Cách đây chưa lâu, mạng xã hội Trung Quốc xuất hiện một số bài đăng với các hình ảnh về xe điện của VinFast.
Các bài đăng này đều cùng tường thuật việc phát hiện ra xe của VinFast tại nước này, cho rằng đó là một điều ngạc nhiên, ít thấy. Đây là điều dễ hiểu, bởi VinFast chưa chính thức giới thiệu xe tại thị trường tỷ dân.
Các bức hình được đăng tải cho thấy một chiếc VinFast VF e34 màu xanh lá, một chiếc VF 5 màu xanh dương, một chiếc VF 6 màu trắng và một chiếc VF 9 cũng màu trắng. 3 chiếc VF e34, VF 5 và VF 6 xuất hiện trong cùng một bài đăng, cùng được chụp trong điều kiện thiếu sáng, dường như cho thấy những chiếc xe này đã đỗ lại một thời gian dài.
Trong khi đó, chiếc VF 9 lại xuất hiện ở một bài đăng khác từ một tài khoản chuyên săn các mẫu xe độc, lạ tại các bãi xử lý xe ở Trung Quốc. Nếu nhìn vào bối cảnh xung quanh chiếc VF 9 thì khó có thể loại trừ khả năng chiếc xe này cũng nằm tại một bãi tập kết xe cũ, hỏng.
Những bức ảnh chiếc VinFast VF 9 này sau đó cũng đã được nhiều tài khoản mạng xã hội Việt Nam chia sẻ lại, ngay lập tức sự chú ý đã hướng về những dấu tròn lạ dán khắp thân xe.
Học theo xe VinFast?
Một bình luận dưới bài đăng còn phỏng đoán rằng những dấu tròn đó "để phục vụ scan 3D và dựng lại thành file đồ hoạ 3D hoàn chỉnh".
Phỏng đoán trên hoàn toàn có khả năng xảy ra, bởi trên thực tế, việc nghiên cứu sản phẩm của đối thủ là một trong những khâu tối quan trọng với một nhà sản xuất, nhằm hiểu rõ sản phẩm đối thủ hơn, hoặc thậm chí để học cách làm sản phẩm.
Trong khi các sáng chế, cải tiến xuất hiện dưới dạng một sản phẩm hoặc chi tiết cụ thể trên xe sẽ thường được đăng ký sở hữu trí tuệ để tránh bị sao chép thì những tiến bộ, cải tiến ở khâu sản xuất lại ít khi được bảo hộ.
Lý do là bởi khi nộp đơn đăng ký, người đăng ký cần mô tả chi tiết về cách thực hiện, khiến cho những bí mật này dễ bị phơi bày và bắt chước lại. Một điều nữa cũng cần nhắc tới là bảo hộ của bằng sáng chế chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian cố định trước khi hết hiệu lực.
Tập trung vào công nghệ sản xuất cũng là hướng tiếp cận của Tesla trong phát triển xe. Hãng xe điện Mỹ bỏ nhiều công sức để tối ưu sản xuất và phần mềm - những thứ xảy ra chủ yếu tại nhà máy chứ không thực sự nằm trên một chiếc xe cụ thể. Luật sư Hideto Kono từng phát biểu: "Công nghệ sản xuất thường không được đăng ký".
Tesla được ghi nhận đã có 2 sáng kiến lớn trong sản xuất xe, đó là Unboxed Process và Gigacasting. Trong khi Unboxed Process là cải tiến trong quy trình sản xuất, Gigacasting lại là một phương thức sản xuất chưa từng thấy.
Với Unboxed Process, Tesla chia một chiếc xe làm 6 cụm; công nhân hoặc robot sẽ lắp ráp linh kiện, chi tiết theo từng cụm rồi ghép toàn bộ thành một chiếc xe hoàn chỉnh. Với Gigacasting, Tesla tối giản số lượng chi tiết và mối hàn bằng việc sử dụng một máy đúc/dập có kích thước chưa từng có, sản xuất ra một cụm chi tiết lớn.
Do vậy, nếu thực sự đã có một đơn vị nào đó tại Trung Quốc nghiên cứu sản phẩm của VinFast thì cũng là một điều không quá lạ trong ngành.
Xe của Tesla, BYD bị tháo tung để nghiên cứu
Năm 2023, Toyota cũng đã nghiên cứu những chiếc xe của Tesla để học cách làm xe điện. Sau nghiên cứu, một giám đốc của Toyota đã rất ngạc nhiên với những gì nằm dưới lớp vỏ xe Tesla: "Tháo bỏ lớp vỏ của Model Y, [những gì nằm dưới] đúng là một tác phẩm nghệ thuật. [...] Thật không thể tin nổi".
Nếu để ý, ta có thể thấy rằng những xe của Tesla kể từ khi ra mắt đều không có thay đổi đáng kể ở thiết kế ngoại thất. Tuy nhiên, điều khác biệt lại nằm dưới lớp vỏ đó; có những chi tiết khác nhau một trời một vực dù chỉ cách nhau 1 năm sản xuất.
Bước ngoặt lớn nhất trong sản xuất của Tesla, như đã đề cập, chính là việc ứng dụng Gigacasting trên Tesla Model Y.
Không chỉ vậy, một đơn vị chuyên nghiên cứu và tư vấn từ Mỹ, Caresoft Global Technologies, cũng đã nghiên cứu mẫu xe điện giá rất rẻ của BYD để tìm hiểu. Trên thế giới, xe điện vẫn có giá thành cao, nhưng việc BYD cho ra được chiếc xe điện Seagull với giá quy đổi chỉ khoảng 250 triệu đồng.
Bí quyết để có một mẫu xe điện giá rẻ của BYD đã được tìm ra; Caresoft Global Technologies kết luận rằng có 4 yếu tố:
- Dùng chung tối đa linh kiện để có thể mua hoặc tự sản xuất với số lượng lớn;
- Tích hợp dọc (Vertical Intergration), nghĩa là mua lại các nhà cung cấp, hoặc tự tham gia sản xuất chi tiết/linh kiện nào đó để gia tăng sự tự chủ;
- Chính sách khác biệt của Trung Quốc giúp giảm chi phí cố định;
- Áp dụng Gigacasting