Ngụy lão tiên sinh là một đại phu không chỉ tinh thông y thuật mà còn luôn lấy việc giúp người làm niềm vui. Người bệnh tìm đến, dù giàu hay nghèo, ông đều tận tâm chữa trị.
Lương y còn cho tiền, tặng thuốc bệnh nhân nghèo, gặp người bệnh từ xa đến, nhất định ông sẽ cho họ ăn chút cháo hay gì đó rồi mới bắt đầu khám chữa.
Cảm thấy việc hành thiện của mình chưa bao giờ là đủ, lão đại phu luôn nói: "Người bệnh từ xa đến, mệt mỏi lại đói khát, huyết mạch sẽ loạn hơn nhiều.
Tôi cho họ ăn chút gì đó, nghỉ ngơi một lát mới có thể bắt mạch chuẩn được. Tôi đâu có thích hành thiện, tích đức mà chỉ muốn dùng cách này để chứng minh y thuật của mình thôi."
Một lần Ngụy lão đại phu được mời đến nhà chữa trị cho một người bệnh. Điều trùng hợp là bệnh nhân đó bị mất 10 lạng bạc để dưới gối.
Con trai ông tin lời gièm pha, nghi ngờ đại phu nhưng lại không dám hỏi thẳng trước mặt. Có người bày anh ta cách cầm hương quỳ trước cửa nhà đại phu.
Ngụy lão đại phu thấy vậy bèn hỏi: "Thế này là sao?"
Con trai người bệnh nói: "Cháu có chuyện này muốn hỏi, sợ lão đại phu trách nên không dám nói."
Ông Ngụy nói: "Cậu nói đi. Tôi không trách."
Lúc này con trai người bệnh mới nói rõ ngọn nguồn.
Đại phu mời anh ta vào phòng nói: "Đúng là có chuyện này. Tôi vốn muốn lấy dùng tạm, định mai đi khám lại sẽ lén để vào chỗ cũ. Cậu đã phát hiện ra thì tôi gửi lại cậu luôn. Mong cậu đừng nói chuyện này với người khác."
Nói xong, ông đem ngân lượng ra đưa cho anh ta.
Mọi người vốn cho rằng Ngụy lão đại phu phẩm đức cao thượng, gia đình người bệnh không nên nghĩ oan cho ông.
Khi họ thấy con trai người bệnh đưa ngân lượng ra thì tất cả đều bàn tán xôn xao. Nhưng lão đại phu nghe thấy những lời đồn đại gièm pha cũng chẳng hề để ý, thần thái tự tại.
Không lâu sau, người bệnh bình phục. Khi người nhà dọn giường đệm thì tìm thấy ngân lượng dưới đệm mới kinh ngạc hối hận nói: "Ngân lượng không hề bị trộm. Chúng ta đã đổ oan cho Ngụy đại phu rồi.
Giờ phải làm thế nào đây? Chúng ta phải đến nhà đại phu ngay, trả lại tiền cho ông trước mặt mọi người. Không thể để ông chịu oan mãi được."
Thế là hai cha con họ đến thẳng nhà lão đại phu, tay cầm hương quỳ trước cửa. Ông Ngụy bèn cười hỏi: "Hôm nay lại là sao vậy?"
Cha con họ xấu hổ nói: "Bạc lúc trước không bị mất. Chúng tôi đã trách nhầm đại phu, tội đáng chết. Hôm nay chúng tôi đến xin trả lại bạc cho ông. Khuyển tử không biết gì. Ông muốn đánh, muốn mắng nó đều được."
Ngụy lão đại phu cười đỡ họ dậy nói: "Chuyện này có gì đâu? Đừng để trong lòng." Con trai người bệnh liền hỏi: "Hôm đó cháu nghe lời gièm pha, trách nhầm ông.
Tại sao lão đại phu không giải thích cho mình? Hôm nay cháu thật sự xấu hổ không biết chui vào đâu. Lão đại phu khoan dung độ lượng bỏ qua cho cha con cháu. Ông có thể nói cho cha con cháu biết, tại sao mình lại làm vậy không ạ?"
Lão đại phu cười trả lời: "Tôi biết cha cậu là người cần kiệm. Nếu lúc bị bệnh, nghe nói mất bạc, bệnh tình có thể sẽ nặng hơn, cũng khó bình phục được.
Thế nên tôi chịu ấm ức, mang tiếng xấu 1 chút để cha cậu biết tìm được bạc rồi, buồn chuyển thành vui, tự nhiên bệnh sẽ khỏi."
Nghe ông Ngụy nói xong, cha con họ cùng quỳ xuống khấu đầu nói: "Cảm tạ lão đại phu khoan dung độ lương, vì chữa bệnh cho tôi mà bất chấp danh tiếng của bản thân. Tôi nguyện kiếp sau làm trâu làm ngựa để báo đáp đại ân của đại phu."
Hôm đó mọi người chứng kiến đều nói lương y nhân đức đúng là khiến người ta không ngờ tới. Từ đó về sau, danh tiếng của Ngụy thiện nhân ngày càng vang xa.