Ăn quẩy hàng ngày nhưng không phải ai cũng biết nguồn gốc, cách phân biệt bẩn sạch
Quẩy - món ăn kèm phổ biến đối với nhiều người tiêu dùng, thế nhưng quẩy được sản xuất như thế nào, nguồn gốc từ đâu, có đảm bảo an toàn hay không thì không phải ai cũng biết.
Bạn Lương Trác Tuấn Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) nói: "Mình không tìm hiểu cách làm quẩy, mình chỉ biết quẩy là một món ăn ngon".
Chị Nguyễn Thị Xinh (Trương định, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay: "Quẩy được sản xuất từ bột mỳ. Mình không biết về nguồn gốc xuất xứ của quẩy. Nhưng mình nghĩ những quán quẩy quen cũng sạch sẽ, đảm bảo chất lượng".
Không chỉ thiếu quan tâm về nguồn gốc cách thức nhận biết quẩy sạch, quẩy bẩn của người tiêu dung cũng khá mơ hồ.
Chị Nguyễn Thị Xinh chia sẻ: "Mình chỉ phân biệt quẩy sạch hay bẩn bằng mắt, quẩy sạch có màu vàng ruộm".
Chị Nguyễn Thị Hương (Cầu Giấy) cũng cùng quan điểm: "Phân biệt quẩy sạch, quẩy bẩn bằng cảm quan, cách tốt nhất là ăn ở những hàng uy tín".
Chính bởi sự mơ hồ khó nắm bắt của loại thực phẩm này, nhiều người đã chọn giải pháp loại bỏ quẩy khỏi thực đơn hàng ngày để đảm bảo an toàn sức khỏe cho gia đình.
Nguyễn Thị Hương (Cầu Giấy) nói: "Hơn 10 năm nay tôi không ăn quẩy vì có nhiều thông tin về nguồn gốc của loại thực phẩm này, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không tốt cho sức khỏe".
Mơ hồ về nguyên liệu và cách nhận biết quẩy đạt chất lượng. Thế nhưng nhiều thực khách.vẫn vô tư sử dụng món ăn này, bởi đây là món ăn khá hấp dẫn khi ăn kèm cháo, bún, phở.
"Mục sở thị" quy trình làm quẩy bẩn
Để tìm hiểu về quy trình sản xuất quẩy phóng viên đã thâm nhập thực tế tại 1 cơ sở sản xuất quẩy trên đường Hoàng Đạo Thành quận Thanh Xuân, Hà Nội. Tại đây quẩy được làm ngay trên vỉa hè, trong khoảng diện tích chưa đầy 10m2.
Các vật dụng để sản xuất quẩy được bày la liệt trên nền đất. Bột đươc nhào nặn trên những tấm ván được dựng sơ sài đã mốc xanh, bột nhào xong cũng chẳng được che đậy mặc cho ruồi bâu, kiến đậu và khói bụi từ lương xe cộ tấp nập đi qua.
Việc nặn bánh được người chủ tiến hành nhanh chóng, không có găng tay cũng như trang phục bảo hộ. Và kinh khủng hơn chảo dầu dùng để chiên quẩy được chiên đi chiên lại nhiều lần nên đã chuyển sang màu đen đặc sánh và bốc lên mùi khó chịu.
Ảnh cắt từ video của VTC16
Theo như lời của người chủ cơ sở, mỗi ngày tại đây sẽ có 5.000 - 6.000 chiếc quẩy được xuất đi đến các quán bún, phở, cháo, thậm chí bán ngay tại nhà cho học sinh của trường học gần đó.
Chủ cơ sở quẩy trên đường Hoàng Đạo Thành cho biết: "Một ngày cơ sở làm 5, 6 nghìn cái, các nhà hàng to quanh đây đều lấy quẩy của nhà cô. Chiều học sinh tan về thì bán cho chúng nó. Dạo này bận cô làm ít chứ ngày trước cả một dãy dài học sinh, bán không kịp".
Bột được vứt ngay trên nền đất, được nhào nặn trên nền tấm ván đã ẩm mốc, ruồi bâu, kiến đậu và trải qua 10 phút chiên trên chảo dầu đen đặc quánh. Những mẻ quẩy đã được vớt ra và sẵn sàng đi đến những nhà hàng.
Chứng kiến những chiếc quẩy vàng óng và đẹp mã, chắc hẳn người tiêu dùng sẽ rất khó để hình dung ra một quy trình sản xuất quẩy kinh hoàng như trên.
Phanh phui hàng loạt cơ sở sản xuất quẩy bẩn
Sản xuất quẩy bẩn không chỉ là câu chuyện của cơ sở này. Hàng loạt các cơ sở sản xuất quẩy bẩn liên tiếp được phát hiện trong thời gian qua.
Tại một cơ sở sản xuất quẩy nằm ở phố Trần Cung (Cổ Nhuế, Hà Nội) do lực lượng chức năng thành phố phát hiện. Mỡ dùng để rán được đựng trong chum sứ bên ngoài váng mỡ đen ngòm, lớp mỡ bên trong cũng đen không kém.
Trước đó, công an phường Ngọc Thụy (Long Biên) đã lập biên bản và thu giữ 36 can dầu rán, 26 kg bột mỳ không rõ nguồn gốc tại cơ sở sản xuất quẩy nóng trên địa bàn do ông Nguyễn Văn Quyền làm chủ.
Tại Thái Bình, lực lượng công an tỉnh cũng lập biên bản thu giữ hơn 2 tấn quẩy không rõ nguồn gốc trên xe tải do Trần Công Vinh làm chủ đang trên đường vận chuyển đem đi tiêu thụ.
Tại Nghệ An, phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phát hiện và bắt quả tang cơ sở sản xuất quẩy do anh Đới Văn Vinh làm chủ sử dụng phụ gia, chất lỏng không rõ nguồn gốc. Lực lượng chất năng đã thu giữ toàn bộ số quẩy và phụ gia để tiếp tục phục vụ điều tra.
Chuyên gia nói về những vấn đề sức khỏe khi ăn quẩy bẩn?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên khoa công nghệ thực phẩm, đại học Bách Khoa Hà Nội nhận định, sản phẩm độc hại sinh ra trong quá trình chiên rán quẩy bằng dầu mỡ tái chế không gây ra ngộ độc cấp tính vì hàm lượng acrylamide thấp, nhưng sẽ gây ra nhiễm độc trường diễn, tích lũy chất độc lâu dần trong cơ thể.
Ảnh cắt từ video của VTC16
Bên cạnh đó, việc chiên những loại thực phẩm như gà, cá, đậu phụ, quẩy… bằng dầu mỡ tái chế, thậm chí dầu chuyển sang màu đen. Dầu và mỡ đều là chất béo, cấu trúc gồm có axit béo, axit béo không no, axit béo no. Axit béo không no biến tính bởi nhiệt tạo thành chất độc khác - axit béo không no bị cắt mạch tạo thành hợp chất ngắn hơn gây độc.
Chiên rán bằng dầu mỡ đều tham gia quá trình acrylamide hóa, gây ra ung thư. Không có phản ứng ngay mà tích lũy dần dần. Dầu càng dùng nhiều lần thì acrylamide càng lớn, càng độc hại.
Về vấn đề phân biệt được quẩy sản xuất an toàn, quẩy được dùng bằng dầu tái chế, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, người sản xuất phải nghĩ ra cách làm để quẩy bẩn giống với quẩy bình thường, người mua hàng không thể phát hiện ra. Nên rất khó để phát hiện được đâu là quẩy được dùng bằng dầu tái chế, quẩy sản xuất an toàn.
Để tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình, PGS.TS Thịnh khuyến cáo chúng ta nên giảm bớt lượng thực phẩm chiên rán bán ngoài thị trường, không nên biến nó thành món khoái khẩu.
Rõ ràng không phải dễ dàng để người tiêu dùng có thể phân biệt được đâu là quẩy được chế biến an toàn, đâu là quẩy được chế biến bằng mỡ được chiên đi chiên lại nhiều lần.
Cách đơn giản, hiệu quả an toàn nhất chính là ăn quẩy tại gia, chỉ cần gõ một vài từ khóa là quý vị có thể tìm thấy những mẹo hay những cách chế biến đơn giản để có được những chiếc quẩy giòn tan, béo ngậy cho cả gia đình.
Mời quý vị xem video cụ thể:
Bí mật rùng rợn về quy trình làm quẩy bẩn giữa thủ đô