Majjhima Nikaya, hay còn gọi là Kinh Trung Bộ, là một bộ sưu tập những bài thuyết giảng của Đức Phật, được lưu truyền cho đến ngày nay. Những hình ảnh so sánh thú vị và dễ hiểu trong đó đã trở thành kim chỉ nam cho nhiều người và câu chuyện về mũi tên tẩm thuốc độc dưới đây cũng là 1 trong số đó.
Câu chuyện về mũi tên tẩm thuốc độc
Ngày ấy, trong số các môn đồ của Đức Phật có một người rất thiếu kiên nhẫn. Đi theo Đức Phật chưa lâu, nhưng người này nôn nóng muốn có được tất cả những câu trả lời về vũ trụ, về thế giới, về sự sống và cái chết.
Vì thế, một hôm, Đức Phật đã kể cho anh ta nghe câu chuyện về một người đàn ông bị bắn trúng bởi một mũi tên tẩm thuốc độc và bị thương nặng. Khi gia đình anh ta muốn tìm một thầy thuốc giỏi để giúp anh ta, người đàn ông đã khoát tay bảo dừng lại.
Anh ta nói rằng, trước khi mời thầy thuốc tới, anh ta muốn biết ai là kẻ đã tấn công anh ta, và tại sao lại làm điều đó. Hắn là kẻ có địa vị thế nào? Hắn từ đâu tới? Anh ta cũng muốn biết hắn có cao không, có khỏe mạnh không? Màu da của hắn sáng hay sẫm?
Chưa hết, hắn dùng loại cung tên gì? Có phải được làm từ gỗ của cây trúc đào hay không? Còn nữa, dây cung được làm bởi vật liệu gì? Lụa, hay cây gai dầu?
Ngoài ra, anh ta còn muốn biết những sợi lông từ mũi tên ấy được làm từ lông của của con kền kền, công hay chim ưng?
Chính vì có quá câu hỏi hóc búa được đặt ra, người nhà của anh ta còn chưa kịp tìm hiểu để trả lời cho anh ta, thì anh ta đã chết trước khi có được câu trả lời cho bản thân.
Ý nghĩa ẩn sau câu chuyện về mũi tên tẩm thuốc độc này là gì?
Kể câu chuyện này cho môn đồ của mình, Đức Phật muốn nói anh ta cũng giống như người đàn ông bị trúng mũi tên độc không biết điều gì mới là quan trọng nhất cho mình, mà cứ mải mê tìm kiếm những điều xa xôi ở tận chân trời.
Một trong những giáo lý mà Đức Phật răn dạy chúng ta là hãy sống cho hiện tại, tập trung vào những điều cốt yếu trong cuộc sống, chứ đừng đi tìm kiếm những điều viển vông, vô ích và chẳng có mấy ý nghĩa cho sự tồn tại của chúng ta.
Hay như Đức Phật nói, "Đừng bám vào quá khứ, đừng mơ tới tương lai, hãy tập trung vào hiện tại".
Khi nghe câu chuyện về người đàn ông này, có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ thấy anh ta thật là ngớ ngẩn, nhưng chẳng phải nhiều lúc, chúng ta cũng hành động như anh ta hay sao?
Nhiều khi chỉ vì tò mò, chúng ta tập trung quá nhiều vào những vấn đề không mấy quan trọng với cuộc sống của chúng ta, để rồi lãng phí thời gian và để lỡ mất những mục tiêu, những điều thực sự cần thiết.
Vì thế, cần phải có sự thông tuệ để phân biệt đâu là thứ quan trọng nhất với mình, và chỉ tập trung vào những điều ấy, hơn là những chuyện viển vông và vượt quá khả năng của bản thân. Điều này có thể tạo nên sự khác biệt giữa việc vượt qua khó khăn hoặc ta bị khó khăn cản bước.
Đức Phật nói, "Nghe được một lời hữu ích, khiến tâm trí ta bình an, còn hơn cả ngàn lời vô dụng", và theo Ngài, để không bị lạc lối trong cuộc sống có quá nhiều thứ rối ren này, hãy làm theo 4 quy tắc sau.
1. Hãy tập trung vào những điều thực sự xứng đáng
Việc lạc hướng hoặc phân tâm không hẳn lúc nào cũng là không tốt. Đôi khi, nó sẽ cho bạn những ý tưởng mới thú vị mà bạn không ngờ đến.
Song sẽ có vấn đề nếu chuyện này xảy ra quá thường xuyên mà không có mục đích thực sự nào.
Do đó, khi có vấn đề cần giải quyết, tốt nhất bạn phải giải quyết tận gốc, giải quyết triệt để, nếu không thì chỉ khiến cho vấn đề ngày càng tệ hơn và khó cứu vãn.
2. Hãy đi dần từng bước
Có câu nói, "Ăn xong quả oliu thì hãy vứt hạt đi", có ngụ ý rằng sau khi giải quyết xong một vấn đề, bạn hãy giải quyết đến vấn đề tiếp theo, chứ đừng xử lý nhiều việc cùng một lúc vì điều đó sẽ không hiệu quả, thậm chí dễ xôi hỏng bỏng không.
3. Hãy để mọi thứ thuận theo tự nhiên
Có những lúc, khi phải đối mặt với vô số những điều không như ý, ta cảm thấy đầu óc ta là một mớ hỗn loạn và không biết phải làm thế nào hay nên làm gì trước.
Những lúc đó, hãy để mọi thứ thuận theo tự nhiên. Hãy để đầu óc bạn thoát khỏi nỗi lo lắng, sự tức giận hay thất vọng, rồi mọi chuyện tự khắc sẽ có cách giải quyết.
4. Hãy loại bỏ những điều không cần thiết
Có câu nói, "Người có ít, muốn ít, lại giàu có hơn những người có nhiều và muốn nhiều hơn".
Đôi khi ta nghĩ để hạnh phúc, ta phải giành được những thứ mình không có. Nhưng khi bạn quen với một cuộc sống chỉ có những tiện ích cơ bản và bạn đào sâu tri thức cho mình, bạn sẽ thấy mình không thiếu gì nhiều.
Sự yêu thích những thứ đáng để yêu có ý nghĩa hơn nhiều so với việc sở hữu những món đồ đắt đỏ, thừa thãi hoặc không cần thiết.
Danh họa nổi tiếng Leonardo da Vinci từng nói, "Sự đơn giản chính là sự thỏa mãn tối thượng", và câu chuyện mà Đức Phật kể cho chúng ta về mũi tên tẩm thuốc cũng chính là muốn nói về điều này.
Theo Exploring Your Mind