Nhóm Bộ tứ gắn kết hơn vì Trung Quốc
Trong cuộc họp báo trên truyền hình toàn quốc hồi tháng 3/2018, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ví von nhóm Bộ tứ đối thoại an ninh (Quad) chẳng khác gì "bọt biển trên Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương", rồi cuối cùng sẽ tan biến đi.
Vào thời điểm đó, tất cả các dấu hiệu cho thấy nhận định của ông Vương Nghị đều đúng. Trung Quốc và Ấn Độ vừa đồng ý rút quân trong sau căng thẳng kéo dài nhiều tháng trên dãy Himalaya, trong khi cuộc chiến thương mại Trung- Mỹ dường như chỉ là lời nói suông. Và các nhà ngoại giao ở Bắc Kinh và Tokyo đang bận rộn chuẩn bị cho chuyến thăm có tác dụng phá băng trong quan hệ song phương của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tới Nhật Bản, nhân dịp kỷ niệm 40 năm hiệp ước hòa bình và hữu nghị giữa hai nước sau một thập kỷ đối đầu.
Hai năm sau, Quad đang thúc đẩy sự hợp tác bền vững giữa 4 quốc gia, với sự quan tâm mới đến Ấn Độ và Australia - 2 nước đang có những tranh chấp trong quan hệ với Trung Quốc.
Trong một động thái có thể khiến Bắc Kinh "mất ngủ", sau 13 năm không tham gia, Australia đã lại nhận lời mời của Ấn Độ dự cuộc tập trận hải quân thường niên Malabar vào tháng tới cùng với Mỹ và Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên 4 nước tổ chức một cuộc tập trận chung quy mô như vậy. Sự tham gia của Australia được công bố chỉ vài ngày sau khi các bộ trưởng ngoại giao của nhóm Bộ tứ tổ chức hội nghị 4 bên tại Tokyo. Ở hội nghị này, 4 nước cũng thảo luận về khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, như một phần trong nỗ lực chung nhằm chống lại sự thống trị thương mại của Trung Quốc.
Diễn biến mới trái ngược hẳn với những ngày đầu mới thành lập nhóm Bộ tứ. Ý tưởng do Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề xuất năm 2007 nhanh chóng rệu rã khi Australia và Ấn Độ chùn bước do vấp phải phản ứng từ Bắc Kinh.
"Ban đầu, cơ chế hợp tác của [nhóm Bộ Tứ] không chỉ là hướng tới khía cạnh an ninh mà còn cả kinh tế trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nhưng gần đây nó ngày càng tập trung nhiều hơn vào an ninh với việc xác định Trung Quốc là đối thủ tiềm tàng," ông Wu Shichun, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông, tổ chức tư vấn được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn, cho biết.
Từ trái qua: Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi, Ngoại trưởng Australia Marise Payne và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại phiên họp của nhóm Quad ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 6/10/2020 (Ảnh: Charly Triballeau/Pool via AP)
Bắc Kinh có lý do để lo lắng
Lavina Lee, giảng viên cao cấp về quan hệ quốc tế tại Đại học Macquarie ở Sydney, cho biết việc bổ sung Australia - quốc gia hiện đang tranh chấp với Bắc Kinh trong lĩnh vực thương mại, cáo buộc gián điệp và nguồn gốc của đại dịch Covid-19 - vào cuộc tập trận hải quân Malabar "chắc chắn khiến Trung Quốc dè chứng nhóm Bộ Tứ hơn".
Chính phủ Ấn Độ dường như cũng đã thay đổi quan điểm của mình về nhóm Quad, đặc biệt là trong bối cảnh tranh chấp biên giới mới xảy ra với Trung Quốc ở khu vực dãy Himalaya. New Delhi từ lâu chỉ miễn cưỡng đồng hành cùng Mỹ, Nhật, Australia trong quan điểm chung về Trung Quốc, do lo ngại Bắc Kinh có thể trả đũa bằng hành động tranh chấp biên giới hoặc hỗ trợ cho đối thủ lâu năm của Ấn Độ là Pakistan.
"New Delhi đã nhận ra rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy thay đổi hiện trạng ở biên giới của họ với Ấn Độ. Những nỗ lực trước đây của Ấn Độ nhằm làm hạ nhiệt mối quan hệ đã không thay đổi mục tiêu này," bà Lee nói.
William Choong, thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cho biết sự hồi sinh của nhóm Bộ tứ trong những tháng gần đây xảy ra vào thời điểm quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, và Washington là động lực chính thúc đẩy quá trình này. Trong hội nghị ở Tokyo vào đầu tháng này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tiếp tục củng cố quan điểm cứng rắn nhằm vào Trung Quốc. Ba ngoại trưởng còn lại hạn chế đề cập Trung Quốc, nhưng giới quan sát cho rằng Bắc Kinh có lý do để lo lắng.
"Đó là nguyên tắc chung - rằng Trung Quốc nghi ngờ về bất kỳ thỏa thuận đa phương nào liên quan đến các cường quốc xung quanh Trung Quốc - và nhóm Bộ tứ sẽ đánh dấu vào tất cả các ô phù hợp," ông Choong nói.
Bắc Kinh dường như bày tỏ quan ngại của mình về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Washington và Bộ tứ. Tháng trước, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc La Chiếu Huy mô tả nhóm này là "chiến tuyến chống Trung Quốc" hoặc "NATO thu nhỏ", mà theo ông tổ chức này là biểu hiện "tâm lý chiến tranh lạnh" của Mỹ.
Trong chuyến thăm Kuala Lumpur tuần trước, Ngoại trưởng Vương Nghị công khai gọi nhóm này là “tổ chức NATO tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương” mà ông cảnh báo sẽ làm suy yếu nghiêm trọng an ninh khu vực.
Hình ảnh từ cuộc tập trận Malabar năm 2018 giữa Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ
Câu hỏi mở về tương lai nhóm Bộ tứ
Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao của Rand Corporation, cho biết sự thay đổi giọng điệu của Bắc Kinh có thể cho thấy sự bất an ngày càng tăng của nước này rằng “Nhóm Bộ tứ thực sự có thể trở thành một liên minh khiến Trung Quốc gặp rắc rối trong tương lai”.
"Xét một cách hoài nghi hơn, Bắc Kinh có thể không lo lắng gì về Bộ tứ, nhưng nước này vẫn có lý khi đề cập đến mối đe dọa - đặc biệt là sử dụng thuật ngữ 'tổ chức NATO' để mô tả nó – nhằm miêu tả các biện pháp kiềm tỏa Trung Quốc và thuyết phục những nước khác về ý đồ xấu của nhóm Bộ Tứ," ông Grossman nói.
Vẫn còn là một câu hỏi mở là bao lâu nữa nhóm này sẽ được chính thức hóa thành một liên minh hiệp ước như NATO và hợp tác ở mức độ thế nào, nhưng các nhà quan sát trong khu vực cho rằng điều này phần lớn phụ thuộc vào Bắc Kinh.
Trái ngược với những nhận định bi quan năm 2007, tương lai của nhóm Bộ tứ có vẻ tươi sáng khi 4 thanh viên đều chia sẻ mối quan ngại sâu sắc về ảnh hưởng ngày càng tăng và các hành vi ngày càng hung hăng và bành trướng của Trung Quốc trong khu vực.
Harsh Pant, người đứng đầu chương trình nghiên cứu chiến lược tại Quỹ Nghiên cứu Observer ở Delhi, cho biết các nỗ lực chung hiện nay "không phải là lựa chọn mà là mệnh lệnh an ninh quốc gia" để kiềm chế các hành động của Bắc Kinh trong khu vực.
"Nếu quỹ đạo chính sách đối ngoại của Trung Quốc vẫn như hiện tại, thì tương lai của nhóm Bộ tứ khá tươi sáng. Tham gia vào xu hướng chống lại Trung Quốc đang gia tăng trong khu vực, nhóm Bộ tứ chỉ là một thành phần của xu hướng này."
Nhưng ông William Choong nói rằng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới cũng sẽ đóng một vai trò quyết định đối với tương lai của Quad.
"Nếu các cuộc thăm dò ý kiến là chính xác và ông [Joe] Biden sẽ trở thành tổng thống Mỹ kế tiếp, tôi nghĩ chính quyền mới sẽ dành thời gian để đánh giá lại chiến lược Bộ tứ và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung, và cách Mỹ sẽ hợp tác với các nước đồng minh và đối tác về vấn đề Trung Quốc," ông Choong nói.
Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus