Jang Kều tên thật là Phạm Thị Hương Giang. Chị sinh năm 1979, từng theo học Quản lý Dự án Phát triển Cộng đồng của Học viện Công nghệ Châu Á (AIT), Thái Lan; thạc sĩ chuyên ngành Kinh doanh và Tài chính Quốc tế, trường Đại học Kyung Hee, Hàn Quốc. Chị cũng từng là quản lý dự án của UNDP – Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam;
Chị hiện là Chủ tịch tập đoàn GroupG Asia Pacific (Singapore); Sáng lập & chuyên gia tư vấn chiến lược thương hiệu, chiến lược CSR cho doanh nghiệp - G'Brand; Sáng lập & Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ & Phát triển Cộng đồng Sống bền vững (Sống Foundation) trong đó có các dự án Nhà chống lũ, dự án Làng hạnh phúc, dự án Hạnh phúc xanh, dự án Công viên Hạnh Phúc Xanh và dự án Forest Symphony.
Forbes Việt Nam chọn chị vào top 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019.
Nhà đồng sang lập PayPal, Peter Thiel đã thừa nhận, ông ta muốn sống mãi: "Tôi nghĩ có 3 cách tiếp cận chính với cái chết. Anh có thể chấp nhận nó, anh có thể chối bỏ nó, hoặc anh có thể chiến đấu với nó. Xã hội của chúng ta bây giờ đầy rẫy những người có xu hướng chấp nhận hoặc chối bỏ, nhưng tôi khoái chiến đấu với nó hơn."
Không ai rõ là Thiel có thể bất tử được hay không, nhưng rõ ràng khi đối diện với lời khuyên hãy "sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng bạn được sống" để luôn có được hạnh phúc, ông đã làm điều ngược lại.
"Cách tốt nhất để đón nhận lời khuyên này là làm điều ngược lại. Hãy sống mỗi ngày như thể bạn còn sống mãi mãi. Điều đó có nghĩa là bạn hãy đối xử với mọi người xung quanh như thể họ còn ở quanh bạn rất rất lâu nữa. Chính vì vậy mà những thứ bạn làm hôm nay thực sự rất quan trọng vì chúng sẽ có ảnh hưởng ngày càng lớn về lâu về dài", Thiel quả quyết.
Cách nghĩ đó, có vẻ tương đồng với những gì tôi đang hành động.
Với tôi, con trai mình là người quan trọng nhất trong đời. Còn điều tôi yêu thích trong cuộc sống này là trồng được thật nhiều cây xanh. Làm được những điều tốt đẹp nhất cho hai đối tượng này: con trai và cây xanh, một cách lâu dài, chính là động lực để tôi sống mỗi ngày. Và những ngày được sống theo cách đó như thể là tôi được sống mãi mãi.
Vậy nên, khi đối diện với giả định vô thường mà có thể ai cũng phải một lần trong đời suy nghĩ: Nếu chỉ còn một ngày để sống, tôi sẽ lựa chọn được bên cạnh con trai mình, và cùng chàng trai ấy thực hiện dự án trồng rừng Forest Symphony mà tôi vô cùng tâm huyết.
Con trai tôi là một cậu bé mắc chứng tự kỉ. Con vô cùng hiền, luôn nhẹ nhàng và yêu mến thiên nhiên. Con đặc biệt thích ở ngoài trời, chơi với cây cỏ và đất cát, với ánh nắng mặt trời và sóng biển. Thực ra, tôi đã rất nhiều lần cho con tham gia các chuyến đi bàn giao và khảo sát xây Nhà Chống Lũ. Tuy nhiên, đến hôm nay, con vẫn chưa có cơ hội được cùng mẹ và các bạn bè của mẹ trồng cây.
Vào một buổi chiều muộn khi hai mẹ con đang ươm một mầm cây trong vườn nhà. Cùng nhau nhìn mầm cây, tôi đã quên mất căn bệnh của con mình mà hỏi: "Khi lớn lên, con muốn làm gì?" Cậu bé có lẽ cũng đã nhờ mầm xanh ấy mà trả lời rành rọt: "Trồng cây". Những ngày ĐƯỢC SỐNG của tôi từ đó về sau, tôi đã nguyện trên từng hành trình sống của mình, tôi sẽ cùng con, cùng mọi người chung tay trồng cây, chung tay chia sẻ niềm vui kết nối cộng đồng và kết nối với thiên nhiên. Tôi gọi đó Hạnh Phúc Xanh.
Jang Kều cùng con của chị trong một dự án cây xanh; ảnh bên phải là không gian xanh mướt của gia đình chị.
Tôi luôn đối xử với cây xanh như là những người bạn gắn bó dài lâu với tôi, con tôi và cộng đồng. Chính vì vậy, những việc tôi làm cho cây xanh hôm nay đối với tôi thực sự vô cùng quan trọng vì chúng sẽ có ảnh hưởng ngày càng lớn về lâu về dài.
Forest Symphony là một điều đặc biệt trong chuỗi ngày tôi còn được sống. Qua dự án này, tôi kêu gọi mọi người cùng nhau vào rừng trồng 1 triệu cây, rồi cắm trại, thiền và cùng thưởng thức một chương trình âm nhạc mà tôi và đồng nghiệp của mình tạm gọi là Giao hưởng Rừng xanh (Forest Symphony).
Chương trình âm nhạc đó sẽ là sự kết hợp giữa âm nhạc dân tộc và âm nhạc đương đại, giữa âm thanh hiện đại, truyền thống và thanh âm của thiên nhiên như tiếng suối, tiếng lá cây, tiếng chim hót… được thực hiện bởi những nghệ sỹ chuyên nghiệp và những nghệ nhân bản địa. Bản giao hưởng ấy sẽ mang đến cho những người tham gia niềm hạnh phúc mà tôi cho là tuyệt vời nhất: những giây phút bình yên trong rừng để kết nối với chính mình, những cơ hội được kết nối với người khác, và hơn hết đó là được kết nối với thiên nhiên. Chỉ khi con người sống hài hòa và khiêm nhường với thiên nhiên, con người mới thực sự biết yêu thương những gì xung quanh mình, kể cả con người hay vật chất.
Tôi và cộng sự của mình trong Sống Foundation đang chuẩn bị để hi vọng rằng có thể tổ chức chương trình đầu tiên của dự án Forest Symphony vào năm 2020.
Chúng tôi cũng đã viết Hạnh Phúc Xanh với kế hoạch 70 năm. Vì theo tính toán, 70 năm là thời gian tối thiểu để hồi phục được rừng đầu nguồn ở Việt Nam. Và trước khi đến được với rừng, chúng ta cần bắt đầu trồng cây ngay trong nhà mình, ngay tại nơi mình làm việc. Rồi cây xanh trên các tuyến đường, cây trong công viên cần phải được trồng trước nhất để tăng nhận thức của người thành phố, những người có tiền, có ảnh hưởng và từ đó khuyến khích họ tham gia chung tay trồng và tái tạo rừng tự nhiên.
Kế hoạch sẽ là 10 năm trồng cây đô thị, 20 năm trồng cây ven biển, ven sông và 70 năm trồng cây rừng.
Lịch trình trong tháng 7/2019 sẽ trồng rừng Hạnh Phúc Xanh ở ven biển Cù Lao Dung, Sóc Trăng, tháng 9 sẽ làm Công viên Hạnh Phúc Xanh ở Cửa Đại. Rồi tháng 9 tháng 10 là trồng rừng Hà Tĩnh. Tháng 5/2020 là ở Tây Nguyên theo dự án Forest Symphony kết hợp trồng rừng và các hoạt động âm nhạc và cộng đồng...
Rồi cứ thế, kẽo kẹt trồng, đến 2090.
Jang Kều trong chuyến khảo sát đầu tiên tại Tây Nguyên cho dự án Forest Symphony. Trong ảnh nhỏ bên trái, đứng giữa là nhà văn Nguyên Ngọc, người bạn lớn của Jang Kều và cũng là chuyên gia tư vấn về văn hóa Tây Nguyên cho dự án Forest Symphony.
Và nước mình sẽ phục hồi được rừng khi cứ trung bình mỗi năm chúng ta trồng được 1,5 triệu cây. Ban đầu có thể chậm, có thể chưa khiến cộng đồng quan tâm, nhưng tôi tin, khi chúng ta cùng hiểu về cây xanh, hiểu về rừng, cộng đồng chung tay, chúng ta trồng rừng một cách chuyên nghiệp. Đất nước mình sẽ có 100 triệu cây sau 70 năm.
Kế hoạch của tôi là vậy. Bận rộn và XANH, nên nếu chỉ còn 1 ngày hay còn đến cả 70 năm nữa để sống, tôi cũng sẽ trung thành với chính kế hoạch HẠNH PHÚC XANH đó của mình.
Một kế hoạch hoàn hảo cho ngày cuối trong đời mình, đó là tôi được bên cạnh con và hai chúng tôi sẽ tham dự Forest Symphony, để chúng tôi có thể cùng nhau làm những điều có ý nghĩa, để con trai của tôi có thể được đắm mình trong thiên nhiên. Đương nhiên, là tôi sẽ tận hưởng 1 ngày cuối đó triệt để, tôi còn hẳn một buổi tối cuối cùng nữa cơ mà. Chúng tôi sẽ ngủ trong rừng và cùng lặng im tận hưởng niềm hạnh phúc khi nghĩ về một ngày vô cùng ý nghĩa mà chúng tôi đã sống, đã tận hiến cho thiên nhiên, cho vũ trụ, và cho những gì tốt đẹp nhất trong cuộc sống này.
LTS: Trong cuộc sống, chúng ta cứ lao đi vun vút nhưng đã bao giờ chậm lại để tự hỏi mình: Thứ gì mới là quý giá nhất trong cuộc đời mình? Sức khỏe, con cái, bố mẹ, anh em, bè bạn quý hơn tiền bạc, địa vị, danh vọng quý hơn? Mỗi ngày, chúng ta đã làm những gì cho những điều chúng ta cho là quý giá nhất?
Chuyên mục NẾU CHỈ CÒN 1 NGÀY ĐỂ SỐNG, với sự tham gia của những gương mặt tên tuổi sẽ góp phần giải mã những câu hỏi vừa dễ vừa khó ấy.