Bạn sẽ cảm thấy thế nào khi bị phê bình?
Hẳn trong lòng các bạn chẳng lấy gì làm vui, thậm chí là bực tức nhất thời. Và những người đi phê bình người khác, họ cũng biết điều này.
Tuy nhiên, bàn về việc phê bình và bị phê bình, mỗi chúng ta cần nhận thức thật rõ rằng, nếu chỉ là những người có quan hệ xã giao thông thường, chẳng liên quan gì đến nhau, chúng ta phê bình họ nghĩa là đắc tội với họ.
Thế nên, tốt nhất là không nên "làm phúc phải tội".
Song, một khi chúng ta thực sự coi trọng mối quan hệ của mình với một ai đó, đánh giá họ là người biết lắng nghe, hãy phê bình thẳng thắn.Và khi đó, chúng ta cần nhận ra rằng: Người phê bình mình là quý nhân trong đời mình!
Thời trẻ, rất nhiều người trong chúng ta mang trong mình sự bồng bột và cao ngạo, luôn đánh giá cao bản thân, cho rằng mình ưu tú, xuất sắc hơn người.
Khi đối diện những lời phê bình của người khác, chúng ta cho rằng đó là sự khiêu khích, rằng họ kiếm chuyện hạ thấp mình, rất ít người có thể bình tĩnh suy ngẫm lại cái sai của bản thân.
Nhưng, hãy ngẫm thật kỹ lại!
Từ nhỏ đến lớn, người phê bình chúng ta nhiều nhất là ai? Đó chẳng phải là bố mẹ của chúng ta sao? Có bố mẹ nào không muốn con mình sau này công thành danh toại?
Ở trường, người phê bình chúng ta nhiều nhất là ai? Chẳng phải là giáo viên của chúng ta sao? Có thầy cô nào không hy vọng học trò của mình sau này có tiền đồ rạng rỡ?
Tương tự như vậy, những người hôm nay thực sự phê bình bạn, cũng là vì muốn tốt cho bạn, cảm thấy bạn vẫn là người có thể thay đổi tích cực!
Ai cũng thích được khen và không phải ngẫu nhiên người xưa có câu: "Thuốc đắng giã tật sự thật mất lòng."
Chỉ những người có trách nhiệm với bạn, cho rằng bạn là người có thể bảo ban, dạy dỗ, thực lòng kỳ vọng vào bạn, tình nguyện bỏ tâm sức ra dạy bạn, giúp bạn từng bước tiến bộ mới phê bình bạn mà thôi.
Thuốc tốt thường khó uống, và những lời đóng góp thực sự, tự tận đáy lòng những mong bạn trưởng thành, vững vàng hơn không hề nhiều! Nếu không nghĩ cho bạn, chẳng ai tốn công tốn sức phê bình bạn để rồi có thể, họ sẽ tự đẩy mình vào thế "gây thù chuốc oán" với bạn.
Thế nên, một khi bị người khác phê bình, hãy thật bình tĩnh, dùng cái đầu lạnh để suy nghĩ, kiểm điểm lại mọi việc, và bạn nhất định phải trân trọng những lời phê bình đó.
Khi bạn từ chối, sau 1 lần, 2 lần rồi 3 lần, sẽ không có ai phê bình bạn nữa, đó là lý do tại sao vào những lúc rơi vào đường cùng, rất nhiều người đều tự hỏi mình: "Tại sao không có ai nói với tôi sớm?"
Thực ra bạn đầu đã có không ít người thân, bạn bè nhắc nhở, thức tỉnh chúng ta. Nhưng khi đó, có lẽ chúng ta vẫn còn đang thầm nghĩ: "Thật phí lời, đạo lý giản đơn đó có ai mà không biết!". Có lẽ khi đó, bản thân ta đã tự khép mình lại, vẫn chưa biết thế nào gọi là "vừa vô tri, vừa tự cao tự đại"…
Phê bình có hai nghĩa:
Thứ nhất, đó là phê phán, phán đoán, đánh giá, chỉ ra ưu điểm và khuyết điểm, bình luận tốt, xấu.
Thứ hai, phê bình là đưa ra ý kiến về thiếu khuyết, sai lầm của đối phương.
Đối diện với những lời phê bình, đúng ra mà nói, chúng ta nên vui mới đúng. Nhưng cũng thật khó, bởi trước giờ, chẳng ai bị phê bình mà tâm trạng có thể vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra.
Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, chúng ta cũng nên nhớ rằng người phê bình mình một cách nghiêm túc, đều là những người quan tâm đến mình.
Nếu chỉ vừa nghe thấy người khác nói xấu mình đã vội biện hộ cho bản thân, bạn sẽ khó có thể làm được việc gì.