Chẳng ai có thể ngờ, những nhát cuốc vô tình của lão nông xuống cửa hang rắn đã mở ra một kho báu chứa toàn cổ vật nghìn năm, tầm cỡ quốc gia tại Trung Quốc.
Vào năm 1975, vợ chồng lão nông ở một ngôi làng thuộc thành phố Bảo Kê, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc đang cùng nhau làm đồng thì người chồng bất ngờ bị rắn cắn. May mắn cho vợ chồng lão, con rắn này không phải là loài rắn độc.
Tuy nhiên, vì vết cắn gây đau nhức và chảy máu nên lão quyết định vác cuốc đuổi theo trả thù. Thấy con rắn trườn nhanh vào hố, lão nông dùng cuốc xới tung cái hố lên. Kỳ lạ thay, dù đào rất sâu lần theo cái hố, lão vẫn không tìm thấy con rắn.
Sinh nghi, lão cùng vợ tiếp tục đào. Không lâu sau, cả người lão sụp xuống một cái hang rộng, sâu hàng chục mét. Sau khi trấn tĩnh một hồi, lão phát hiện bên dưới cái hố mà con rắn chui vào là một cái hang lớn, chứa rất nhiều cổ vật.
Thứ lão ấn tượng nhất là những chiếc bình đồng, bên trong chứa rất nhiều đồng tiền xu xưa. Mặc dù người nông dân già không biết chính xác giá trị của những đồng tiền này nhưng ông biết chúng là đồ quý hiếm vì thường xuyên theo dõi các chương trình thẩm định cổ vật trên TV.
Lão thầm nghĩ, bị con rắn (không độc) cắn lại là điềm may. Vợ chồng lão quyết định chuyển toàn bộ cổ vật bằng đồng lên. Có tổng cộng 37 chiếc bình đồng, họa tiết tinh xảo, đẹp đẽ, được vợ chồng lão nông bí mật mang về nhà.
Cảnh sát ập đến nhà!
Tuy nhiên, cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Chuyện vợ chồng lão nông đào được đồng đã lan truyền khắp làng. Sau khi hay tin từ lãnh đạo thôn, cảnh sát lập tức ập đến nhà lão.
Họ cảnh báo lão nông không được bán bất cứ cổ vật nào và phải chờ cấp trên kiểm tra. Sau khi các chuyên gia khảo cổ tìm đến nơi, họ xác nhận tất cả cổ vật bằng đồng quý hiếm này đều là di tích văn hóa từ thời Tây Chu (1046 TCN – 771 TCN) cách đây gần 3.000 năm!
Có thể nói, những cổ vật này thuộc loại siêu hiếm có vì chúng là một trong những sản phẩm thể hiện kỹ nghệ đúc đồng đỉnh cao của người Trung Hoa cổ đại, ở vào thời trước cả 2 thời kỳ Xuân Thu và Chiến Quốc trong lịch sử quốc gia này.
Dù có phần đáng trách vợ chồng lão nông vì định bí mật độc chiếm loạt cổ vật có giá trị nghiên cứu văn hóa rất lớn này, nhưng cảnh sát và các chuyên gia khảo cổ vẫn hàm ơn vợ chồng lão vì có công phát hiện một trong những kho báu đáng giá nhất đối với nước nhà. Thêm nữa, việc vợ chồng lão không vội vàng đem bán cổ vật đổi lấy tiền cũng là một cách cứu kho báu này khỏi những tay buôn lậu đồ cổ, đồng thời tránh được việc vợ chồng lão bị bỏ tù vì độc chiếm di tích văn hóa.
Với kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm dày dặn, các chuyên gia khảo cổ quyết định nhờ lão nông phối hợp dẫn tới vị trí phát hiện kho báu. Rất có thể đó là đồ tùy táng của cổ mộ nghìn năm chăng?
"Thanh Đồng Pháp Điển" cổ nhất lịch sử Trung Hoa
Sau khi chuyên gia đến, họ phát hiện đó không phải là một ngôi mộ cổ mà là kho lưu trữ từ thời Tây Chu. Tiến hành khảo sát thực địa, họ tìm được thêm một chiếc bình đồng có khắc dòng chữ dài 157 từ, gọi là Mã Đồng [Hiểu đơn giản là bản án liên quan đến luật lệ được khắc trên đồng thời Tây Chu].
Tháng 8/2024, website của quận Đông Thành (thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc) đăng tải bài viết về Mã Đồng - mệnh danh là "Thanh Đồng Pháp Điển - 青铜法典" cổ nhất trong lịch sử khai quật khảo cổ học Trung Quốc tính cho đến nay.
Theo đó, chiếc bình đồng này (chứa Mã Đồng bên trong thân bình) cao 20,5cm, sâu 12cm, rộng 17,5cm, dài 31,5cm và nặng gần 4kg. Hình dáng tổng thể của bình giống như một "con thú dễ thương". Cổ vật này thuộc về thời kỳ giữa của triều đại Tây Chu.
Đối chiếu sử liệu, chuyên gia sử học cho biết, đồ đồng khá phổ biến thời Tây Chu. Người thời này dùng đồng để làm vũ khí, chế tác nhạc cụ, đồ thờ phụng, cưới hỏi.
Giới chuyên gia kết luật đây là một dụng cụ tưới nước được các quý tộc thời xưa sử dụng trong các hoạt động nghi lễ. Theo các văn bản cổ, bình tưới nước này dùng để tẩy uế tay, mặt - đây là một trong những nghi thức quan trọng ở Trung Quốc cổ đại cần phải thực hiện trước khi chiêu đãi khách, cúng tế hoặc làm lễ thành thân.
Không chỉ dùng các bình đồng làm vật dụng quan trọng, người Tây Chu còn khắc chữ trên bình đồng để ghi lại các sự kiện liên quan đến luật lệ quan trọng của tầng lớp quý tộc sở hữu nô lệ thời bấy giờ.
Sau khi giải mã Mã Đồng, chuyên gia xác nhận rằng đó là những dòng chữ ghi lại bản án từ một vụ kiện dân sự 3000 năm trước, có tên bản án "Vụ chăn bò". Điều hiếm hơn nữa là những dòng chữ này được viết trong một khoảng thời gian ngắn, rất xúc tích nhưng lại bao hàm nội dung pháp lý hết sức phong phú.
Điều này cho thấy thời Tây Chu đã có đầy đủ các thủ tục tư pháp như xét xử, đối chất, hòa giải, tuyên án, giảm án, thi hành án, nộp phạt, quản lý giấy tờ. Sử gia nhận định, đây là phán quyết tố tụng sớm nhất và đầy đủ nhất được tìm thấy ở Trung Quốc, do đó nó được mệnh danh là "Thanh Đồng Pháp Điển".
Thông qua Mã Đồng này, các chuyên gia nắm được những thông tin quý giá cho thế hệ tương lai nghiên cứu nghi lễ và hệ thống luật lệ thời Tây Chu. Đó là lý do, "Thanh Đồng Pháp Điển" thời Tây Chu được Trung Quốc xếp vào hàng di tích cấp quốc gia, cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Tham khảo: Cổng thông tin quận Đông Thành (Bắc Kinh, Trung Quốc) Sohu, Baidu