Cách đây 7 năm, anh Đỗ Ngọc Chiến (36 tuổi, ở Hạ Long - Quảng Ninh) bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh nhà hàng ăn uống. Kể từ đó, cuộc sống của anh có nhiều thay đổi. Làm chủ, anh vừa phải vận hành, dẫn dắt hoạt động kinh doanh của hai quán ăn, vừa đảm bảo "miếng cơm manh áo" ổn định cho khoảng 20 nhân viên.
Nhiều người nghĩ làm chủ là tự do, giàu có. Nhưng thực ra, anh Ngọc Chiến chia sẻ có không ít áp lực mà anh không còn cách lựa chọn nào khác là phải vượt qua.
Làm chủ của 2 nhà hàng ăn uống tại Quảng Ninh, mỗi ngày vợ chồng anh đều thức khuya dậy sớm. Đặc biệt vào những năm đầu gây dựng, đưa quán vào guồng, anh bận đến quên ăn quên ngủ, đầu óc lúc nào cũng không ngừng tính toán.
Chưa kể, trong quá trình quản lý nhà hàng, ngoài những nhân viên chăm chỉ, có trách nhiệm với công việc, anh Chiến gặp không ít tình huống "dở khóc dở cười" bởi khi thuê nhân viên, đặc biệt là các bạn nhân viên trẻ.
Chủ quán Ngọc Chiến kể, anh từng bị nhân viên GenZ bất ngờ "bóc phốt" ngược mà vẫn không hiểu lý do vì sao.
"Thật ra trong suốt những năm làm kinh doanh hàng ăn, tôi gặp vô số các bạn trẻ đến xin làm việc. Nhìn chung tôi đánh giá các bạn GenZ nhanh nhẹn, tư duy tốt. Quán tôi có nhiều GenZ chăm chỉ, chịu khó làm việc. Chỉ một số ít bạn không hiểu chuyện và để xảy ra chuyện mất lòng khi nghỉ việc thôi.
Như có bạn do mải chơi, cứ hay tìm lý do xin nghỉ đột xuất. Tôi không đồng ý thì đùng cái xin nghỉ rồi đòi tiền lương.
Hay từng có bạn "bóc phốt" tôi trên mạng rất nặng nề, lý do là vì bạn ấy tới xin làm, đang trong thời gian thử việc, nhà tôi nuôi ăn ở. Mà đêm hôm toàn đi chơi đến 3 giờ sáng mới về, ảnh hưởng tới những bạn khác.
Sau vài lần đi đêm thì ngã xe, chân đau không đi làm được. Lúc đó mình thương, vẫn lo ăn ở cho bạn ấy tại quán mấy ngày dù không làm được việc gì.
Ấy vậy mà đến khi đi lại được thì bạn ấy đi làm đúng 1 hôm rồi lại xin nghỉ. Tôi hỏi lý do, chỉ bảo: "Em có việc thôi". Thế là tôi không đồng ý - Theo quy định quán. Bạn ấy không thèm nói gì, lẳng lặng thu dọn đồ đạc đi luôn, còn đăng bài chửi bới tôi lên mạng."
Theo anh Ngọc Chiến, anh rất đồng cảm với những người đi làm thuê bởi bản thân anh cũng từng đi làm thuê, lại là công việc tay chân nặng nhọc. Anh cũng từng bị chủ la mắng không ít, thậm chí là những lời nặng nề, khó nghe.
Tuy nhiên, anh Chiến cho hay bản thân luôn cảm thấy biết ơn người đã la mắng mình. Bởi họ giúp anh hiểu được, ra đời đi làm, kiếm được đồng tiền tiền khó khăn, nhọc nhằn như thế nào. Không thành quả nào có được từ sự lười biếng, thiếu kỷ luật.
Cũng từ đây, chủ nhà hàng 8x ở Quảng Ninh có những dòng tâm sự nhắn nhủ đến các bạn trẻ đang có ý định tiềm kiếm cho mình một công việc.
Nội dung bức tâm thư đang nhận về hàng nghìn lượt tương tác trên mạng xã hội
"Thứ nhất: Khi các bạn đến, chủ sẽ luôn trao đổi giờ làm, mức lương, chỗ ăn ở và nội quy. Các bạn thấy phù hợp thì nộp đơn xin việc, còn không thì có thể từ chối, không ai ép cả.
Thứ hai: Ở đâu đi nữa, dù là trong nhà bạn, cũng có những nội quy rõ ràng như: Đi chơi phải xin phép bố mẹ. Tới giờ cơm phải mời bố mẹ và muôn vàn điều nữa... Vậy mà các bạn xin đi làm, chúng tôi nuôi ăn - nuôi ở - hàng tháng phải cố gắng kinh doanh để có tiền trả lương cho các bạn, nhưng khi các bạn làm sai quy định, bị phạt thì lại lên mạng chửi bới, "bóc phốt".
Thử nghĩ, 10 người nhân viên cứ đến giờ làm là xin nghỉ đột xuất không lý do, thế thì quán đóng cửa theo các bạn luôn. Quán ra nội quy như vậy, để các bạn phải có trách nhiệm với công việc cũng như đồng lương nhận được.
Thứ ba: Chúng tôi đầu tư tiền trăm, tiền tỷ để mở một cơ sở kinh doanh, không phải nơi vui chơi hay tổ chức từ thiện. Một ngày chi phí vận hành lên đến cả chục triệu, các bạn nghĩ chúng tôi không nghiêm khắc, không có quy định thì tồn tại được bao lâu?
Thứ tư: Khách hàng là người trả lương cho các bạn. Thế nên việc chủ yêu cầu các bạn phải phục vụ khách một cách chu đáo nhất có thể, không được thái độ với khách thì có gì là sai.
Nhân viên quán tôi, hiện nay có những người ở với tôi 6-7 năm. Có những người nghỉ rồi một thời gian vẫn quay lại xin làm. Bởi vì họ làm tốt, có trách nhiệm, học được khen ngợi và tôi sẵn sàng trả lương cao để giữ họ lại..."
Tâm thư của anh Ngọc Chiến bất ngờ nhân về hàng nghìn lượt thích, đồng cảm từ mọi người, đặc biệt là cộng đồng các chủ quán kinh doanh.
Nhiều người nhận xét chia sẻ của anh Chiến như đang nói hết nỗi lòng của những người làm chủ, từng gặp phải các vấn đề trong quá trình tuyển và thuê nhân viên.
Chị Thanh Huyền, chủ một tiệm trà, bánh ở Quảng Trị bày tỏ sự đồng tình: "Xin phép chia sẻ với thế hệ GenZ nói riêng và các bạn nhân viên đang đi làm nói chung.
Thành công không dành cho người lười và tự ái. Tôi luyện con người từ những môi trường nhỏ hay vị trí làm việc thấp mới mong trưởng thành, chứ không có phép màu biến bạn thành một người cẩn thận, giỏi giang, có kỹ năng giao tiếp tốt…
Văn hoá đi làm đầu tiên là biết cám ơn, cám ơn người đã tạo cho mình môi trường để bản thân được làm việc và phấn đấu, chứ có nhiều bạn tưởng mình giỏi rồi, ra đi không thèm một câu cảm ơn cho đúng."
Chị Nguyễn Huyền My cũng đồng cảm: "Bài viết như nói hết nỗi lòng chủ quán. Mình gặp nhiều nhân viên cứ nay em nghỉ, nhà em có việc, mai xin vắng.
Nhiên viên nghỉ đột xuất, chủ quán vất vả gồng gánh vì thiếu nhân sự. Ảnh hưởng cả doanh thu lẫn chất lượng dịch vụ. Chứ chủ ham gì mấy đồng tiền phạt các bạn"
Bản thân anh Ngọc Chiến thừa nhận, trong quá trình làm việc, có những hôm khách đến quán đông, nhân viên làm việc không tốt, anh có la mắng các bạn.
Nhưng anh mong nhân viên thông cảm, thấu hiểu nỗi lòng và cái khó của mình. Bởi mỗi khi nhân viên làm việc sơ suất, hậu quả chính là chất lượng dịch vụ giảm sút. Việc mất khách, mất nguồn thu, ảnh hưởng chung đến thu nhập của toàn thể nhân viên nhà hàng là điều khó tránh.
"Những đồng tiền phạt của các bạn, chưa bao giờ tôi thích cả. Cũng chưa bao giờ bỏ túi. Tôi luôn lấy nó làm quỹ cho các bạn chăm chỉ ở lại làm liên hoan, hoặc thưởng cho những bạn làm tốt.
Có những năm khó khăn, tôi bán cả xe để trả lương cho nhân viên chứ không bao giờ thiếu các bạn dù chỉ 1 nghìn" - Anh Ngọc Chiến cho hay.