Trong quá trình phát triển của doanh nghiệp thường sẽ có sự thay máu, nhân viên cũ rời bỏ công ty, đó là sự thật không thể tránh khỏi. Năm 2003, khi nói đến làm thế nào để lựa chọn nhân viên trong chương trình "Cuộc sống giàu có", ông đã trở lời: "Thời còn đi học tôi chưa bao giờ lọt vào nhóm 3 người đứng đầu, cũng không nằm trong số 15 người đứng cuối, toàn xếp hạng ở khoảng giữa danh sách.
Tôi cũng thích lựa chọn những sinh viên "trung bình khá" như vậy. Bởi vì những viên nằm ở số 3 người đứng đầu thường học rất giỏi nhưng không hẳn đã làm được việc, khi đi ra ngoài xã hội rất khó có thể tiếp tục đứng trong top 3. Chúng tôi cũng không thể lựa chọn sinh viên tệ quá".
Trong mắt Jack Ma, "trung bình khá" dường như là một tiêu chuẩn, cũng là chỉ số tham khảo khi lựa chọn nhân viên. Jack Ma có ý tưởng lựa chọn người như vậy bởi vì ông nghĩ rằng những người "trung bình khá" có chỉ số thông minh, đồng thời cũng có tinh thần làm việc nghiêm túc.
Những người trong top 3 thường học rất xuất sắc, tuy nhiên không hẳn đã là người giỏi làm việc, bởi vì anh ta học quá giỏi rồi nên không sẵn lòng làm việc, dễ làm việc qua loa đại khái. Còn những người thành tích kém, có thể do tố chất mà cũng có thể do họ không thông minh, hoặc ý thức quá kém, những người như thế này cũng chưa chắc đã làm tốt công việc.
Chính vì vậy Jack Ma đã đưa ra tiêu chuẩn lựa chọn nhân viên của mình là những người "trung bình khá". Trí tuệ quản lý của Jack Ma thường khác người, ông đứng ở thế giới quan đặc biệt của mình để lựa chọn nhân viên phù hợp nhất cho Alibaba, ông hy vọng sẽ dẫn dắt những nhân viên này tạo nên một đội ngũ vững chắc và cùng hướng tới thành công phía trước.
Tuy nhiên khi có người rời bỏ đội ngũ, Jack Ma cho rằng với vai trò nhà quản lý điều này là dễ hiểu, ông chỉ cố gắng tự nhủ phải dẫn dắt đội ngũ tốt hơn, giúp cho các thành viên đều theo kịp đội hình, hạn chế đến mức thấp nhất số người rớt lại. Jack Ma có một đội ngũ tốt, các thành viên trong đội đồng lòng cùng ông vượt qua thách thức, loại bỏ khó khăn, có một đội hình vượt qua phong ba bão táp như vậy thì rất khó có thể dễ dàng bị cướp đi.
Thực ra muốn xứng đáng trở thành một nhà lãnh đạo thì điều quan trọng là cần phải có một đội ngũ giỏi ở bên cạnh. Có người nói: "Thành công trong sự nghiệp của một nhà quản lý, chỉ có 15% quyết định bởi yếu tố kỹ thuật, còn 85% là mối quan hệ và cách xử trí khôn khéo".
Nếu một người mất đi sự hợp tác trong tập thể, cho dù năng lực anh ta có tốt đến đâu thì phát huy cũng có giới hạn. Thế nhưng trong một tập thể, dù trong đội hình toàn là những người bình thường, nếu biết phối hợp thì sẽ tạo ra một nguồn năng lượng vô hạn. Một nhà lãnh đạo giỏi, cần phải biết biến sự yếu ớt của bầy cừu thành sức chiến đấu như một bầy sư tử, khiến sức mạnh ngày càng phát huy lớn hơn.
Nhà quản lý muốn xây dựng một đội ngũ giỏi như cách làm của Jack Ma cần phải chú ý các mặt sau:
Thứ nhất, cần có mục tiêu chung rõ ràng. Đội ngũ của nhà sáng lập Alibaba thành công, tập trung cao độ như vậy là bởi vì họ có chung một mục tiêu rõ ràng, kiên định và không thay đổi, mục tiêu này chính là nền tảng cho sự tồn tại của đội ngũ, cũng là cội nguồn của sự tập trung cao độ. Mỗi thành viên trong đội ngũ đều nhận thức được mục tiêu này, đồng lòng phấn đấu để đạt được mục tiêu, đội ngũ như vậy mới có thể đi xa hơn nữa được.
Thứ hai, bầu không khí tích cực của đội ngũ. Người lãnh đạo cần tạo ra bầu không khí tích cực trong toàn đội, khiến mỗi thành viên trong đội cảm nhận được sự vui vẻ, mà không chịu áp lực của công việc. Trong quá trình làm việc, nếu trao quyền và chia sẻ thông tin thích hợp cũng khiến mỗi thành viên đều cảm thấy mình dường như là người dẫn đầu tập thể, có thể làm mạnh thêm lòng nhiệt tình trong công việc của họ.
Thứ ba, có kỷ luật chặt chẽ trong tập thể. "Không quy củ, sao thành vuông tròn", một quy định chặt chẽ không những ràng buộc được những hành vi vượt quá giới hạn mà còn rèn luyện cho các thành viên một tác phong làm việc nghiêm túc. Trong một đội ngũ, quy định và chuẩn mực tạo nên hành vi tiêu chuẩn của cả đội, hành vi này khiến các thành viên dần dần hình thành nên thói quen. Quy định rõ ràng có thể khiến công việc càng trở nên minh bạch, mọi thành viên có thể hợp tác với nhau để thực hiện mục tiêu vì lợi ích của toàn đội.