Báo Ba Lan nói về "thứ khiến người Nga lo sợ từ lâu"
Ít ngày trước, tờ Geek Week của Ba Lan đã đăng tải bài viết của nhà phân tích Daniel Gorecki với tiêu đề "Chỉ có cái tên là nhẹ nhàng. Phương tiện không người lái mặt nước (USV) Sea Baby được bổ sung pháo phản lực Grad".
Dưới đây là lược dịch những phần đáng chú ý nhất:
"Vào đầu tháng 5/2024, Kiev đã lần đầu tiên sử dụng USV được trang bị tên lửa không đối không R-73 (định danh NATO là AA-11 Archer) nhằm vào các máy bay Nga tuần tra vùng biển bán đảo Crimea.
Và mới đây, Quân đội Ukraine đã công bố việc hiện đại hóa USV "Sea Baby"... có liên quan đến việc lắp đặt các ống phóng đạn phản lực 122 mm. Theo họ, sáng kiến này đã được "thử lửa" trong thực tế - có tính đến một cuộc tấn công vào các vị trí của Nga...
Ảnh: Cơ quan An ninh Ukraine (SBU).
Reuters dẫn nguồn tin từ Ukraine cho biết loại đạn phản lực được đề cập ở đây tương tự Pháo phản lực phóng loạt (MRLS) BM-21 "Grad"...
Các biến thể MRLS loại này thường có từ 12, 36, 40 hoặc 50 ống phóng - còn các bức ảnh được người Ukraine công bố cho thấy USV được trang bị 6 ống phóng (3 ống mỗi bên). Có nghĩa là những chiếc "Sea Baby" có thể khai hỏa 6 đạn phản lực cùng lúc.
Nhưng sau khi phân tích các bức ảnh, nhiều chuyên gia nhấn mạnh rằng đạn phản lực không được trang bị các khả năng ổn định khi bay và sẽ ảnh hưởng đáng kể đến độ chính xác.
Tuy nhiên, có thể giả định rằng nếu một đợt khai hỏa MRLS không thành công, USV vẫn có thể tiến công mục tiêu bằng tùy chọn cảm tử...
Có thể nói "Sea Baby" đã khiến người Nga lo sợ từ lâu.
Tôi (Daniel Gorecki) xin lưu ý rằng USV "Sea Baby" đã trở nên nổi tiếng vào tháng 10/2023 sau một loạt cuộc tấn công của Hải quân Ukraine và Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) vào các mục tiêu Nga ở Sevastopol (Crimea)...
Trước đó vào tháng 8/2023, Kiev đã ra tuyên bố về việc sử dụng chúng trong các cuộc tấn công vào Cầu Crimea và giới thiệu đây là nền tảng của toàn bộ dòng USV do họ phát triển...
Được biết công việc này được bắt đầu ngay từ mùa xuân năm 2022 và quá trình sản xuất diễn ra tại các nhà máy bí mật nằm rải rác khắp Ukraine, nhằm ngăn đối phương có những hoạt động gây ảnh hưởng đáng kể..."
Đoạn phim thử nghiệm USV "Sea Baby" với "Grad" được truyền thông Ukraine công bố gần đây.
Người Nga thực sự nghĩ gì?
Tìm kiếm nhanh trên các trang tin công nghệ quốc phòng của Nga thì thông tin về việc USV "Sea Baby" của Ukraine được trang bị các ống phóng MRLS cũng đã được đăng tải trong vài ngày gần đây - nhưng tựu chung các bình luận của các nhà phân tích Nga là "hãy để xem".
Có lẽ đáng lưu ý nhất là bài viết của nhà phân tích Ivan Smirnov được News.ru đăng tải hôm 22/5 với nội dung như sau:
"...SBU đã nhận được các USV "Sea Baby" được lắp đặt MRLS "Grad"... vậy chúng có gây nguy hiểm cho Hạm đội Biển Đen của Nga không?
Bình luận trên Telegram, Phóng viên Evgeny Poddubny của VGTRK (đài truyền hình thuộc sở hữu của nhà nước Nga) cho rằng hiện "Sea Baby" không cần tiếp cận mục tiêu để tấn công nó.
"Các USV "Sea Baby" của Ukraine được trang bị ống phóng MRLS. Đánh giá video của đối phương, các thử nghiệm đã diễn ra vào mùa đông năm ngoái (2023) nhưng ở trên mặt đất chứ không phải mặt biển.
Các hình ảnh cho thấy thử nghiệm khai hỏa đạn phản lực trên USV "Sea Baby" đã được phía Ukraine tiến hành từ mùa đông năm 2023.
Việc trang bị loại vũ khí này cho USV sẽ cho phép nó tấn công mục tiêu từ một khoảng cách nhất định. Trọng tâm của vấn đề nằm ở đây".
Các cây viết thuộc kênh tin tức Telegram “ARKHANGEL SPECIAL FORCES Z” lưu ý rằng USV của Ukraine đáng lo ngại không chỉ bởi sự hiện diện của vũ khí trên nó mà còn bởi độ bền:
"Để vô hiệu hóa USV loại này thì các cuộc tấn công phải nhằm vào phần đuôi hoặc trực tiếp vào các ống phóng MRLS. Theo một nguồn tin - người đã đối mặt với USV loại này - thì những cú va chạm của USV vào mạn tàu thuyền không ảnh hưởng gì đến khả năng cơ động của nó".
Các cây viết cũng lưu ý thêm rằng trực thăng vũ trang là "khắc tinh" của USV:
"Nếu phải đối mặt với pháo tự động của trực thăng vũ trang, USV sẽ vô dụng ngay lập tức. Cần lưu ý rằng hiệu quả hủy diệt tối đa đạt được trực thăng khai hỏa từ độ cao khoảng từ 100 đến 200 mét phía trên bên phải của mục tiêu..."
Đoạn video USV Ukraine mang tên lửa không đối không R-73 bị trực thăng Ka-29 Nga vô hiệu hóa gần Crimea (Nguồn: BQP Nga).
Còn theo các cây viết của kênh Rybar, Ukraine trước đây đã thử sử dụng "Sea Baby" và "Grad" nhưng độ chính xác của hệ thống này rất thấp.
"Nói về độ chính xác của những đạn phản lực này - tương tự tên lửa phòng không - là vô nghĩa. Nhưng vấn đề là giờ đây chúng không chỉ là các robot cảm tử mà là một khí tài sẵn sàng chiến đấu, thứ có khả năng tạo ra một số vấn đề trong bối cảnh hiện tại ở Biển Đen.
Bạn có thể nói rằng chúng vô dụng nhưng điều quan trọng là các phát triển trong lĩnh vực này (phương tiện không người lái) đang có những tiến triển nhảy vọt và công nghệ sẽ tiếp tục trở nên tốt hơn.
Nghĩa là ngay từ bây giờ, chúng ta (Nga) đã cần phải tìm ra cách chống lại chúng và phát triển các loại vũ khí tương tự".
Theo Rg.ru thì phía Nga cũng bắt đầu sử dụng USV cảm tử và có thông tin cho rằng một số trong chúng đã được thử nghiệm chiến đấu thành công.
Các USV này được tuyên bố là sở hữu thiết kế gọn nhẹ, có khả năng tăng tốc lên tới 85 km/h và được trang bị đầu đạn nặng 250 kg.
Ít nhất phía Ukraine đã sở hữu 3 khí tài dạng này, thứ có thể tiến hành một cuộc tấn công phức tạp vào các mục tiêu Nga ở Biển Đen.