Trong cuộc sống, có nhiều thời điểm mà người ta cho đó là bước ngoặt của cuộc đời mình. Ai mà chẳng muốn một người chồng tốt bụng, khiến cuộc sống mình trở nên tốt hơn? Tuy nhiên, để tìm thấy nhau cũng chẳng phải là điều dễ dàng.
Cuộc gặp mặt giữa đại gia và "gái làng chơi"
Phan Tố từng là con gái trong một gia đình danh gia vọng tộc ở Tô Châu. Ngay từ khi còn nhỏ, bà đã được mẹ mời những giáo viên nổi tiếng về dạy chơi đàn tì bà và hội họa.
Lớn lên, Phan Tố sở hữu thân hình đầy đặn, gương mặt thanh tú, đôi mắt đen láy và vầng trán rộng. Khi cười, lộ rõ đôi má lúm thật sự quyến rũ. Bà được mệnh danh là "Đệ nhất mỹ nhân phía Nam sông Dương Tử".
Năm Phan Tố 13 tuổi, mẹ bà đột ngột qua đời. Khi đó, kinh tế của gia đình họ Phan cũng dần dần đi xuống do người cha ăn chơi trác táng.
Hồi đó, người mẹ kế họ Hoàng đã bán Phan Tố vào nhà thổ ở Thượng Hải vì chơi đàn tì bà quá giỏi để lấy một món tiền. Cuộc đời Phan Tố thay đổi hoàn toàn kể từ đó. Bởi vì có khả năng viết, vẽ và chơi đàn tì bà nên rất nhanh chóng, Phan Tố trở thành "thẻ bài" hàng đầu của nhà thổ.
Trong thời đại hỗn loạn ấy, Phan Tố đã dựa vào sắc đẹp cũng như tài năng để tồn tại. Bà chỉ bán nghệ, không bán thân bởi lúc đó, chẳng phải ai cũng có khả năng đọc chữ, đánh đàn.
Không chỉ vậy, Phan Tố cũng múa rất đẹp. Gương mặt lạnh lùng, tài năng đầy mình và tầm hiểu biết hơn người, tiếng tăm Phan Tố chẳng mấy chốc mà lan xa.
Vào những năm đó, nhà thổ là nơi mà người ta đến để xã giao, bàn chuyện. Nó không chỉ mang yếu tố là nơi "tầm hoa" như thời ngày xưa. Ở đó có sự xuất hiện của các thương gia, quan viên hay những nhân vật tầm cỡ trong xã hội.
Phan Tố có nhan sắc xinh đẹp.
Và trong một lần may mắn, Phan Tố đã gặp được Trương Bách Câu. Họ Trương đến để bàn chuyện làm ăn và tình cờ thấy hứng thú với cô gái đánh đàn xinh đẹp. Trương Bách Câu là một nhà sưu tập, nhà thư pháp, họa sĩ và là nhà thơ nổi danh thời Trung Hoa Dân Quốc.
Thời đó, họ Trương vẫn là một người đàn ông phong lưu. Lần đầu tiên nhìn thấy Phan Tố, ông đã cảm thấy "đứng tim". Bà xuất hiện với vẻ ngoài thướt tha, tay ôm cây đàn đến trên bục biểu diễn.
Nghe xong bản đàn, Trương Bách Câu đã sa luôn vào lưới tình. Ông đã đưa ra một câu đối để tỏ ý khen ngợi. Ai ngờ, Phan Tố có thể đáp lại suôn sẻ. Đây thực sự là một điều quá mức bất ngờ bởi họ Trương chẳng thể nghĩ đến chuyện vào nhà thổ mà gặp được người con gái hiểu biết đến thế. Thời điểm đó, Trương Bách Câu 37 còn Phan Tố 20 tuổi.
Trương Bích Câu khi còn trẻ.
Thực tế hồi ấy, Trương Bách Câu đã có 2 người vợ. Vợ cả theo sự sắp đặt của gia đình nên ông kết hôn. Vì bà không thể sinh con nên ông cưới người vợ hai. Vào thời đại đó, chuyện đàn ông thê thiếp vẫn chẳng phải là vấn đề gì lớn, nó là lẽ thường tình mà thôi. Sau buổi gặp đầu tiên, Trương Bách Câu đã phải lòng Phan Tố.
Về phần Phan Tố, khi gặp Trương Bách Câu, bà cũng đã nói chuyện kết hôn với một trung tướng Quốc Dân đảng. Sau khi biết chuyện Trương Bách Câu để ý đến cô gái này, ông ta đã tức giận và quyết định "giam lỏng" Phan Tố. Với sự giúp đỡ của một người bạn, Bách Câu mua chuộc vệ sĩ, cứu Phan Tố rồi cùng nhau bỏ trốn.
Trương Bách Câu sinh ra trong một gia đình quyền quý, gia thế vững chắc. Nhưng cũng chính vì điều này mà ông không dám để lộ cho Phan Tố biết. Ông muốn tình cảm cứ đến một cách bình thường, không bị ảnh hưởng bởi gia đình. Cũng bởi vì thế, họ Trương chẳng dám nói đến gia cảnh cho đến khi cả hai nói chuyện kết hôn. Kèm theo đó là việc Trương Bách Câu đã có 2 người vợ.
Phan Tố nghe xong, không khóc lóc hay biểu lộ sự thất vọng. Bà chỉ nhẹ nhàng đáp lại bằng hai từ: "Em biết".
Trải qua biết bao chông gai, cuối cùng Phan Tố cũng tìm được người đàn ông thật lòng yêu mình. Tình yêu giữa cả hai sâu đậm như vậy, bà chẳng biết nên rời xa như thế nào nữa.
Năm 1937, cặp đôi tổ chức đám cưới. Vào đêm tân hôn, Trương Bách Câu rất ngạc nhiên khi thấy Phan Tố trút bỏ lễ phục, mặc đồ trắng nên hỏi: "Vào những ngày lễ, em thường mặc đồ trắng à?".
Phan Tố đáp lại: "Trắng như vậy là màu sắc thực sự của em".
Phan Tố biết bản thân gả được cho Trương Bách Câu là may mắn lớn của mình. Ông cũng chẳng đòi hỏi gì cả, chỉ mong được đầu bạc răng long với nhau. Trong mấy người vợ, chỉ có Phan Tố là người ông yêu chứ trước đó, tất cả đều từ hôn nhân sắp đặt.
Nữ họa sĩ có tác phẩm được chọn làm quà tặng quốc gia
Sau khi kết hôn, cảm thấy vợ mình có năng khiếu hội họa, Trương Bách Câu đã chi nhiều tiền để mời thầy về dạy bà vẽ tranh. May mắn thay, có nền tảng hội họa từ nhỏ, Phan Tố tiến bộ rất nhanh. Bà cũng đồng hành với họ Trương đi du lịch rồi ký họa phong cách ở nhiều nơi. Dần dần, Phan Tố đã trở thành họa sĩ vẽ tranh phong cảnh nổi tiếng.
Vì tài năng đó, Phan Tố trở thành một người vợ hoàn hảo của Trương Bách Câu. Cả hai cùng đam mê nghệ thuật và sống hết mình cho nghệ thuật. Người ta nhận xét về họ như sau:
"Tranh của cô thanh lịch và tao nhã với sự nhẹ nhàng và yên bình. Văn của anh, sang trọng và thanh lịch, thể hiện sự nhàn nhã và thanh lịch. Một người là nữ họa sĩ tài hoa, người còn lại là công tử quý tộc tài hoa. Hai người như vậy thực sự là xứng đôi vừa lứa".
Tác phẩm của Phan Tố.
Tên tuổi của Phan Tố ngày càng nổi bật trong giới nghệ thuật. Năm 1958, một bức tranh của bà được chọn để tặng cho Thủ tướng Anh làm quà. Khi đó, Thủ tướng Anh còn phải hết lời ca ngợi với kỹ năng vẽ tranh tinh xảo bằng mực truyền thống của Trung Quốc.
Nhiều bậc thầy hội họa như Tề Bạch Thạch, Hồ Bội Hoành hết lời khen ngợi. Những năm 1960, Phan Tố gia nhập vào Hiệp hội Họa sĩ Trung Quốc. Các tác phẩm của bà được triển lãm khắp nơi trên thế giới, danh tiếng Phan Tố nhờ vậy mà được đẩy lên cao.
Về phần Trương Bách Câu, ông vẫn hết mình sưu tập các tác phẩm nghệ thuật. Có những thời điểm gia đình khó khăn song Phan Tố vẫn cố gắng cân bằng, làm mọi việc để chồng được thỏa mãn đam mê. Thậm chí, bà từng mang cả đồ trang sức của mình để đổi tranh về cho chồng. Đúng là khi yêu một người sâu sắc, bạn có thể bao dung cho tất cả tính cách trẻ con của họ, giống như Phan Tố.
Hai vợ chồng vẫn luôn đồng hành cùng nhau.
Phan Tố vẽ tranh.
Trương Bách Câu từng nói: "Khi cưới tôi, cô ấy có rất nhiều của hồi môn. Cô ấy chưa bao giờ tiêu tiền cho mình một xu. Tôi là đứa trẻ mà vợ tôi đã nuôi nấng và tiêu tiền khắp nơi".
Sau khi già yếu, Trương Bách Câu đã lập di chúc trên giường bệnh. Ông để lại toàn bộ những bộ sưu tập của mình cùng các di vật quý hiếm cho Phan Tố. Tất cả chúng đều rất có giá trị.
Sau khi Trương Bách Câu qua đời, Phan Tố quyết định tặng toàn bộ chúng cho nhà nước để được bảo quản một cách tốt nhất.
Phan Tố đã viết lại cuộc đời mình. Biết bao nhiêu người có số phận bi đát khi rơi vào nhà thổ nhưng bà đã khác. Với định mệnh tình yêu, bà đã thay đổi cả cuộc đời!