Theo thông tin từ trang VnExpress, một người đàn ông tên H mới đây đã chia sẻ câu chuyện bản thân anh bị phạt 7 triệu đồng và giữ bằng 11 tháng vì lý do uống rượu từ hôm trước. Anh H cho biết kết quả thổi nồng độ cồn của anh ở ngưỡng 0.055 mg/l khí thở.
Anh H chia sẻ vào tối hôm trước do tính chất công việc, anh có uống 6 chén rượu (dung tích 30ml một chén đầy, nhưng anh chỉ uống chén vơi). Hôm sau lái xe đi làm, anh H cho biết mình đã bị xử phạt dù anh cảm thấy bản thân rất tỉnh táo, không hề có cảm giác còn cồn trong cơ thể.
Uống rượu xong bao lâu thì yên tâm lái xe?
Bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương lý giải về việc chuyển hóa cồn trong cơ thể như sau: Rượu - bia (cồn) khi uống vào cơ thể được chuyển hóa phần lớn tại gan (yếu tố cố định). Tuy nhiên, rượu có thể được đào thải qua mồ hôi, hơi thở (yếu tố biến thiên). Như vậy, việc đào thải cồn trong cơ thể của một người sẽ phụ thuộc vào cả yếu tố cố định và yếu tố biến thiên như đã nói ở trên.
Lúc này sẽ xảy ra 2 tình huống:
- Tình huống thứ nhất thúc đẩy yếu tố biến thiên: Người uống rượu nói nhiều, hát karaoke, xông hơi sẽ giúp đẩy nhanh quá trình đào thải cồn (rượu – bia) qua hơi thở hoặc mồ hôi.
- Tình huống thứ hai thúc đẩy yếu tố cố định: Người uống rượu đi ngủ sau khi uống. Lúc này, cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi, gan sẽ hoạt động để đào thải cồn ra khỏi cơ thể.
Bác sĩ Thiệu cho biết không thể tính toán tuyệt đối thời gian đào thải cồn vì điều này tùy vào cơ thể mỗi người và cách ăn uống. Trên lý thuyết, với một người trưởng thành có sức khỏe bình thường, cứ sau 1 giờ cơ thể có thể đào thải được 1 đơn vị cồn (đây là mức nhanh nhất).
Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một đơn vị uống chuẩn chứa 10g cồn sẽ tương ứng với: 1 chén rượu mạnh 40 độ (30ml), 1 ly rượu vang 13,5 độ (100ml), 1 vại bia hơi (330ml), hoặc 3/4 chai (lon) bia 5% (330ml).
Tuy nhiên, trên thực tế, do thời gian chuyển hóa cồn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nên thời gian đào thải 1 đơn vị cồn có thể lên tới 3 tiếng.
"Với một chén rượu 10-20ml từ 13-30 độ (cồn), tùy thuộc vào mức độ chuyển hóa của từng người, gan có thể sẽ mất đến khoảng 3 tiếng để chuyển hóa hết cồn trong cơ thể. Khi nồng độ cồn được chuyển hóa hết thì thổi nồng độ cồn sẽ không lên", bác sĩ Thiệu khuyến cáo.
Trong trường hợp uống tới mức say (gan quá tải) thì thời gian chuyển hóa rượu của cơ thể sẽ chậm hơn so với khi chỉ uống một vài đơn vị cồn.
Bác sĩ Thiệu khuyến cáo, tốt nhất mọi người không nên lái xe khi đã uống rượu để tránh các rủi ro. Nếu chỉ uống một chén rượu từ 10-20ml thì nên đợi ít nhất sau 3 tiếng sau để cơ thể đào thải hết lượng cồn rồi mới điều khiển xe. Trong thời gian 3 tiếng này, mọi người nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước để cồn có thể đào thải qua đường nước tiểu.
Ngoài ra, bác sĩ cũng lưu ý rằng sau khi uống rượu, mọi người không nên vận động mạnh hoặc chơi thể dục thể thao. Nguyên nhân là do khi tập luyện thể thao, gan sẽ phải vừa tiến hành chuyển hóa năng lượng, vừa đào thải rượu cùng một lúc. Điều này có thể khiến gan bị quá tải và gây ảnh hưởng tới sức khỏe của gan.