Tesla vừa công bố báo cáo tác động môi trường năm 2022, qua đó vẽ nên bức tranh cụ thể nhất về vấn đề phát thải của hãng xe điện nổi tiếng. Tổng lượng khí thải rơi vào khoảng 30,7 triệu tấn carbon dioxide, tức gấp hơn 12 lần tổng phát thải được công bố năm ngoái, theo The Verge.
Năm ngoái, Tesla chỉ tiết lộ mức độ ô nhiễm khí nhà kính - hệ lụy từ các hoạt động sản xuất và sạc xe điện. Con số này tương đương 2,5 triệu tấn carbon dioxide, đồng thời đưa Tesla trở thành ví dụ điển hình cho trách nhiệm tính toán tất cả lượng khí thải trực tiếp và gián tiếp của một công ty. Đây cũng là vấn đề đang gây tranh cãi ở Mỹ giữa các tập đoàn và Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC).
Lượng khí thải carbon của một công ty thường được chia thành 3 phạm vi chính. Phạm vi thứ nhất bao gồm lượng khí thải trực tiếp từ các nhà máy, văn phòng và phương tiện mà họ sử dụng. Phạm vi thứ hai bao gồm lượng khí thải từ việc sử dụng các thiết bị điện, sưởi ấm và làm mát. Phạm vi thứ ba bao gồm tất cả các phát thải gián tiếp khác từ chuỗi cung ứng và vòng đời của xe điện. Trong phạm vi thứ ba, có 15 loại phát thải khác nhau.
Thông thường, các công ty chỉ chia sẻ lượng khí thải thuộc phạm vi thứ nhất và thứ hai để giúp lượng khí thải carbon của mình trông có vẻ nhỏ hơn nhiều so với thực tế. Từ năm ngoái, quy tắc chia sẻ lượng khí thải trở nên bắt buộc, tuy nhiên không áp dụng với khí thải thuộc phạm vi thứ 3. SEC đã trì hoãn kế hoạch này, đồng thời cho biết các công ty có thể không cần công khai số liệu.
Từ trường hợp Tesla, có thể thấy nếu không công bố lượng phát thải phạm vi thứ ba, con số phát thải có thể thấp hơn thực tế hàng chục lần. Công ty này cũng tụt hậu so với nhiều nhà sản xuất ôtô khác trong việc đạt chất lượng khí thải nhà kính tiêu chuẩn. Chẳng hạn, Ford đạt điểm “A” cho các tiết lộ về phát thải kể từ năm 2019, trong khi Tesla đạt điểm “F”, theo đánh giá của CDP, một tổ chức phi lợi nhuận đánh giá báo cáo môi trường.
Tổng lượng khí thải của Tesla rơi vào khoảng 30,7 triệu tấn carbon dioxide, tức gấp hơn 12 lần lượng phát thải được công bố năm ngoái.
Dù vậy, lượng khí thải carbon của Ford lớn hơn nhiều so với Tesla, lên đến hơn 337 triệu tấn CO2 vào năm 2022. Phần lớn trong số đó đều thuộc phạm vi thứ 3 bởi hãng này đã bán một lượng xe gấp 3 lần so với Tesla và hầu hết đều là xe xăng.
Năm ngoái, Tesla bị loại khỏi ESG của S&P500 - chỉ số sử dụng dữ liệu về môi trường, xã hội và quản trị để xếp hạng và đánh giá các công ty cho giới đầu tư. Tiêu chí bao gồm hàng trăm điểm dữ liệu liên quan đến cách doanh nghiệp tác động lên môi trường và thiết lập mối quan hệ với cổ đông, khách hàng, nhân viên, nhà cung cấp và đối tác.
Đại diện quản lý chỉ số ESG cho biết Tesla đã “thiếu chính sách duy trì lượng carbon ở mức thấp” cũng như “quy tắc ứng xử trong kinh doanh”. Ngoài ra, các bê bối xoay quanh tình trạng phân biệt chủng tộc, điều kiện làm việc tồi tệ tại nhà máy Fremont, California cũng như các cuộc điều tra của Cơ quan Quản lý an toàn giao thông Quốc gia hồi năm ngoái cũng ảnh hưởng tiêu cực lên điểm dữ liệu này.
Thay vì đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nguồn năng lượng bền vững như cam kết, hồi tháng 2/2022, Tesla còn bị Cơ quan Bảo vệ Môi trường điều tra sau nhiều năm vi phạm Đạo luật Không khí sạch và bỏ qua việc theo dõi lượng khí thải. Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế chính trị U-Mass Amherst, hồi năm 2021, Tesla chỉ xếp thứ 22 trong top 100 công ty gây ô nhiễm.
Năm ngoái, Tesla chỉ tiết lộ mức độ ô nhiễm khí nhà kính - hệ lụy từ các hoạt động sản xuất và sạc xe điện.
Trong hồ sơ quý I/2022 của Tesla, công ty cũng tiết lộ đang bị điều tra về quá trình xử lý chất thải ở bang California, đồng thời phải nộp phạt cho giới chức Đức vì không đáp ứng đủ trách nhiệm trong việc thu hồi pin đã qua sử dụng.
“Có thể Tesla đang giúp nước Mỹ dần hạn chế các phương tiện chạy bằng nhiên liệu, song nếu xét trên chỉ số ESG, công ty này lại đang tụt hậu so với các đối thủ”, đại diện ESG cho biết.
Đáp lại khi đó, Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk cho rằng danh sách lần này của S&P500 đã “mất đi tính toàn vẹn”, sau đó công khai phản ứng trên trang Twitter cá nhân: “Tôi ngày càng nghi ngờ rằng ESG chính là hiện thân của Qủy’’.
“Báo cáo về môi trường, xã hội và quản trị ESG không đo lường phạm vi tác động tích cực mà chỉ tập trung vào những giá trị rủi ro. Chắc các nhà đầu tư cá nhân, những người ủy thác vào quỹ ESG, không biết rằng tiền của họ có thể đang được dùng để mua cổ phiếu các công ty gây ô nhiễm môi trường’’, đại diện Tesla cho biết.
Cùng với đó, Tesla cũng khẳng định các nhà sản xuất ô tô vẫn có thể đạt xếp hạng ESG cao ngay cả khi không giảm phát thải khí nhà kính và tiếp tục sản xuất những chiếc xe động cơ đốt trong.
Theo: The Verger, CNBC