Bí quyết giúp Pep Guardiola "lũng đoạn" từ La Liga cho tới Premier League

Nam Khánh |

Từ Barcelona tới Bayer Munich rồi Man City, Pep Guardiola biết cách xây dựng nên đế chế thống trị giải quốc nội.

1. Vào năm 2000, Ghostface Killah đã được biết đến như một trong những MC xuất sắc nhất hành tinh.

Anh từng là một thành viên không thể thiếu của Clan Wu-Tang, một nhóm hiphop có thể so sánh với AC Milan thời Arrigio Sacchi của thế giới bóng đá: Dữ dội đến mức đáng sợ, can đảm trong việc đưa ra những sáng tạo, đổi mới và áp đặt một sự thống trị tuyệt đối trong lĩnh vực của mình.

Năm 1996, anh phát hành Ironman, một album xuất sắc giúp khẳng định tên tuổi. Những bản thu âm tiếp theo của anh được dự đoán sẽ đi theo hướng tương tự.

Nhưng có đúng vậy không? Không, hoàn toàn sai rồi. Bởi vì Ghostface đã thay đổi phong cách của mình một cách đáng kể và thậm chí xuất sắc hơn trước rất nhiều.

Bí quyết giúp Pep Guardiola lũng đoạn từ La Liga cho tới Premier League - Ảnh 1.

Ghostface luôn đi tìm sự mới mẻ.

Album thứ hai của anh, Supreme Clientele – được viết sau một chuyến viếng thăm Berlin – đã tập trung khai thác các chủ để đang phổ biến như tình yêu, sự mất mát và chuộc lỗi, tất cả chúng đều được truyền tải qua chuỗi nhịp điệu hỗn loạn và những ẩn ý biến ảo.

Nếu mới nghe qua, nhiều người sẽ nghĩ nó là những thứ lảm nhảm, vô nghĩa, thế nhưng, càng về sau, nó càng được công nhận là một tác phẩm kinh điển.

2. Vậy, những chuyện trên thì có liên quan gì đến Pep Guardiola?

Tương tự như Ghostface Killah, Pep Guardiola cũng được biết đến với việc nhiều lần tự mình thực hiện những thay đổi, cải cách trong một lĩnh vực mang tính cạnh tranh cao, dựa vào một chút cải biên của một câu ngạn ngữ cũ: "Nếu nó không có vấn đề hay hỏng hóc gì, hãy cứ sửa đổi nó"(Câu gốc: Nếu nó đang yên ổn, thì đừng có thay đổi).

Ghostface đã bán được khoảng 800.000 bản trong album đầu tay của mình, nhưng anh thừa biết rằng, sự thành công của nó đã tạo ra vô số những kẻ bắt chước theo anh.

Cách duy nhất để luôn đi trước họ, chính là đưa thứ nghệ thuật của anh vào những phương hướng mà họ không thể nào lường trước được. Do khó có thể tìm ra một công thức chiến thắng trong âm nhạc hay bóng đá, nên không có gì ngạc nhiên với việc bạn sẽ quyết định gắn bó lâu dài với một công thức sau khi khám phá ra được nó.

Tuy nhiên, những con người thực sự vĩ đại sẽ luôn tiếp tục thúc đẩy bản thân trở nên hoàn thiện và xuất sắc hơn nữa ngay cả khi họ đã ngồi trên đỉnh cao, vì thứ mà họ đang phải chiến đấu – vượt qua, không chỉ là những thách thức ở thời điểm hiện tại, mà còn là tất cả những gì mà họ nhìn thấy được trong tương lai.

Chính vì vậy, không lâu sau khi Manchester City giành được chức vô địch Premier League với một thứ bóng đá tấn công tàn nhẫn và không kém phần quyến rũ, Pep đã quyết định mang đến một thách thức cho các tiền đạo ngôi sao của ông, khiến họ phải phấn đấu hơn nữa, bằng cách ký hợp đồng với Riyad Mahrez của Leicester City.

Và người cảm thấy vị trí của mình bị đe dọa nhiều nhất sau sự xuất hiện của Mahrez không ai khác chính là Leroy Sane - người được đánh giá là cầu thủ chạy cánh xuất sắc nhất của City mùa giải trước - với việc anh phải bắt đầu mùa giải mới trên băng ghế dự bị.

Bí quyết giúp Pep Guardiola lũng đoạn từ La Liga cho tới Premier League - Ảnh 2.

Mahrez là động lực mới cho Man City.

Vài tuần sau, cả hai cầu thủ này đều là những cái tên đã có những đóng góp rất quan trọng cho mặt trận tấn công của City, và đội bóng của Pep Guardiola càng lúc càng thể hiện sự áp đảo đối thủ hơn bao giờ hết (ít nhất là ở Premier League).

Đi dạy đời "tự mãn là kẻ thù của sự tiến bộ" thì rất dễ, nhưng rất khó để không cảm thấy tự mãn với những vinh quang đã đạt được, đặc biệt là khi bạn đã làm việc với đội hình mà mình tin tưởng trong một thời gian dài.

Sane bị loại khỏi danh sách đội hình tham dự World Cup 2018 của đội tuyển Đức, một quyết định đã bị đặt rất nhiều nghi vấn vào thời điểm đó và mang nặng tính bảo thủ.

Real Madrid là đội bóng đầu tiên trong lịch sử bảo vệ thành công chức vô địch UEFA Champions League, thế nhưng, họ cũng nổi bật vì sự sụp đổ chóng vánh của mình đến mức phải sa thải Lopetegui.

Một phần nguyên nhân của việc này là vì cũng giống như Đức tại kì World Cup năm nay, hay Tây Ban Nha của năm 2014, họ dường như đã mắc phải một trong những "căn bệnh" nguy hiểm nhất của bóng đá chuyên nghiệp: Sự thỏa mãn với những gì đã đạt được.

Roy Keane, đội trưởng của Manchester United thời đội bóng này vẫn còn là một ông vua ở NHA đã thú nhận rằng, ông chỉ cảm thấy thích thú và tận hưởng sự nghiệp của mình sau khi đã nghỉ hưu, còn những năm tháng dài trước đó, ông chỉ luôn nghĩ đến việc làm thế nào để tiếp tục chiến thắng.

Thế nhưng, các cầu thủ của Madrid có lẽ đã mất đi động lực sau khi đã quá no nê danh hiệu. Có thể nhận thấy rõ điều đó qua chuỗi phong độ tồi tệ gần đây, thứ cho ta thấy một đội bóng thiếu sự quyết tâm và lòng nhiệt huyết bền vững.

Hầu hết các đội bóng và nhà cầm quân danh tiếng đều khát khao thực hiện sự đổi mới (ít nhất là trong hoàn cảnh điều kiện tài chính cho phép họ làm điều đó).

Năm 1996, Sir Alex Ferguson, chỉ hai năm sau khi giành được cả hai gianh hiệu chức vô địch quốc gia và cúp quốc gia, đã tiếp tục tái lập thành tích đó lần nữa sau khi quyết định tiến hành đổi mới một nửa đội hình vốn đã được cho là xuất sắc nhất của ông.

Nhà cầm quân người Scotland đẩy đi Paul Ince, Mark Hughes và Andrei Kanchelskis, ba trong số những ngôi sao lớn nhất ngay trước khi mùa giải đó bắt đầu.

Sir Alex Ferguson không chỉ là một bậc thầy trong khả năng phát hiện và mang về đội bóng của mình các tài năng, mà còn nổi tiếng với việc thực hiện những thương vụ mang tính ngắn hạn để cải thiện, thúc đẩy một đội hình.

Bí quyết giúp Pep Guardiola lũng đoạn từ La Liga cho tới Premier League - Ảnh 4.

Sir Alex thành công lâu dài nhờ sẵn sàng thay máu đội hình, tin tưởng các tài năng trẻ.

Ví dụ cụ thể nhất, chính là mang Henrik Larsson về Old Trafford, theo một bảng hợp đồng cho mượn có thời hạn 2 tháng vào mùa giải 2006/2007, trong khoảng thời gian đó, cầu thủ kì cựu người Thụy Điển đã đóng một vai trò cực kì quan trọng để giúp United vượt qua Chelsea trong cuộc đua vô địch.

Tương tự như vậy, Ferguson đã thực hiện một thương vụ bom tấn để mang về Robin Van Persie từ đại kình địch Arsenal vào mùa hè năm 2012, và chính tiền đạo người Hà Lan đã trở thành đầu tàu để mang chức vô địch Premier League về cho United ngay trong mùa giải sau đó.

Tiếp theo, chúng ta có Diego Simeone của Atletico Madrid, người thường bị buộc phải bán đi những tiền đạo trung tâm xuất sắc nhất của mình sau mỗi mùa giải, vì vấn đề kinh tế.

Ngay trước khi Simeone đảm nhận chiếc ghế huấn luyện viên tại đây, câu lạc bộ này đã bán đi Sergio Aguero; kể từ đó họ đã chia tay với ít nhất là bốn tiền đạo trung tâm thuộc dạng khét tiếng của bóng đá châu Âu, như Radamel Falcao, Diego Costa, Diego Forlan và Mario Mandzukic.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đó, dù cho phải ở chung một sân chơi với hai con quái vật Real Madrid và Barcelona, El Pupas vẫn giành được một chức vô địch La Liga, một Copa del Rey, một Europa League, hai siêu cúp châu Âu và hai lần lọt vào trận chung kết UEFA Champions League.

3. Vậy, các câu lạc bộ lớn đã làm thế nào để có thể quản lý và xoay sở tốt với quá trình đổi mới, chuyển giao, điều mà rất nhiều đội bóng khác không thể làm được?

Nói chung, có ba lý do chính. Đầu tiên, như Atletico Madrid đã chỉ ra, một hệ thống trinh sát và học viện đào tạo với chất lượng cao nhất chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều, họ sẽ có thể nhanh chóng khai quật thêm các tài năng khác để thay thế cho những người đã bị bán đi.

Một ví dụ tương tự, Borrussia Dortmund, đội bóng đã mua lại Jadon Sancho từ Manchester City, cộng thêm sự phát triển của Christian Pusilic, đã giúp cho họ không phải chịu ảnh hưởng gì đáng kể sau khi để mất Ousmane Dembele.

Thứ hai, họ phải liên tục nhắc nhở những cầu thủ xuất sắc nhất của mình rằng, từng người trong số bọn họ đều là một mảnh ghép không thể thiếu của đội bóng.

Đầu những năm 1990, AC Milan của Fabio Capello đã làm được điều này, với việc duy trì một đội bóng xuất sắc đến mức người ta nhận định rằng đội hình một của họ dư sức vô địch World Cup, còn đội hình dự bị hoàn toàn có khả năng vô địch Serie A.

Thứ ba, và cũng là quan trọng nhất, là họ phải thực hiện "phương pháp tiếp cận kiểu Ghostface" – họ phải nhớ rằng vinh quang chỉ là một cơn gió thoáng qua và ngay trong thời điểm đạt được chiến thắng, bạn phải ngay lập tức lên kế hoạch cho tương lai.

Cho dù là liên quan đến chiến thuật, lối chơi, đội ngũ huấn luyện hay thậm chí là tất cả những yếu tố đó, thì cũng đều phải có sự thay đổi.

Barcelona, đã luôn kiên quyết nắm lấy những nguyên tắc trên. Ngay cả khi đang băng băng về đích trong cuộc đua đến chức vô địch La Liga mùa trước, họ vẫn làm việc miệt mài để mang về hai bản hợp đồng Arthur và Malcom, bộ đôi Brazil này đang dần chứng tỏ được khả năng của bản thân tại Nou Camp và sẽ trở thành những trụ cột của tương lai đội bóng xứ Catalan.

Giờ đây, chúng ta đều đã hiểu được vì sao Pep Guardiola lại tỏ rõ sự ủng hộ với việc Ernesto Valverde ngồi vào chiếc ghế huấn luyện viên ở Nou Camp như vậy.

Bí quyết giúp Pep Guardiola lũng đoạn từ La Liga cho tới Premier League - Ảnh 5.

Man City đánh bại Man United 3-1 trong trận derby.

Guardiola hiện tại là một trong những người chịu khó thay đổi nhất. Trận derby Manchester vừa qua là một minh chứng nữa cho sự thành công của Pep, so với một Mourinho ngày càng bảo thủ.

Và nếu cứ tiếp tục tìm ra những con đường mới, những nhân tố mới để duy trì sức mạnh, nhà cầm quân người TBN có thể giúp Man City đạt được các danh hiệu như từng làm với Barca trong quá khứ.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại