến thuật hay kêu gọi tăng cường lực lượng khi bị các lính đặc nhiệm Mỹ tấn công.
Đó là tiến bộ lớn, khôi phục được vai trò của các hệ thống như Compass Call về đúng vai trò, chức năng ban đầu của chúng. Tuy nhiên, theo Bacon, Mỹ vẫn còn quá ít các phương tiện tác chiến điện tử (EW) và rất nhiều trong số đó lại quá cũ.
"Hải quân có thể tốt hơn các lực lượng khác", Bacon nói. "Họ đã thay thế phần lớn các máy bay tác chiến điện tử Prowlers lỗi thời bằng EA-18G Growlers mới, nhưng Lục quân và Không quân thì vẫn còn để chuyên môn tác chiến điện tử của họ héo mòn".
Lục quân Mỹ không có hệ thống chế áp điện tử tiêu chuẩn nào mặc dù có một số thiết bị đang được chế tạo và triển khai vội vã tới châu Âu. Không quân có Compass Call nhưng đó lại là hệ thống chậm chạm và nặng nền được phát triển từ vận tải cơ C-130, trong khi loại máy bay này lại đang trở nên lỗi thời.
Không quân Mỹ muốn chuyển đổi bộ thiết bị tác chiến điện tử Compass Call sang một máy bay thương mại có kích thước nhỏ hơn và mới hơn (EC-X) nhưng cho tới nay vẫn chưa mua được chiếc nào.
"Chúng ta đang dùng các máy bay trang bị Compass Call nhưng để duy trì chúng còn khó nữa là", Bacon cho biết. "Chúng ta đang đưa EC-130 tới địa bàn mục tiêu nhưng lại không có số lượng đủ lớn".
Mặc dù tác chiến điện tử ở Afghanistan và Iraq đã đạt những tiến bộ nhất định nhưng "chúng ta vẫn còn phải dựa nhiều vào các máy bay. Đó là lý do tại sao tôi nói chưa chuẩn bị sẵn sàng".
Mối đe dọa đến từ S-400 của Nga
Với chiến tranh công nghệ cao, mọi việc thậm chí sẽ còn khó khăn hơn. Các phương tiện chế áp điện tử truyền thống không phải là các máy bay tàng hình, vì vậy chúng phải phụ thuộc vào khoảng cách nếu không muốn bị các hệ thống phòng không đe dọa.
Theo Bacon, điều này lại càng trở nên khó khăn và nguy hiểm hơn với Mỹ khi các tên lửa đất đối không của Nga đang không ngừng gia tăng tầm bắn. Hệ thống phòng không S-400 tân tiến của Nga có thể đạt tới tầm bắn 400 km.
Trong khi đó, các hệ thống tác chiến điện tử Compass Call cũ và EC-X mới của Không quân, Prowler cũ và Growler mới của Hải quân, tất cả đều nằm trong tầm với của S-400. Đó là chưa kể tới các phương tiện hỗ trợ như máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không (AWACS).
Hệ thống phòng không S-400 Triumph của Nga thực chiến
Điều đó giải thích tại sao Mỹ cần phải có các phương tiện chế áp "xâm nhập" mục tiêu, Bacon đề xuất.
Các máy bay tàng hình có thể bay vào không phận của đối phương để thực hiện nhiệm vụ tác chiến điện tử ở những khoảng cách gần. Mặc dù chúng có thể khó bị ngắm bắn nhưng không phải là không thể.
Theo Bacon, các máy bay chiến đấu đa năng F-35 có thể đảm trách vai trò đó dù các khả năng tác chiến điện tử của nó chưa được công khai. Trong tương lai gần, Bacon muốn F-35 trở thành một cỗ máy cảm biến tàng hình khổng lồ, thực hiện các nhiệm vụ do thám tiên phong cho các lực lượng tấn công chính.
Tất nhiên, một chiếc máy bay không giải quyết được vấn đề. Mỹ cần phải có một lực lượng cân bằng giữa các máy bay tác chiến điện tử có người lái và không người lái, giữa tàng hình và không tàng hình.
"Tàng hình bản thân nó không phải là viên đạn thần kỳ. Tàng hình phải được hỗ trợ bởi các phương tiện tác chiến điện tử xung quanh", Bacon nhấn mạnh.
"Tàng hình giảm được sự phát hiện của radar nhưng không thể loại bỏ hoàn toàn. Trước khi điều động B-2 hay B-21 bay tới mục tiêu, cần phải có một số dạng hỗ trợ nào đó về tác chiến điện tử, trong một cuộc chiến tranh công nghệ cao tinh vi và phức tạp".
B-2 là máy bay ném bom tàng hình nổi tiếng được phát triển từ những năm 1980. B-21 là mẫu kế cận ở Thế kỷ 21, loại có thể sẽ được trang bị các khả năng tác chiến điện tử và do thám cũng như ném bom nhưng lại vẫn còn đang phát triển.
Các lực lượng Quân đội Mỹ hiện đang tiến hành một nghiên cứu chung về tấn công điện tử trên không trong tương lai. Nhưng Bacon lại cho rằng, trước khi mua sắm các loại phương tiện tác chiến điện tử mới thì Mỹ cần phải tính toán xem cách thức sử dụng như thế nào.
"Tôi không nghĩ chúng ta đang có cách tiếp cận học thuyết đúng", Bacon nói. "Đôi khi chúng ta chỉ nghĩ tới các hệ thống vũ khí nhưng nếu không có nền tảng lý thuyết đúng, thì hệ thống không thể phù hợp".
Bacon cho rằng, phổ vô tuyến – nơi diễn ra các hoạt động tác chiến điện tử cần phải được chính thức coi như một môi trường tác chiến tương đương với các môi trường trên không, trên bộ, trên biển, trên vũ trụ và trong không gian mạng.
"Các đồng nghiệp của chúng ta không coi phổ điện từ trường là môi trường giữ vai trò chi phối và chiếm ưu thế trong tương lai. Đó là một vấn đề".