Tương truyền rằng, Gia Cát Lượng tới năm 8, 9 tuổi vẫn còn chưa biết nói. Nhà vốn nghèo, gia đình ông chẳng cách nào chữa trị, cũng không có điều kiện cho đi học, chỉ để ông đi chăn dê ở ngọn núi gần đó.
Trên ngọn núi ấy có một đạo quán. Đây vốn là nơi tu luyện của một lão đạo lớn tuổi, tóc đã bạc trắng.
Vị lão đạo này mỗi ngày đều đi ra cửa, thấy Gia Cát Lượng liền hỏi này hỏi kia để thử tài. Gia Cát Lượng luôn vui vẻ dùng tay trả lời từng câu hỏi của người kia.
Thấy cậu bé nhà Gia Cát thông minh, dễ mến, lão đạo liền giúp ông chữa bệnh. Nhờ vậy, Gia Cát Lượng mới có thể nói được.
Khi đã biết nói chuyện, ông vô cùng cao hứng, đến đạo quán bái tạ người đạo sĩ. Bấy giờ, lão đạo nói:
"Con hãy về nhà thưa với cha mẹ con, nói rằng ta muốn thu nhận con làm đồ đệ, dạy con học chữ nghĩa, học thiên văn địa lý, âm dương bát quái và binh pháp. Nếu cha mẹ đồng ý thì ngày ngày phải tới đây học, một ngày cũng không được bỏ".
Từ đó, Gia Cát Lượng bái vị đạo sĩ ấy làm thầy, không quản mưa gió, ngày nào cũng lên núi học hành chăm chỉ.
Gia Cát Lượng có được kiến thức uyên thâm cũng nhờ vào việc chuyên cần chăm học, ngày đêm tu dưỡng, không ngừng trau dồi. (Tranh minh họa).
Ông vốn đã thông minh, lại chuyên tâm hiếu học, nên phàm là những gì đã học qua đều không quên, lời thầy giảng chỉ nghe một lần đã nhớ. Thiên phú ấy khiến lão đạo càng thêm yêu quý và dốc lòng bồi dưỡng người học trò này.
Thoắt cái đã 7,8 năm trôi qua, một ngày nọ, ở giữa sườn núi xuất hiện một cái am nhỏ. Mỗi ngày Gia Cát Lượng lên núi đều phải đi qua chỗ đó.
Có lần xuống núi, cuồng phong bất chợt nổi lên, mưa gió ùn ùn kéo tới, Gia Cát Lượng vội chạy đến cửa am trú mưa.
Bấy giờ, có một cô gái lạ mặt nhiệt tình mời ông vào am dùng trà. Người con gái xinh đẹp tựa tiên nữ ấy đã khiến cậu thiếu niên Gia Cát không khỏi động lòng.
Khi mưa gió đã qua, cô gái tiễn Gia Cát Lượng ra cửa, còn mỉm cười và nói: "Từ nay chúng ta coi như quen biết. Về sau nếu lên núi hay xuống núi, chỉ cần khát nước hay mệt mỏi, xin mời vào đây uống chén trà".
Sau lần đó, Gia Cát Lượng mỗi ngày đều ghé thăm am này, cũng được mỹ nữ mời uống trà, ăn cơm, đánh cờ.
So với đạo quán, nơi đây đối với chàng thiếu niên mà nói thật chẳng khác nào thiên đường. Những câu chuyện với mỹ nhân xinh đẹp càng khiến Gia Cát Lượng xao nhãng việc học.
Cũng từ đó, ông đánh mất hứng thú với công cuộc học tập. Mỗi lần bước ra khỏi am, Gia Cát Lượng đều mỉm cười vui vẻ, nhưng khi đi vào cửa đạo quán lại nhanh chóng mang vẻ mặt rầu rĩ.
Dù là bậc đại trí nổi danh Tam Quốc, nhưng Gia Cát Lượng cũng từng có một thời lơ là việc học vì mỹ nữ!
Trong suốt quãng thời gian ấy, mọi lời giảng của sư phụ đối với ông mà nói đều như gió thoảng bên tai, đọc sách cũng không hiểu, lại càng không nhớ được chữ nào.
Lão đạo sĩ đã nhanh chóng nhìn ra vấn đề, liền gọi Gia Cát lượng, lắc đầu thở dài mà nói: "Hủy cây thì dễ, trồng cây mới khó. Ta đã tốn quá nhiều công sức vì con rồi".
Gia Cát Lượng dường như cảm thấy thầy có ý định thôi dạy, định lên tiếng biện minh. Nhưng vị lão đạo lại cất tiếng: "Gió không thổi, cây sẽ không động, thuyền cũng không đảo, nước càng không đục".
Nói đoạn, ông chỉ vào một cây cổ thụ trong sân bị rất nhiều dây leo cuốn vào và hỏi: "Con nhìn xem, cái cây kia vì sao lại sống dở chết dở, không thể lớn thêm được?"
"Vì nó bị dây leo cuốn chặt vào thân nên chẳng thể lớn nổi." – Gia Cát Lượng cũng nhanh chóng nhìn ra vấn đề.
Thấy vậy, lão đạo nói tiếp:
"Đúng là như vậy! Cái cây ấy vốn mọc ở trên núi, sống nơi sỏi đá khô cằn, dù rất khắc nghiệt nhưng nó đã từng sống tốt, đó là vì nó quyết cắm rễ xuống dưới, cành lá không ngừng vươn lên, không sợ mưa gió bão bùng, nên nhanh chóng cao lớn.
Thế nhưng chỉ mới bị mấy dây leo cuốn một lúc mà nó đã chẳng thể lớn thêm được nữa."
Nghe đến đây, Gia Cát Lượng đã hiểu ra được thầy mình muốn nói gì. Ông thành thật hỏi: "Sư phụ, làm thế nào mà thầy biết chuyện?"
Lão đạo sĩ thong thả đáp: "Có câu gần nước hiểu tính cá, gần núi rõ tiếng chim. Ta chỉ cần xem thần sắc của con, quan sát hành động của con, lại còn có thể không nhìn ra tâm tư của con hay sao?"
Sau đó, đạo sĩ giải thích cho Gia Cát Lượng rằng mỹ nhân trong am vốn là một con tiên hạc, vì ăn vụng hội bàn đào nên bị Vương Mẫu đầy xuống hạ giới.
Con tiên hạc ấy xuống nhân gian hóa thành mỹ nữ, vốn chẳng làm được việc gì, chỉ biết quyến rũ người khác, nếu họ không chiều theo ý mình thì sẽ tìm cách làm hại.
Gia Cát Lượng nghe xong sợ hãi vô cùng, vội hỏi sư phụ nên làm thế nào. Lão đạo nói rằng, con tiên hạc kia mỗi đêm sẽ hiện nguyên hình bay lên thiên hà tắm rửa. Khi đó chỉ cần lẻn vào phòng, lấy y phục của nó đem đốt đi là được.
Nói tới đây, lão đạo sĩ còn đưa cho học trò của mình một cây gậy đầu rồng và căn dặn:
"Khi phát hiện xiêm y bị đốt, tiên hạc sẽ tức giận mà làm hại con. Khi ấy, con hãy dùng cây quải trượng này đánh nó!"
Đêm hôm đó, Gia Cát Lượng lẻn vào trong am, đem y phục của tiên hạc đốt đi. Phát hiện có việc chẳng lành, tiên hạc vội bay về phòng, định lao tới mổ mắt kẻ đốt xiêm y của mình.
Gia Cát Lượng nhớ lời thầy dặn, nhanh chóng cầm quải trượng đánh con hạc tiên rớt xuống đất. Lúc đó, ông chộp được đuôi của nó, mà tiên hạc vùng vẫy liều mạng thoát ra, lông đuôi liền bị Gia Cát Lượng giật đứt hết.
Tiên hạc bị đứt hết lông đuôi, chẳng còn mặt mũi nào lên thiên cung, cũng không thể hóa thành mỹ nữ vì xiêm y đã bị đốt mất, chỉ có thể trà trộn vào đàn hạc nơi nhân gian mà lẩn trốn.
Sau lần đánh cược tính mạng để tỉnh ngộ đó, Gia Cát Lượng luôn đem theo lông đuôi tiên hạc bên mình, khắc cốt ghi tâm bài học này, chuyên tâm học hành, khổ luyện thành tài.
Nhiều người về sau cho rằng, chiếc quạt luôn được Gia Cát Lượng mang bên mình vốn được làm lông đuôi của con tiên hạc năm nào.
Ảnh minh họa.
Lời bình
Câu chuyện học hành của Gia Cát Lượng từ thuở niên thiếu truyền lại cho chúng ta một đạo lý, dù là bậc thánh nhân hay người bình thường, bất luận làm việc gì cũng cần dụng tâm, chuyên nhất, kiên trì theo đuổi đến cùng.
Bởi đúng như người thầy của Gia Cát tiên sinh đã từng nhắc nhở, trồng cây thì khó, hủy cây thì dễ, nếu dễ dàng bận lòng vì những việc khác thì làm chuyện gì cũng khó thành.
Chỉ khi chuyên tâm dồn sức, trước sau một lòng một dạ, kiên trì đi đến mục tiêu cuối cùng, ta mới có thể đạt được điều mình muốn.