Càn Long không chỉ nổi tiếng là một vị Hoàng đế anh minh, có tài trị quốc của thời Mãn Thanh mà Càn Long Đế còn được biết đến là một ông vua phong lưu, đa tình với hơn 40 phi tần, chưa kể tới hàng trăm quý nhân, thường tại, đáp ứng khác.
Mặc dù có hàng trăm giai lệ nhưng Càn Long vẫn “tình thâm ý trọng” với một vị quan thần khiến hậu thế cho đến giờ vẫn đặt dấu chấm hỏi về mối quan hệ vua - tôi mật thiết này.
Vị quan thần này không phải ai xa lạ mà chính là Hòa Thân, một cái tên quá đỗi quen thuộc trong lịch sử Trung Quốc.
Càn Long - Hòa Thân và câu chuyện “Duyên tiền kiếp”
Có rất nhiều dị bản kể về mối tình Càn Long - Hòa Thân, nhưng có một câu chuyện mà nhiều tài liệu ghi lại nhất là việc Hòa Thân chính là truyền kiếp của phi tử bị chết vì Càn Long hóa thành.
Câu chuyện này bắt nguồn từ thời Ung Chính (cha của Càn Long), khi Càn Long chỉ mới là một thân vương.
Chân dung Càn Long Đế.
Theo một số lời kể, một lần Càn Long thấy một phi tử vô cùng diễm lệ của Ung Chính đang chải đầu. Do không cầm được lòng, Càn Long đã đi từ phía sau để bịt mắt bà trêu đùa.
Đúng lúc này, phi tử kia vô tình vung lược đập trúng mặt Càn Long, khiến ông bị một vết đỏ ở mặt.
Ngày hôm sau, Ung Chính thấy trên mặt con trai có vết đỏ mới hỏi vì sao nhưng Càn Long không dám nói.
Sau đó, bị quở trách nghiêm khắc nên Càn Long đã nói ra sự thật. Thái hậu nghe xong nghi ngờ người phi tử đó có ý định đùa bỡn với Càn Long nên lập tức ban chết cho nàng.
Đau khổ vì vô tình hại chết một phi tử kiều diễm, Càn Long đã dùng ngón tay đánh dấu vết đỏ lên cổ của người phi tử này và hứa hẹn: “Là ta đã hại chết nàng, nếu linh hồn nàng linh thiêng, hai mươi năm sau chúng ta sẽ gặp lại nhau“.
Không biết thực hư như thế nào nhưng sau khi trở thành vua, Càn Long đã gặp Hòa Thân và phát hiện thấy trên cổ của vị quan này có một vết bớt đỏ hình ngón tay.
Không chỉ vậy, khi gặp Càn Long, Hòa Thân đang ở độ tuổi 20 và dung mạo của ông còn khá giống với phi tử năm xưa Càn Long vô tình hại chết, nên vị vua này cho rằng Hòa Thân chính là người phi tử đầu thai.
Càn Long Đế thời còn là Bảo Thân vương Hoằng Lịch.
Miêu tả về ngoại hình của Hòa Thân, nhiều sử sách Trung Quốc ghi lại, Hòa Thân có dung mạo rất đẹp, da trắng, môi đỏ, khuôn mặt sắc nét rất quyến rũ, cử chỉ trang nhã xinh đẹp chẳng khác gì nữ nhân.
Cũng chính vì vậy mà Hòa Thân được mệnh danh là Mãn Châu đệ nhất tuấn nam. Thậm chí, vẻ đẹp của Hòa Thân được một số tài liệu ghi rằng Hòa Thân còn diễm lệ hơn cả phi tần của Càn Long.
Cũng từ đây, con đường công danh của Hòa Thân lên như diều gặp gió. Từ một thị vệ nhỏ nhoi, ông ta được thăng lên tới chức tể tướng.
Hòa Thân được Càn Long vô cùng sủng ái, dù có hàng trăm phi tần xinh đẹp nhưng Càn Long vẫn suốt ngày quấn quýt lấy Hòa Thân.
Nhiều tài liệu ghi rằng, ngày nào Càn Long không gặp được Hòa Thân thì sẽ không chịu được nên vị đại thần này ngày nào cũng phải vào cung hầu hạ, thăm nom Càn Long.
Hòa Thân (1750-1799) hay còn gọi là Hòa Khôn, nguyên tên Thiện Bảo.
Mối quan hệ giữa Càn Long và Hòa Thân cũng không phải xuất phát từ một phía.
Ngược lại, Hòa Thân cũng hết lòng phục vụ Càn long, suốt ngày quấn quýt, hầu hạ Càn Long còn hơn bất cứ tên thái giám nào trong cung.
Càn Long vi hành nơi đâu cũng đem Hòa Thân theo. Cũng chính vì vậy mà có tư liệu cho rằng Hòa Thân là một hoạn quan.
Đỉnh điểm sự sủng ái của Càn Long đối Hòa Thân còn được thể hiện qua mối hôn nhân mà Càn Long ban cho con trai của vị đại thần này.
Càn Long Đế đã gả vị công chúa mà ông thương yêu nhất - Cố Luân Công chúa - cho con trai của Hòa Thân và phong hiệu “Phong Thân Ân Đức”.
Hòa Thân: Đại tham quan trong lịch sử Trung Quốc
Nhắc tới Hòa Thân là nhắc đến biệt hiệu “Tham quan bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc”.
Tuy nhiên, ban đầu Hòa Thân cũng là một vị quan tốt, làm việc hăng say, gặt hái nhiều chiến tích xuất sắc nên được ban đến chức đại thần tổng quản phủ nội vụ.
Sau khi được phái đến Vân Nam điều tra vụ án Lý Thị Nghiêu tham ô, Hòa Thân được phong lên chức hộ bộ thượng thư.
Tuy nhiên, có lẽ rằng lòng tham của con người là không đáy nên khi đã ở vị trí quyền cao chức trọng, Hòa Thân nhanh chóng quên mất lời thề năm xưa là trở thành một viên quan tốt, từng bước đặt chân lên con đường tham ô, bị người đời thoái mạ.
Tạo hình nhân vật Càn Long Đế và Hòa Thân trong phim.
Được sự ưu ái của Càn Long trong suốt 24 năm, Hòa Thân đã làm loạn chốn quan trường, ra sức ăn hối lộ, tham nhũng của cải của đất nước.
Của cải của Hòa Thân nhiều đến mức trong dân gian có tương truyền rằng: “Cái Càn Long có Hòa Thân có, cái Càn Long không có chưa chắc Hòa Thân không có”.
Tổng cộng gia sản của Hòa Thân ước tính vào khoảng 1.100 triệu lạng bạc, nhiều lời đồn cho rằng nó còn tương đương số tiền mà quốc khố Nhà Thanh phải mất 15 năm mới thu được.
Không chỉ vậy, tham quan này còn kết bè kéo cánh, hình thành một thế lực lớn mạnh.
Sở Văn lục đời sau viết: “Đời Thanh Cao Tông Càn Long, Hòa Thân làm quan, quyền thế khuynh đảo thiên hạ, kết bè kết đảng, đi lệch chính đạo mà kẻ sĩ trong triều chẳng dám ngăn trở”.
Sử sách ghi lại, Càn Long Đế quấn quýt bên Hòa Thân mỗi ngày, còn hơn cả phi tần của ông.
Có lẽ rằng khi đó Càn long biết rõ Hòa Thân làm loạn sau lưng mình, nhưng Càn Long đã nhắm mắt làm ngơ, bỏ qua cho Hòa Thân.
Mãi cho tới khi Càn Long băng hà, hoàng đế kế vị là Gia Khánh nhanh chóng tuyên bố Hòa Thân phạm 36 tội trạng, hạ chỉ thu hồi tất cả tài sản của đại tham quan.
Sau động thái này, quốc khố của Thanh triều rủng rỉnh lên trông thấy khiến trong dân gian còn lưu truyền câu nói châm biếm: “Hòa Thân bị đổ, Gia Khánh vớ bở”.
Hòa Thân là đại tham quan không tài cán?
Mặc dù Hòa Thân nổi tiếng là một đại tham quan nhưng ít ai dám phủ nhận tài năng của vị đại thần này. Cả đời Hòa Thân được thăng chức 47 lần, từng giữ và kiêm nhiệm đến hơn 6 chức quan trọng yếu.
Hòa Thân tinh thông 4 loại văn tự là: Mãn, Hán, Mông Cổ, Tây Tạng, lại nằm lòng Tứ thư, Ngũ kinh và rất giỏi làm thơ.
Không chỉ vậy, Hòa Thân còn có biệt tài trong việc quản lý tài chính. Dưới bàn tay của Hòa Thân, tài chính trong Tử Cấm Thành bao giờ cũng được đảm bảo.
Tuy là một đại tham quan nhưng Hòa Thân cũng là một người có tài.
Không những thế, ông còn là một chính trị gia, một nhà ngoại giao, một nhà kinh tế.
Hòa Thân từng nhiều lần phụ trách tiếp sứ thần Triều Tiên, Anh…
Trong “Thanh đại danh nhân truyện lược” có ghi rằng, vào năm 1792 năm Càn Long 57, sứ thần nước Anh đã bình luận về Hòa Thân là người “luôn giữ thân phận tôn nghiêm của mình”, “thái độ hòa nhã dễ gần, nhìn nhận vấn đề rất sắc bén sâu sắc, không hổ là một chính trị gia lão luyện”.
Tạm kết lại rằng, lịch sử đã trôi qua, công và tội của Hòa Thân cũng được sử sách ghi lại nhưng chỉ có “mối tình” của Càn Long và Hòa Thân vẫn còn là một ẩn số khiến hậu thế nghị luận.
Tuy nhiên, “không có lửa làm sao có khói”?