Hằng năm, có hơn 3.000 cặp đôi từ các quốc gia Trung Đông đã rủ nhau sang Cộng hòa Síp để kết hôn bởi đối với họ, đây chính là điểm đến dễ dàng nhất để có thể thực hiện một lễ cưới thông thường và không mang màu sắc tôn giáo như tại quê nhà.
Trong tiếng nhạc lãng mạn được phát ra từ những chiếc loa nhỏ, một cặp đôi đang dắt tay nhau đi qua những hàng ghế trống tại trung tâm tổ chức hôn lễ Larnaca...
Những đám cưới kì lạ trên hòn đảo "tình yêu"
Rachelle và Abdul Kader là một cặp đôi người Li-băng. Tuy nhiên, họ lại quyết định tới một quốc đảo nhỏ nằm ở phía Đông biển Địa Trung Hải để cử hành hôn lễ.
Đặc biệt hơn, đôi uyên ương này không hề khoác lên mình những bộ váy áo lộng lẫy như các cô dâu, chú rể mà bạn vẫn thường thấy.
Họ chỉ xuề xoà với áo thun trắng cùng chiếc quần jean rách bụi bặm, rồi nhẹ nhàng trao lời hẹn ước trăm năm bằng tiếng Anh thay vì tiếng Ả-rập - ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.
Ngoài ra, chỉ có một vị khách duy nhất được mời đến hôn lễ của hai người, và cũng là nhân vật vỗ tay chúc mừng khi họ trao nhau nụ hôn đầu tiên với tư cách vợ chồng.
Đôi bạn trẻ đã quyết định kết hôn trên hòn đảo "tình yêu" tại Cộng hòa Síp.
Hôn lễ "kỳ lạ" như vậy không phải là hiếm đối với những người trẻ tại Li-băng, một quốc gia có tới 18 tôn giáo chính thức khác nhau.
Được biết, gia đình Rachelle thuộc dòng Công giáo Maronite, trong khi gia đình Abdul Kader lại thuộc dòng Hồi giáo Sunni.
Cả hai bên đều mong con dâu và con rể tương lai phải cải đạo theo mình, đồng thời muốn hôn lễ của hai người phải được thực hiện theo nghi thức tôn giáo do họ lựa chọn.
Tuy nhiên, cả hai bạn trẻ đều không muốn cải đạo nên đã quyết định tới Cộng hòa Síp để thực hiện một hôn lễ không tôn giáo.
Rachelle và Abdul Kader chỉ là một trong số khoảng 3.000 cặp đôi từ các nước Trung Đông, chủ yếu là Li-băng và Israel tới Cộng hòa Síp mỗi năm để làm lễ cưới.
Đây là nơi gần nhất để tổ chức một hôn lễ không tôn giáo theo tiêu chí nhanh, gọn, rẻ và quan trọng nhất là vẫn được công nhận tại quê nhà.
Đấu tranh vì một hôn lễ không tôn giáo
Tại một số quốc gia Trung Đông, các nhà hoạt động xã hội vẫn đang cố gắng đấu tranh cho một hôn lễ không tôn giáo. Thế nhưng, điều này lại vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo cổ hủ.
Một số quốc gia Hồi giáo có luật pháp dựa theo bộ luật Hồi giáo Sharia, trong khi nhiều quốc gia khác lại chịu ảnh hưởng sâu sắc của đạo Hồi từ thời Đế chế Ottoman.
Ngoài ra, vài quốc gia đa tôn giáo còn tồn tại những cộng đồng tôn giáo nhỏ có hệ thống tòa án và luật pháp tôn giáo riêng biệt.
Điều này đã khiến cho các thành viên trong những cộng đồng đó phải chịu sự gò bó nhất định của tư tưởng tôn giáo cứng nhắc.
Nhiều hoạt động dân sự như hôn nhân, li dị, tranh chấp quyền nuôi con hay thừa kế đều được thực hiện bởi những vị giáo sĩ Hồi giáo, Công giáo hay Do Thái giáo.
Theo những nhà lãnh đạo tôn giáo, Chúa có thể chứng kiến mọi hành động của con người nên tôn giáo cần phải gắn liền với mọi mặt của đời sống.
Hòn đảo "tình yêu" - nơi đã sẽ duyên thành công cho hàng nghìn cặp đôi trên thế giới.
Raz và Or, một cặp đôi người Israel cũng tới Cộng hòa Síp để làm lễ cưới. Cả hai người đều không có quá nhiều lòng tin vào tôn giáo, tuy nhiên việc kết hôn tại Israel lại mang màu sắc tôn giáo khá nặng nề dưới sự kiểm soát của Hội đồng giáo sĩ Bảo thủ.
Hôn lễ tại Israel chỉ được công nhận là hợp pháp khi họ thực hiện nó dưới sự chứng kiến của một giáo sĩ Do Thái giáo. Dĩ nhiên, cô dâu tương lai sẽ phải trải qua một khóa huấn luyện làm vợ đặc biệt và phải thực hiện nghi lễ tắm rửa cầu kì trước khi cưới.
Hôn lễ không tôn giáo của những cặp đôi trẻ đã được diễn ra theo đúng ý nguyện của cô dâu và chú rể mới.
Những yêu cầu trên đã trở thành một rào cản rất lớn với gần 400.000 người Do Thái có nguồn gốc nhập cư từ những nước Liên Xô cũ. Đa phần, họ đều phải sang nước ngoài để kết hôn cùng người bạn đời của mình.
Hiện nay, Cộng hòa Síp được mệnh danh là "Hòn đảo tình yêu" và thu về mỗi năm khoảng 135 triêu USD (tương đương khoảng 3.000 tỷ đồng) từ dịch vụ tổ chức hôn lễ cho người ngoại quốc.
Đa phần, những cặp đôi đến từ các quốc gia Trung Đông đều phải sang nước ngoài để kết hôn cùng với người bạn đời của mình.