Trước đó, hôm 17/12, Thượng viện Mỹ đã thông qua một dự luật cho phép áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào những công ty của Đức đang tham gia vào dự án xây dựng đường ống khí đốt dưới nước nhằm đưa khí đốt tự nhiên từ Nga đến cho Đức. Không rõ liệu các biện pháp trừng phạt mà Mỹ vừa tung ra có làm chậm tiến độ thực hiện dự án hay không.
"Tôi không thấy có cách nào tốt hơn việc tiến hành các cuộc đối thoại để làm rõ rằng chúng ta không đồng ý với điều đó”, bà Merkel cho biết đồng thời lên án các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 sẽ cho phép Nga bỏ qua Ba Lan và Ukraine để có thể vận chuyển khí đốt đến thẳng Đức thông qua Biển Baltic. Dự án này được thực hiện bởi tập đoàn Gazprom của Nga.
Chính phủ Mỹ lo ngại, dự án trên sẽ làm gia tăng sự phụ thuộc của Châu Âu vào nguồn năng lượng của Nga.
Tập đoàn Gazprom của Nga đang bỏ ra một nửa trong tổng số chi phí 9,5 tỉ euros của dự án đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc. Phần còn lại được đóng góp bởi các tập đoàn Wintershall Dea, OMV, Engie, Shell và Uniper của Đức.
Mặc dù các tập đoàn trên đến nay chưa nằm trong danh sách mục tiêu trừng phạt nhưng Giám đốc điều hành của Uniper – ông Andreas Schierenbeck bày tỏ, ông xem động thái của phía Mỹ là rất nghiêm trọng.
Về phía chính phủ Đức, Thủ tướng Merkel thẳng thắng tuyên bố, những biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ không khiến Berlin khuất phục trong dự án Dòng chảy phương Bắc 2. “Chúng ta từng không lùi bước trước áp lực của Mỹ trong vấn đề do thám của NSA và bây giờ chúng ta cũng sẽ không lùi bước”, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh một cách đầy cứng rắn như vậy.
Giới chức ở Washington từ lâu đã luôn tìm cách gây sức ép để buộc Đức phải từ bỏ dự án với lý lẽ rằng dự án đó sẽ khiến Đức quá phụ thuộc vào Moscow. Tuy nhiên, bà Merkel luôn phản pháo lại rằng, dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 phục vụ cho các lợi ích kinh tế của Đức và Nga là một đối tác đáng tin cậy trên thị trường khí đốt. Bà Merkel luôn bác bỏ lập luận cho rằng, với dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, Đức có nguy cơ phụ thuộc về mặt kinh tế và chính trị vào Nga.
Phát ngôn viên điện Kremlin – ông Dmitry Peskov lên án chiến dịch chống phá dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 của phía Mỹ, miêu tả đó là một hành động “cạnh tranh bất hợp pháp.”
Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 nếu được xây dựng sẽ giúp chuyển khí đốt từ Nga đi qua Biển Baltic đến Đức. Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 trở nên gây tranh cãi sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Berlin “trở thành con tin của Nga” vì mua khi đốt của Moscow.
Đức nhập 55 tỉ mét khối khí đốt, 70% nhu cầu của nước này, từ Nga và đường ống dẫn khí đốt mới sẽ giúp tăng gấp đôi số lượng khí đốt nhập khẩu.
Ukraine cũng quan ngại về dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 bởi nước này sợ rằng một hệ thống đường ống khí đốt chạy qua lãnh thổ của họ có thể sẽ không còn được cần đến nữa. Phần phí mà Ukraine thu được từ việc đóng vai trò làm trạm trung chuyển khi đốt cho Nga chiếm một phần lớn trong ngân sách của họ. Tuy nhiên, cả Nga và Đức đều trấn an rằng, Ukraine vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hoạt động vận chuyển khí đốt cho Châu Âu.