Hải Dương
Tại diễn đàn Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021, ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư tỉnh uỷ Hải Dương cho hay, Hải Dương là tỉnh có số lượng doanh nghiệp FDI lớn với hơn 485 doanh nghiệp FDI, tổng số vốn 9,1 tỷ USD, tạo công ăn việc làm cho người dân. Trong giai đoạn 2016-2020, tổng giá trị xuất khẩu của Hải Dương đạt 32 tỷ USD, năm 2020 xuất khẩu 7,7 tỷ USD, gấp 1,5 lần so với 2019.
Theo ông Thăng, các doanh nghiệp FDI tốt, ổn định, liên tục mở rộng nhưng gắn kết với doanh nghiệp địa phương không nhiều, nên chuỗi giá trị doanh nghiệp địa phương tham gia được chủ yếu chỉ nằm phân khúc như may mặc, da dày, linh kiện cho sản xuất ô tô và cơ khí khác…
Tỷ trọng chiếm giá trị sản phẩm này trong giá trị xuất khẩu khoảng dưới 30% và tỷ suất đầu tư trên một ha đất công nghiệp không cao, năng suất lao động chưa lớn.
Do đó, ông Thăng cho rằng, cần xem xét lại đóng góp hiệu quả của doanh nghiệp FDI trong 20 năm qua với Hải Dương và 30 năm qua với Việt Nam dựa trên giá trị năng suất lao động, thu nhập lao động, diện tích đất sử dụng cũng như môi trường
Đại diện Hải Dương cũng đồng tình rằng, Việt Nam cần cách tiếp cận FDI mới theo hướng tăng tỷ suất đầu tư trên một đơn vị diện tích, tăng hàm lượng khoa học công nghệ vào dòng vốn đầu tư, chú trọng bảo vệ môi trường.
Cần có cách tiếp cận phù hợp với địa phương, tiếp nhận một cách có điều kiện và tiếp nhận với điều kiện hạ tầng tốt, nên xây dựng hạ tầng khu công nghiệp sinh thái tạo ra chuỗi giá trị, từ đó, doanh nghiệp FDI sẽ tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn.
Vĩnh Phúc
Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc bày tỏ ý kiến về dòng vốn đầu tư: có 3 yếu tố mà tỉnh này coi trọng, một là nguồn lực, hai là đất đai và ba là khoa học công nghệ. Vĩnh Phúc luôn kiên định với 3 yếu tố này.
Đến nay, quy mô nền kinh tế của Vĩnh Phúc đã có sự thay đổi đáng kể. Ở Vĩnh Phúc, doanh nghiệp FDI chiếm đến trên 70% trong cơ cấu kinh tế hiện nay.
Vĩnh Phúc cũng đã chuẩn bị rất tốt các điều kiện để thu hút FDI như nguồn đất sạch và hệ sinh thái công nghệ. Tỉnh ý thức rất rõ vấn đề này, bên cạnh đất đai có tính đến hạ tầng phục vụ cho các nhà đầu tư, nhằm tạo ra môi trường tốt cho các nhà đầu tư đến.
Nhà máy Honda Vĩnh Phúc
"Bên cạnh kiên trì thu hút các dòng vốn FDI để phát triển, cần tính lại, lựa chọn dự án có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao để có thể tạo ra giá trị và thân thiện với môi trường, đó là những điều chúng tôi sẽ cân nhắc trong thời gian tới" - ông Thành nhấn mạnh.
"Bên cạnh xúc tiến đầu tư FDI, chúng tôi cũng chú trọng phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, đây là câu chuyện cần đặc biệt quan tâm. Doanh nghiệp vừa và nhỏ là do chính người Việt Nam kinh doanh ở môi trường này để tạo ra những giá trị bền vững, vì vậy chúng tôi mong có sự kết nối doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước.
Đặc biệt, Vĩnh Phúc cũng chú trọng hơn đến các FDI có tỷ lệ nội địa hoá cao, Make in Việt Nam, có doanh nghiệp Việt Nam tham gia cung ứng vào. Tới đây khi thẩm định các dự án, Vĩnh Phúc cũng sẽ quan tâm đến vấn đề này.
Bắc Ninh
Còn về Bắc Ninh, địa phương tiêu biểu trong thu hút FDI với nhà máy được Samsung đầu tư, ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh chia sẻ, Bắc Ninh là một trong những tỉnh đi đầu tại khu vực phía Bắc về thu hút FDI.
Dù có diện tích tự nhiên nhỏ, Bắc Ninh có lợi thế nằm gần Hà Nội và nằm trong tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Việc quy hoạch các khu công nghiệp đã được tỉnh quan tâm từ năm 1997. Đến nay, tỉnh đã phát triển được 16 khu công nghiệp tập trung, 26 khu công nghiệp, và 1 khu công nghệ thông tin với diện tích đất trên 8.000 hecta.
Ông Tuấn chỉ ra ba "bí quyết" của Bắc Ninh. Thứ nhất, việc đồng bộ hạ tầng từ sớm đã giúp Bắc Ninh sớm thu hút vốn đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia toàn cầu. Bắc Ninh sở hữu hệ thống giao thông phát triển, kết nối sân bay cảng biển cửa khẩu được phát huy khai thác sớm.
Thứ hai, tỉnh cũng tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tỉnh. Thứ ba, Bắc Ninh rất tích cực cải cách hành chính, cải cách môi trường kinh doanh.
Đáng chú ý, ông Tuấn khẳng định, Bắc Ninh không có sự thay đổi về chủ trương thu hút đầu giữa các các thế hệ lãnh đạo, giữa các cấp lãnh đạo và chính quyền.
Thời gian tới, để thu hút đầu tư, Bắc Ninh xác định cần tạo đột phá trong khâu phát triển tiếp theo, ưu tiên dự án ít sử dụng đất và ít thâm dụng lao động, tập trung vào các dự án có vốn đầu tư cao và hàm lượng công nghệ cao.
Vừa rồi, tỉnh cũng ban hành nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp về vay vốn để chuyển giao chuyển đổi công nghệ. Tỉnh cũng đề ra kế hoạch sẵn sàng mặt bằng, nguồn nhân lực (hỗ trợ học phí cho học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông để học nghề, hỗ trợ kinh phí đào tạo lại nhân lực). Bên cạnh đó, tỉnh này cũng luôn sẵn sang hỗ trợ doanh nghiệp về mặt chính sách.
Hải Phòng
Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND Hải Phòng cho biết, thành phố này có lợi thế vì được thiên nhiên ban tặng nhiều thứ. Đây là một địa phương có đầu mối giao thông quan trọng với hệ thống cảng biển, là cửa ngõ của toàn bộ khu vực phía bắc đi các nước trên thế giới. Đây là điều kiện tiên quyết để các nhà đầu tư đầu tư vào Hải Phòng. Tổng vốn đầu tư trong những năm qua vào Hải Phòng đã lên tới 20 tỷ USD.
Hải Phòng đang có chiến lược cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong 5 năm, quyết liệt cải cách hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư. Bên cạnh đó, Hải Phòng luôn dành một quỹ đất sạch, thậm chí, chăm sóc đến tận chân hàng rào, tức đầu tư về điện, nước, hệ thống cây xanh. Đây là những thứ nhà đầu tư quan tâm.
Nhà máy LG Electronics tại Hải Phòng
Ngoài ra, hàng tháng, chính Chủ tịch UBND tỉnh Hải Phòng đều có một buổi gặp mặt các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn. Theo đó, kiến nghị của các doanh nghiệp giảm dần theo thời gian. Mặt khác, thị trường nhân lực cũng được đào tạo bài bản, bên cạnh 3 trường đại học thì Hải Phòng còn có hàng chục trường đào tạo nghề.
"Sắp tới, chúng tôi sẽ chăm sóc kỹ cảng nước sâu và tiếp tục phát triển cảng biển. Trong 5 năm tới, chúng tôi triển khai thêm 4 cầu tàu ở cảng nước sâu, tức chúng tôi sẽ có 6 cầu tàu. Tiếp tục thu hút đầu tư ở 16 khu công nghiệp để hình thành 23 khu công nghiệp.
Đồng thời, chúng tôi cũng đang trình để có 6 khu logistics tại 6 khu công nghiệp" - ông Thọ tiết lộ. "Chúng tôi kỳ vọng với những điều trên, thu hút vốn đầu tư FDI vào Hải Phòng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới".