Cụ thể, Koreatimes thông tin, Hanwha - một trong những tập đoàn kinh tế lớn nhất Hàn Quốc, đã bắt tay với Viện khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) đưa ra một dự án hợp tác phát triển vũ khí quân sự tự hành trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) mà CNN gọi là "robot giết người", nhằm mục đích tham gia cuộc chạy đua phát triển vũ khí tự hành trên thế giới.
Bốn dự án "khủng" của Hanwha và KAIST trong cuộc đua vũ khí tự hành trang bị AI
Ảnh minh họa.
Để thực hiện dự án này, hai bên cùng mở rộng một trung tâm nghiên cứu chung tại KAIST, nơi tập hợp các nhà khoa học của KAIST và Hanwha, nhằm tiến hành những nhiệm vụ khác nhau để phục vụ cho mục đích chung là làm thế nào để ứng dụng thành tựu khoa học từ cuộc Cách mạng Công nghệ lần thứ 4 vào vũ khí và chiến trường trong tương lai.
Theo đó, KAIST sẽ cử 25 nhà khoa học đến làm việc tại trung tâm này, trong khi đó, Tập đoàn Hanwha sẽ cử các nhà nghiên cứu ở công ty con thuộc lĩnh vực quốc phòng anh ninh nghiên cứu theo các đề tài đã định sẵn.
Đại diện của Hanwha cho biết, trung tâm nghiên cứu chung này sẽ tập trung vào 4 nhiệm vụ chính, bao gồm: (1) Phát triển hệ thống lệnh trang bị trí tuệ nhân tạo; (2) Phát triển thuật toán AI cho tàu ngầm không người lái; (3) Phát triển hệ thống đào tạo hàng không trang bị AI; (4) Phát triển kỹ thuật theo dõi đối tượng trang bị AI.
"Đến cuối năm 2018, tất cả 4 nhiệm vụ này dự kiến sẽ được hoàn thành. Đó là mục tiêu của trung tâm.", người này cho biết.
Chang Si-kweon, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Hanwha, cho biết công ty của ông hoàn toàn sẵn sàng để vươn lên vị trí dẫn đầu trong việc phát triển các công nghệ quốc phòng lấy ứng dụng từ cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, dựa trên những kỹ năng và thành tựu tiên tiến của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư trong lĩnh vực điện tử quốc phòng.
Ông nói: "Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình và hợp tác chặt chẽ với KAIST để cung cấp các công nghệ mới cho khách hàng. Chúng tôi cũng sẽ làm việc để đảm bảo khả năng cạnh tranh công nghệ trên thị trường toàn cầu."
Một trong những thành tựu gần đây của Hanwha là phát triển hệ thống Radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA).
Hiện, các nước lớn như Mỹ và Nga đã và đang cạnh tranh để phát triển vũ khí AI.
Vũ khí AI (vũ khí trang bị trí tuệ nhân tạo), với tính năng có thể tìm kiếm và tiêu diệt mục tiêu mà không theo sự điều khiển của con người, được xem là "cuộc cách mạng thứ ba" trên chiến trường, sau thuốc súng và vũ khí hạt nhân.
Có thể kể tên những vũ khí AI như tên lửa trang bị trí tuệ nhân tạo hoặc những chiếc tàu ngầm không người lái hay máy bay bốn cánh trang bị vũ khí... Trong đó, tên lửa trang bị trí tuệ nhân tạo có khả năng tự điều khiển tốc độ và độ cao của nó và phát hiện hàng rào radar của đối phương trong thời gian thực khi đang bay.
Làn sóng phản ứng của nhà khoa học về AI trên thế giới
CNN đưa tin, gần 60 nhà khoa học thuộc lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) trên thế giới đã lên tiếng tẩy chay viện KAIST của Hàn Quốc vì cho rằng viện này hợp tác với công ty quốc phòng phát triển vũ khí tự hành không theo sự kiểm soát của con người, CNN gọi đó là "robot sát thủ" (killer robots).
Trong bản tuyên bố đăng trên Website của Viện Đại học New South Wales (Úc), gần 60 giáo sư đã cùng ký vào bản tuyên bố, với nội dung:
"Chúng tôi công khai tuyên bố sẽ tẩy chay tất cả các mối quan hệ hợp tác với viện KAIST (bao gồm việc thăm viện, mời khách mời từ viện hay tham gia bất cứ dự án nghiên cứu nào có viện tham gia) cho đến khi người đứng đầu của viện cam kết không phát triển vũ khí tự hành không theo sự kiểm soát của con người.
Nếu tiếp tục phát triển, loại vũ khí tự hành trang bị trí tuệ nhân tạo sẽ là "cuộc cách mạng thứ ba" của chiến tranh. Hệ quả là, chúng sẽ thúc đẩy chiến tranh nhanh hơn, trên quy mô lớn hơn bao giờ hết. Loại vũ khí này nếu rơi vào tay những kẻ khủng bố, những kẻ phân biệt chủng tộc thì nó có thể trở thành vũ khí khủng bố sát hại người vô tội một cách không thương tiếc.
Chúng tôi yêu cầu viện KAIST nhanh chóng thực hiện cam kết không phát triển vũ khí AI, thay vào đó, viện chỉ nên áp dụng trí tuệ nhân tạo nhằm giúp cuộc sống của con người trở nên tốt đẹp hơn."
Ảnh chụp màn hình những giáo sư lĩnh vực trí tuệ nhân tạo trên toàn thế giới ký vào bản tuyên bố. Nguồn: Viện Đại học New South Wales (Úc).
Đứng trước việc công khai tẩy chay của gần 60 giáo sư lĩnh vực AI trên thế giới, Viện trưởng viện KAIST, giáo sư Shin Sung-chul, lên tiếng khẳng định Viện không có ý định phát triển hệ thống vũ khí giết người hay robot sát thủ, ông nói:
"Là một viện nghiên cứu khoa học, chúng tôi luôn coi trọng nhân quyền và các chuẩn mực đạo đức ở mức độ rất cao. KAIST đã và đang nỗ lực nghiên cứu để giúp thế giới ngày một tốt hơn."
Toby Walsh, giáo sư ngành trí tuệ nhân tạo thuộc Viện Đại học New South Wales (Úc), người soạn bản tuyên bố tẩy chay, nói với CNN rằng ông khá hài lòng với những điều mà viện trưởng KAIST nói.
"Tôi vẫn còn nhiều nghi vấn về những gì họ định làm sắp tới. Tuy nhiên, việc Viện trưởng Shin Sung-chul lên tiếng như vậy phần nào thể hiện trách nhiệm của họ trước công chúng sau này.", giáo sư Toby Walsh nói.
Bài viết sử dụng nguồn: Koreatimes, CNN, UNSW