Theo kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy và luyện thi môn Lịch Sử, cô Đỗ Thị Thu Huyền (giáo viên Lịch sử trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội) cho rằng, để đạt được điểm cao, thí sinh cần phân biệt 6 dạng câu hỏi thường gặp để đưa ra phương án trả lời phù hợp, bao gồm: dạng câu hỏi yêu cầu lựa chọn phương án trả lời đúng; dạng câu hỏi yêu cầu lựa chọn câu trả lời đúng nhất; dạng câu hỏi yêu cầu lựa chọn ý phủ định; dạng câu hỏi yêu cầu hoàn thành câu bằng hình thức điền vào ô trống; dạng câu hỏi yêu cầu phải kết nối đúng hoặc sắp xếp đúng trật tự logic của các sự kiện, hiện tượng lịch sử; dạng câu hỏi yêu cầu đọc hiểu một đoạn văn bản.
Với 6 dạng câu hỏi trong bài thi trắc nghiệm này, thí sinh phải xác định đúng trọng tâm câu hỏi để đưa ra đáp án phù hợp. Đặc biệt, đối với dạng câu hỏi chọn ý phủ định, đề sẽ xuất hiện những cụm từ “không đúng”, “ngoại trừ” được in đậm hoặc in nghiêng. Vì đọc vội, đọc nhanh, nhiều thí sinh khoanh vào đáp án sai, dẫn đến mất điểm không đáng có.
Ảnh minh họa
Do vậy, muốn xác định đúng trọng tâm, trong quá trình đọc đề, thí sinh cần tìm ra và gạch chân từ khóa để hiểu rõ yêu cầu, sau đó mới lựa chọn câu trả lời. Đây là bước quan trọng để tránh lạc đề trong quá trình làm bài.
Trong quá trình làm bài, thí sinh cũng cần phân bổ khối thời gian hợp lý. Trong vòng 30 phút trước khi phát đề, thí sinh nên tóm tắt trên nháp những kiến thức đã được học, tránh nhầm lẫn hoặc bỏ quên kiến thức trong quá trình làm bài. Với thời lượng 40 phút dành cho 50 câu hỏi, thí sinh cần dành 10 đến 15 phút cho những câu hỏi dễ, 20 đến 25 phút cho những câu hỏi khó, 5 phút cuối cùng để soát lại toàn bộ đáp án. Thí sinh cũng không nên dành quá nhiều thời gian cho những câu khó hoặc những câu chưa chắc chắn về đáp án.
“Với những câu khó, thí sinh có thể sử dụng phương pháp loại trừ, gạch bỏ 3 đáp án sao để tìm ra đáp án đúng, thay vì khoanh bừa theo cảm tính hoặc lựa chọn đáp án dài nhất như trước đây. Với những câu chưa chắc chắn về đáp án, thí sinh nên đánh dấu lại để kiểm tra sau khi đã hoàn thành hết phần còn lại, tránh trường hợp bị sót câu. Vì đề trắc nghiệm mang tính chất xác suất, nên các thí sinh nên khoanh tất cả các câu, không để trống câu nào”, cô Đỗ Thị Thu Huyền nói.
Cô Lê Thị Hải Hà (giáo viên trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội) cho rằng, thí sinh cần phải học hiểu, thay vì học thuộc. Trong đề thi Lịch sử, có 32 câu cơ bản, thí sinh chỉ cần thuộc bài là có thể đưa ra đáp án đúng. Những câu hỏi còn lại là câu hỏi nâng cao, với mục đích phân hóa, đòi hỏi thí sinh cần lập luận, tư duy, có sự phán đoán chính xác để trả lời. Muốn làm được như vậy, thí sinh cần phải hiểu rõ tiến trình lịch sử, mối quan hệ giữa các sự kiện, nhân vật ,... thông qua ghi chép cá nhân và triển khai thành sơ đồ tư duy trong quá trình học.
“Hãy học lịch sử như đang kể lại một câu chuyện. Hãy lắp ghép những sự kiện, nhân vật, địa danh thành một bức tranh; để từ đó hiểu thấu suốt vấn đề, thay vì "học vẹt". Nếu chỉ học thuộc để đỗ tốt nghiệp, các thí sinh có thể dễ dàng được 6 đến 7 điểm. Tuy nhiên, nếu muốn đạt mức điểm từ 8,5 trở lên, thí sinh cần nỗ lực nhiều hơn”, cô Hà chia sẻ.
Trong giai đoạn “nước rút” trước kỳ thi, nhiều thí sinh có ý định “học tủ” một số phần, dựa theo đề minh họa của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, cô Lê Thị Hải Hà không tán đồng phương pháp này; bởi nguy cơ “lệch tủ” rất cao. Các thí sinh, đặc biệt là các thí sinh sử dụng điểm thi môn Lịch sử để xét tuyển đại học, cần hệ thống lại kiến thức lớp 12 và một phần kiến thức lớp 11 theo các chuyên đề lịch sử mà thầy cô đã giảng dạy. Bên cạnh học nhuần nhuyễn kiến thức trong sách giáo khoa, thí sinh cũng có thể tự làm thêm đề mẫu trên mạng hoặc theo dõi chương trình hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp trên tivi.
Song song với việc ôn luyện lại kiến thức, thí sinh cũng cần ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ; tránh gây tổn hại đến sức khỏe khi bước vào kỳ thi quan trọng. Thí sinh cũng cần chuẩn bị sẵn tâm thế tự tin, bình tĩnh; không để vấn đề tâm lý ảnh hưởng đến quá trình làm bài.