Không cần một vé đi tuổi thơ, bởi căn phòng làm đồ chơi dân gian của ông Nguyễn Kim Hạnh (74 tuổi, quê Trảng Bàng, Tây Ninh) đã tràn ngập đồ chơi thế hệ 8x, 9x.
Những câu truyện cổ tích, chuyện tiếu lâm mà ông Hạnh kể cho khách đến chơi cũng đưa người ta về lại với tuổi thơ bé, rồi mỉm cười nhận ra đây rồi tuổi thơ tôi.
Món đồ chơi của ông Hạnh chỉ là tấm nhựa được tạo hình thành các con vật khác nhau. Sau đó, các con vật sẽ được gắn vào bánh xe làm bằng đất sét có quấn chỉ, người chơi điều khiển bằng cách kéo cao cọng chỉ, con vật sẽ tự chạy. Món đồ chơi đơn giản, nhưng đó là cả tuổi thơ đẹp của những đứa trẻ Sài Gòn, bởi 26 năm qua, không con đường nào ở Sài Gòn mà ông Hạnh không tới bán.
Để làm ra món đồ chơi này cần nhiều giai đoạn tỉ mỉ, lời ít, bán chậm đến người thường còn nản. Vậy mà hơn 26 năm nay, với đôi bàn tay co quắp của mình, ông Hạnh vẫn miệt mài giữ nghề, với mong ước trẻ con đừng mãi thụ động với các trò điện tử, điện thoại, hay máy tính bảng.
Thường ông bắt đầu làm đồ chơi từ lúc 9h sáng, khoàng 15h ông bắt đầu đi bán.
Vì đôi tay bị tật từ bé, nên ông Hạnh không khéo ở những công đoạn tỉ mỉ. Biết mình vẽ, cắt tỉa không đẹp nhưng ông vẫn muốn tự tay mình làm mà không nhờ vả ai. Ông thường thay thế đôi bàn tay cong veo của mình bằng chiếc kìm, không khéo léo nên bị kìm kẹp trúng tay là chuyện thường xuyên xảy ra.
Cả buổi sáng ông Sáu Hạnh làm được khoản hơn chục món đồ chơi với hình dáng nhiều con vật khác nhau, đầy màu sắc rực rỡ.
15h ông bắt đầu chuẩn bị đi bán. Ai cũng quen thuộc với hình dáng một ông già hàng đêm ngồi trước nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành, phố đi bộ Nguyễn Huệ,…với hai bàn tay cong queo điều khiển những con vật chạy trên nền đất.
Ông tận hưởng cuộc sống bằng cách làm đồ chơi, bán dạo tại mọi góc đường ở Sài Gòn, vì ông yêu nơi này, yêu những con đường rợp bóng mát, yêu người Sài Gòn hào sảng, yêu luôn làn xe cộ nhộn nhịp xung quanh.
Bí quyết hạnh phúc của ông chỉ đơn giản là: "Vì tôi biết tận hưởng cuộc sống riêng của mình, giờ các con tôi thành đạt cả rồi, chúng kêu tôi nghỉ làm, để chúng phụng dưỡng nhưng ở nhà buồn lắm. Sáng tôi tranh thủ làm đồ chơi, sau đó đi đánh cờ tướng với mấy ông bạn. Trưa về nghỉ ngơi, chiều đi bán, tối về ngủ. Vậy thời gian đâu để tôi buồn?"
Mỗi khi ngồi bán, ông Hạnh lại hát nghêu ngao những bài thơ mà ông sáng tác theo nhịp điệu dân gian: "Con rùa xanh chạy quanh hồ nước, chờ nước cạn ăn tôm ăn cá. Con rùa xanh chạy quanh hồ đá, chờ nước cạn, ăn cá ăn tôm…", mang đến sự bình yên cho góc phố Sài Gòn náo nhiệt.
Sài Gòn hiện nay có hàng ngàn món đồ chơi hấp dẫn hơn những con vật chạy bằng sợi chỉ này, thế nên đồ chơi của ông đã trở nên lỗi thời. Vì thế mà mỗi đêm ông chỉ bán được bài ba con, nhưng có khi ông còn hào phóng tặng cho mấy đứa trẻ nghèo đang đứng nhìn thích thú. Với ông, nhìn trẻ con chơi đồ chơi do mình làm, đã là một hạnh phúc.
Ngoài bán đồ chơi, ông Hạnh còn học thêm 4 ngoại ngữ: tiếng Anh, Pháp, Đức và tiếng Hoa. Để tiếp xúc với các du khách, muốn họ biết đến món đồ chơi truyền thống của Việt Nam, và thích chia sẻ với họ về Sài Gòn. Đôi khi quá… "hợp gơ", ông dọn hàng sớm rồi làm hướng dẫn viên du lịch miễn phí cho họ.
Số tiền đi bán không nhiều, ông để dành ăn quà và làm từ thiện tại hội người mù nơi ông ở, phần còn lại ông để dành đi du lịch. Ông tự hào khoe mình đã đi hết 2/3 đất nước, và đang để dành tiền để đi nốt miền Bắc. Thậm chí ông còn nuôi ước mơ đi du lịch đến Mỹ, Anh, Pháp… ông cười lớn cho biết: "để dành được 60 triệu, tôi sẽ đi Mỹ".
Ông Hạnh chia sẻ: "Tôi già rồi, còn chút sức thì ráng làm đồ chơi dân gian cho trẻ nhỏ. Một ngày tôi chỉ bán được vài con, nhưng như vậy cũng đủ rồi chỉ cần còn trẻ thích đồ chơi này thì tôi còn bán".
Ai cũng hỏi vì sao trông ông lúc nào cũng thư thái, nhẹ nhàng, ông chỉ đáp rằng: "Cuộc sống mà, không có bao nhiêu thời gian, mình cứ trải lòng với mọi người, có cho đi mới được nhận lại. Mang lại tiếng cười cho mọi người, cũng là đang mang lại niềm vui cho chính mình. Cứ sống sẻ chia, rồi mình sẽ an nhiên thôi".
Ông già bán đồ chơi nói ngoại ngữ như gió