Mặc dù sở hữu số phi tần và con cái ít hơn so với tổ phụ Khang Hi, nhưng Càn Long vẫn luôn được hậu thế nhắc tới với danh hiệu "Hoàng đế phong lưu" khét tiếng Thanh triều.
Hậu cung của Càn Long có 41 vị phi tần, đa phần là những cung phi xuất thân từ Hán tộc, Mãn tộc, Mông Cổ.
Trong số đó, chỉ có một vị phi tần gốc Triều Tiên được an táng trong địa cung cùng Càn Long, thậm chí lúc sinh thời còn được sắc phong làm Hoàng Quý phi, vị trí chỉ đứng sau Hoàng hậu.
Trong phi viên tẩm thuộc Dụ lăng, nơi an táng những phi tần được Càn Long sủng ái nhất, các nhà khảo cổ cũng phát hiện ra xương cốt của một người phụ nữ gốc Triều Tiên này.
Điều ấy khiến hậu thế không khỏi thắc mắc: Rốt cuộc cung phi người ngoại quốc ấy là ai? Điều gì khiến bà có được sự ân sủng đặc biệt của một vị Hoàng đế khét tiếng trăng hoa như Càn Long?
Xuất thân đặc biệt của Hoàng Quý phi Triều Tiên
Vào giai đoạn giữa thời kỳ Càn Long tại vị, số lượng phi tần trong hậu cung ngày càng tăng nhanh.
Bên cạnh những vị phi tần xuất thân từ Mãn tộc, Hán tộc, vị Hoàng đế này còn chủ động dùng hôn nhân để thắt chặt mối quan hệ với lân bang.
Để thắt chặt mối quan hệ và giữ cục diện yên ổn cho vùng Tân Cương, vị Hoàng đế này từng cưới một phi tử người Duy Ngô Nhĩ. Đó chính là mỹ nhân nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa – Hương phi.
Chân dung Càn Long đế - vị vua phong lưu nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa. (Tranh: nguồn Baidu).
Vậy nhưng, cuộc hôn nhân của Càn Long Hoàng đế với vị phi tử người Triều Tiên lại không phải là hôn nhân chính trị như hậu thế vẫn nghĩ.
Đến từ Khoa Lịch sử thuộc Đại học Bắc Kinh, giáo sư Từ Khải đã có nhiều năm nghiên cứu về mối quan hệ ngoại giao của Thanh triều với Triều Tiên.
Theo giáo sư Từ, khác với các thời kỳ trước đó, Hoàng đế Thanh triều đặc biệt ít tuyển phi tần từ Triều Tiên. Nếu có tuyển chọn, Hoàng đế cũng chỉ lựa chọn những cô gái xuất thân từ các gia đình gốc Triều Tiên nhưng làm quan tại Trung Hoa.
Các Hoàng đế nhà Thanh chỉ tuyển chọn các tiểu thư xuất thân trong những dòng tộc Triều Tiên làm quan tại Trung Hoa. (Ảnh minh họa).
Từ khi nhà Thanh thành lập, nhiều người Triều Tiên đã di cư tới lãnh thổ Trung Hoa. Phần lớn họ hoặc là mâu thuẫn với giai cấp thống trị của đất nước mình mà ly khai cố hương, hoặc là tù binh chiến tranh, có khi là những di dân, thương buôn tự nguyện quy phục Thanh triều.
Vào năm Càn Long thứ 9 (năm 1744), Hoàng đế ra chiếu chỉ ban họ cho các gia tộc người Triều Tiên có cống hiến hoặc sinh sống lâu năm tại Đại Thanh.
Trong số các gia tộc ấy, có 4 dòng tộc danh giá nhất là họ Kim, họ Hàn, họ Lý và họ Phác. Vị phi tần Triều Tiên trong hậu cung Càn Long chính là thiên kim tiểu thư của gia tộc họ Kim – Thục gia Hoàng Quý phi Kim thị.
Tạo hình của Thục gia Hoàng Quý phi Kim thị trong bộ phim "Hậu cung Như Ý truyện". (Ảnh: nguồn Sina).
Trên thực tế, ngay cả khi đã được Hoàng đế ban họ, nhưng các gia tộc có gốc gác Triều Tiên vẫn chỉ là "Bao y" – tầng lớp thấp kém trong quân đội Mãn Châu.
Tổ tiên của Thục gia Hoàng Quý phi là người Triều Tiên, tới năm 1627, cả gia tộc của bà quy phục Thanh triều. Nhờ lập được nhiều công lao to lớn, tổ phụ của bà được gia nhập hàng ngũ quan lại cao cấp trong triều đình Trung Hoa.
Tới đời của vị Hoàng Quý phi này, mặc dù gia tộc họ Kim vẫn là tầng lớp Bao y, nhưng cũng có địa vị vững chắc trên chính trường. Cha bà là Kim Tam Bảo – Thượng thư Tứ viện khanh. Anh trai của bà là Kim Giản cũng làm quan tới chức Lại bộ Thượng thư.
Cung phi ngoại quốc làm nên "kỳ tích" chốn hậu cung
Thục gia Hoàng Quý phi sinh vào năm Khang Hi thứ 52 (năm 1713), từng là một tiểu thiếp trong phủ Thân vương của Càn Long.
Sau khi lên ngôi, Càn Long sắc phong cho bà làm Quý nhân. Hai năm sau, bà được tấn thăng làm Gia Tần.
Năm Càn Long thứ 6, Kim thị tiếp tục được phong làm Gia phi. Tới năm Càn Long thứ 14 (năm 1749), bà chính thức được sắc phong làm Hoàng Quý phi, địa vị trong hậu cung chỉ xếp sau Hoàng hậu.
Sinh thời, Hoàng đế Càn Long từng cho người họa lại chân dung 11 vị phi tần đẹp nhất hậu cung, sau đó hạ lệnh "ai lén xem sẽ bị xử tử". Chân dung của Thục gia Hoàng Quý phi Kim thị được vẽ năm 1766 cũng nằm trong số đó. (Ảnh: nguồn Baidu).
Sinh thời, Thục gia Hoàng Quý phi sinh hạ cho Càn Long 4 vị Hoàng tử. Một vị phi tần có tới 4 hoàng nam, trong hậu cung Thanh triều đã là chuyện vô cùng hiếm thấy.
Trong số bốn người con của Thục gia Hoàng Quý phi, có ba người sống qua tuổi thành niên, đều được vua cha sắc phong làm Thân vương.
Đặc biệt, vị Hoàng tử thứ 11 là Vĩnh Tinh từng được xếp vào "Mãn Thanh tứ đại thư gia" nhờ tài thư pháp trác việt của mình. Tấm bia ca ngợi công đức của Càn Long đặt trong Dụ Lăng cũng được tạc dựa trên nét chữ của vị a ca ấy.
Sinh thời, Càn Long Hoàng đế có 17 người con trai, trong đó có tới 4 vị Hoàng tử do Thục gia Hoàng Quý phi sinh hạ. Điều này đủ để chứng tỏ vị phi tần gốc Triều Tiên ấy được nhà vua vô cùng sủng ái.
Ngày 15 tháng 11 năm Càn Long thứ 20 (năm 1755), Hoàng Quý phi lâm bệnh và qua đời ở tuổi 40. Bà được đích thân Sùng Khánh Hoàng Thái hậu truy phong thành Thục gia Hoàng Quý phi và an táng trong Dụ lăng phi viên tẩm.
Khác với những kết cục bi thảm của các phi tần Triều Tiên trong hậu cung Trung Hoa những thời đại trước, Thục gia Hoàng Quý phi Kim thị không chỉ nhận được ân sủng đặc biệt của Hoàng đế mà còn tạo nên kỳ tích hiếm có. (Ảnh minh họa).
Sau khi lên ngôi, Hoàng đế Gia Khánh phong cho gia tộc họ Kim của Hoàng Quý phi từ "Bao y" lên thành "Thượng tam kỳ" trong đội Chính Hoàng kỳ.
Năm 1818, Gia Khánh chính thức ban chiếu chỉ đổi họ "Kim" thành "Kim Gia". Điều này chính là sự ân sủng đặc biệt của Hoàng đế dành cho gia tộc có gốc gác ngoại quốc này.
Nhìn vào hậu cung của Càn Long với số đông là những phi tần Mãn tộc, Hán tộc, ta có thể thấy một phi tần ngoại quốc tồn tại ở nơi "ăn thịt người" ấy đã chẳng phải điều dễ dàng.
Dưới thời của Vĩnh Lạc đế Chu Đệ (nhà Minh), hậu cung Trung Hoa cũng từng tiếp nhận 5 vị cung phi người Triều Tiên. Chỉ tiếc rằng họ đều chết thảm nơi cung cấm vì thua về thủ đoạn so với các phi tần chính quốc.
Vậy mới thấy, Kim Giai thị có xuất thân gốc Triều Tiên, nhưng lại yên ổn trụ vững trong hậu cung, còn được tấn thăng tới hàng Hoàng Quý phi, sinh cho Hoàng đế tới 4 người con trai đã là điều vô cùng hiếm thấy.
Hơn nữa, vị phi tần ngoại quốc ấy còn được đặc ân an táng cùng Hoàng đế, lại mang về cho dòng họ không ít vinh hiển, quả là đã làm nên "kỳ tích"!