PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia Công nghệ thực phẩm cho biết, về nguyên tắc, cá và thịt đều cung cấp protein cho con người. Đây là 2 thực phẩm giàu chất đạm (protein) cực kỳ quan trọng để xây dựng cơ thể.
Tuy nhiên, trong 2 nhóm protein từ cá và thịt thì protein từ cá sẽ mang lại nhiều lợi ích sức khỏe hơn. Do protein từ cá khi ăn vào cơ thể sẽ dễ tiêu hoá, hấp thu nên sẽ tốt cho cơ thể. Hệ số tiêu hoá protein của cá từ 80-90%, còn của thịt thì không được như vậy.
Để có thể hiểu rõ hơn về vấn đề đạm cá dễ hấp thu, PGS Thịnh giải thích, cấu trúc thịt cá thường rất lỏng lẻo nên sẽ dễ tiêu hoá. Còn đối với thịt, cơ và cấu trúc của thịt rất bền, dai, khó tiêu hoá. Khi ăn thịt phải ninh kỹ, nhừ mới dễ tiêu hoá còn nấu cháy cạnh, nướng thì sẽ khó tiêu hoá hơn.
Còn theo TS Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam, chất đạm trong cá có các acid amin cần thiết như: lysin, tirozin, tryptophan, systin, methionin cao hơn thịt và dễ tiêu hóa, dễ hấp thu hơn so với thịt.
Trong cá còn có Phosphatid tham gia tích cực vào quá trình chuyển hóa mỡ, ngăn ngừa tích lũy cholesterol, thúc đẩy quá trình bài xuất cholesterol ra khỏi cơ thể.
Trong cá có nhiều vitamin quan trọng như vitamin A, vitamin D, Vitamin nhóm B (B1, B2, B12)… và một số vi chất như đồng, coban, kẽm, i-ốt. Trong cá còn có chất DHA đóng vai trò quan trọng trong quá trình sinh trưởng của tế bào não và hệ thần kinh.
Bữa ăn của người Nhật, ảnh ST
Theo TS. Từ Ngữ chất béo trong cá cũng tốt hơn so với chất béo trong thịt vì có nhiều omega 3,6,9 tốt cho các hoạt động của cơ thể, trong đó có tim mạch
Còn các loại thịt như thịt lợn, thịt bò… thường có chứa nhiều sắt. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển hóa, thịt có thể sản sinh ra các sản phẩm trung gian gây độc cho cơ thể, đặc biệt là trong thịt mỡ chứa nhiều acid béo no.
Sống thọ nhờ thói quen ăn nhiều cá
Theo số liệu của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản năm 2020, tuổi thọ bình quân của nữ giới ở nước này là 87,74 tuổi, tăng 0,3 tuổi so với năm 2019, và 81,64 tuổi đối với nam giới, tăng 0,22 tuổi. Tuổi thọ bình quân của cả nam giới và nữ giới ở Nhật Bản tăng cao kỷ lục trên thế giới.
PGS Thịnh cho rằng: "Nhật Bản là quốc gia có diện tích biển lớn nên sản lượng cá đánh bắt hàng năm rất lớn. Cũng vì lẽ đó mà người Nhật thường ăn cá nhiều. Việc thường xuyên ăn cá là một trong những yếu tố góp phần giúp tăng tuổi thọ".
Theo chuyên gia công nghệ thực phẩm, tuổi thọ của con người do nhiều yếu tố quyết định: thói quen ăn uống, lối sống, môi trường sống… Do vậy, một lối sống tốt, ăn uống khoa học có thể góp phần giúp gia tăng tuổi thọ. Ở Việt Nam, thực phẩm rất đa dạng phong phú từ thịt, cá, rau, hoa quả do vậy nếu chúng ta có một chế độ ăn khoa học, đa dạng thì cũng có thể cải thiện được sức khoẻ, nâng cao tuổi thọ.
Bên cạnh ăn uống, việc rèn luyện thể dục thể thao cũng rất quan trọng. Vì thói quen tĩnh tại sẽ góp phần làm gia tăng nhiều căn bệnh liên quan tới chuyển hoá của cơ thể như: đái tháo đường, rối loạn mỡ máu… Do vậy, mọi người nên dành 30 phút tập luyện mỗi ngày để nâng cao sức khỏe, sức đề kháng giúp cơ thể phòng ngừa và chống chọi với bệnh tật tốt hơn.